Người sáng lập Huawei là ai mà tình báo Mỹ lại sợ công ty của ông đến vậy?
Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) đã biến một công ty không có tài sản trí tuệ trở thành công ty viễn thông lớn nhất thế giới và đưa Huawei trở thành công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 5G. Phải chăng ông đã có sự trợ giúp từ Bắc Kinh, như cách mà Washington đã nói?
Đứng trong khuôn viên mới của Huawei Technologies Co., gần Thâm Quyến, thật khó có thể tin rằng Nhậm Chính Phi, với sự hỗ trợ của 5 người bạn của bạn, có thể biến một start-up nhỏ bé trở thành một "gã khổng lồ" công nghệ.
Bằng cách nào mà Nhậm Chính Phi, khi đó ở độ tuổi 40 và không sở hữu tài sản trí tuệ, đã phát triển Huawei thành công ty bán thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất, với 188.000 nhân viên tại 170 quốc gia?
Thực tế đó là điều hoàn toàn không thể tin được, theo chính phủ Hoa Kỳ.
Washington có thể tin rằng lịch sử của Huawei là một sự giả tạo - rằng Huawei thực sự là một sáng tạo của chính phủ Trung Quốc và thành công của nó dựa trên mối quan hệ chặt chẽ của Nhậm Chính Phi với các đơn vị tình báo trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Ban lãnh đạo Huawei phủ nhận giả định này.
Mặc dù nguồn gốc của Huawei và sự độc lập của công ty này đang gây tranh cãi nhưng những thành tựu và tham vọng của nó thì khó ai có thể tranh cãi.
Huawei đã đi đầu trong việc phát triển thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây - 5G, với lời hứa về bước nhảy vọt lượng tử trong kết nối. Huawei đang duy trì và mở rộng vị trí dẫn đầu trong khi cũng tiến lên trên các mặt trận khác, và bằng cách mở rộng, như có thể là nơi đầu tiên sản xuất các hệ thống quân sự nhạy cảm thế hệ mới, lưới điện thông minh, phương tiện vận tải tự hành và các sản phẩm, quy trình quan trọng khác.
Hoa Kỳ lo ngại rằng sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đang đe dọa an ninh quốc gia của họ. Nhà Trắng, trong lúc đạt được sự đồng thuận hiếm có với các cơ quan tình báo của riêng mình, đang có những hành động chưa từng thấy. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị, nhưng vẫn chưa ký, một lệnh hành pháp nhằm cấm cửa Huawei tại Hoa Kỳ.
Một bồi thẩm đoàn liên bang gần đây đã buộc tội giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu vì tội vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bà Chu, con gái của Nhậm Chính Phi, đã bị bắt ở Vancouver, Canada, và hiện vẫn đang ở đó với hy vọng chống lại yêu cầu dẫn độ đến xét xử ở New York. Hoa Kỳ cũng yêu cầu chính phủ và các công ty trên khắp thế giới ngừng mua hoặc sử dụng các sản phẩm và thiết bị của Huawei.
Bây giờ, Huawei đang chiến đấu cả trên mặt trận tòa án và trên các phương tiện truyền thông. Trong một loạt các cuộc phỏng vấn gần đây tại trụ sở ở Thâm Quyến, Nhậm Chính Phi và các quan chức cấp cao khác liên tục phủ nhận mạnh mẽ Huawei bị chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc kiểm soát.
"Hoa Kỳ đã tấn công Huawei trong hơn 10 năm, từ những chuyện nhỏ nhất. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để giữ im lặng và khoan dung. Nhưng khoan dung không có nghĩa là chúng ta tê liệt. Im lặng không có nghĩa là chúng ta hèn nhát", ông Nhậm Chính Phi nói.
Người sáng lập và giám đốc điều hành 74 tuổi khẳng định rằng ông và công ty chưa bao giờ cố ý làm các sản phẩm của mình có khả năng tổn hại đến an ninh và họ sẽ không bao giờ làm như vậy. Gần đây, ông nói rằng ông muốn đóng cửa công ty hơn là làm bất cứ điều gì khiến khách hàng của Huawei bị tổn hại. Ông cũng nói con gái ông không phạm tội.
Huawei cho biết Hoa Kỳ đã không đưa ra được bằng chứng rõ ràng để làm sáng tỏ cho các tuyên bố của họ. Thay vào đó, Huawei nói rằng cuộc chiến thực sự nhắm đến thương mại và công nghệ.
Trong bối cảnh khi cả hai bên không tin tưởng lẫn nhau, rủi ro có thể đến khi cả hai bên đều cho mình là đúng. Với khả năng thương mại, công nghệ và an ninh đều được liên kết chặt chẽ với nhau, Huawei có thể là hình tượng đại diện cho sự lên ngôi của Trung Quốc và đồng thời, cũng có thể là một con tin trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về Huawei, một phần vì sự bí mật kể từ khi thành lập vào năm 1987, và một phần vì những hạn chế trước đó đối với việc bán sản phẩm ở Hoa Kỳ.
Cuộc gặp gỡ với tạp chí The Times là một phần của chiến dịch truyền thông rộng lớn hơn nhằm nhân tính hóa Huawei và làm sáng tỏ hơn những nghi ngờ về nguồn gốc và quyền sở hữu hiện tại của công ty.
Trong một căn phòng nhỏ, trải thảm màu xám, công ty giữ một sổ đăng ký in 10 tập trong một tủ kính. Chúng chứa tên của gần 100.000 nhân viên được cho là cổ đông của công ty. Một phóng viên của Times được nhìn thấy tên, số nhận dạng, bộ phận làm việc và tổng số cổ phần sở hữu của các nhân viên. Đây là bằng chứng, Huawei nói, rằng nhân viên của họ, chứ không phải nhà nước, là chủ sở hữu của công ty.
Huawei cũng tiết lộ với The Times tên và nghề nghiệp của 5 nhà đầu tư đã giúp Nhậm Chính Phi tăng vốn khởi nghiệp 5.000 USD vào năm 1987. Mỗi nhà đầu tư trả số tiền bằng nhau với tư cách cá nhân và rút tiền đặt cọc từ năm 1991 đến 2000.
Nếu họ giữ cổ phần của mình, mỗi người sẽ tự hào có cổ phần tương đương với Nhậm Chính Phi, người sở hữu 1,14% cổ phần của công ty với giá 1,17 USD mỗi cổ phần, tương đương lượng cổ phần trị giá hơn 220 triệu USD, công ty cho biết.
Nhà sáng lập Huawei cũng xua tan một số tin đồn về kế hoạch kế nhiệm của mình, về việc giành vị trí giám đốc điều hành cho một trong những người con mình. Thay vào đó, ông nói rằng ông sẽ trao quyền cho một hội đồng gồm 7 thành viên.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực minh bạch hơn, phần lớn lịch sử của công ty vẫn còn mơ hồ và độ tin cậy của nó đã gây tranh cãi, bao gồm cả những cáo buộc liên quan đến gián điệp công nghiệp.
Các cuộc phỏng vấn gần đây, cùng với nhiều năm điều tra, kiện cáo và các báo cáo tin tức, có sự mâu thuẫn với những thông tin chính thức từ Huawei công ty và thật khó để biết những gì đằng sau gã khổng lồ công nghệ mạnh nhất Trung Quốc.
Huawei không giấu giếm tham vọng của mình. Một tòa nhà dành riêng cho du khách nước ngoài giải trí với hai phòng lớn. Người ta có thể liên tưởng đến Cung điện Versailles, và đằng sau nó có một bản sao của một làng nông nghiệp truyền thống của Trung Quốc, với những cánh đồng bậc thang.
Khuôn viên mới trị giá 1,5 tỷ USD của Huawei được khai trương gần đây, giống như một công viên Disney ở Đông Quan, phía bắc Thâm Quyến, bao gồm 12 thị trấn châu Âu được lấy cảm hứng từ lâu đài Heidelberg ở Đức và các tòa nhà lợp ngói đỏ ở Verona, Ý. Khuôn viên rộng 2.200 mẫu được kết nối bằng một xe điện màu đỏ được nhân bản từ Thụy Sĩ và tất cả các xe ô tô của nhân viên đều được đỗ trong các gara dưới mặt đất.
Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hạn chế Huawei, doanh thu hàng năm của hãng đã tăng gần 20% trong năm 2018 lên 105 tỷ USD. Ông chủ Huawei dự đoán doanh số có thể tăng gấp 3 trong 5 năm tới nếu Huawei vượt qua sự can thiệp của Hoa Kỳ. Vài năm sau đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc - do Huawei và các công ty công nghệ khác dẫn đầu - có khả năng vượt qua Hoa Kỳ.
Thật khó để thấy làm thế nào Hoa Kỳ có thể chặn Huawei mà không gây ra một cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc có thể quá yếu để giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, thì nước này cũng có thể quá mạnh để khó có thể gục ngã trong cuộc chiến này.
Tham vọng khẳng định chính mình
Các nhà lãnh đạo hiện đại của Trung Quốc - từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình - đã giảng giải về việc Trung Quốc cần phải vượt qua sự xấu hổ của mình để học hỏi từ phương Tây và học được những cải tiến thông qua việc đổi mới sản xuất.
"Kể từ cuộc chiến tranh nha phiến, Trung Quốc đã lần lượt bị các quốc gia có ít dân số, tài sản và tài nguyên hơn qua mặt", ông Tập Cận Bình nói hồi tháng Năm năm ngoái. "Một trong những nguyên nhân sâu xa là sự tụt hậu trong công nghệ".
Ước muốn tự chủ và vượt qua phần còn lại của thế giới công nghiệp hóa đã thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại hơn 150 quốc gia. Và hai năm sau, "Made in China 2025", một kế hoạch đầy tham vọng ra đời nhằm nâng cấp sản xuất, tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghệ sinh học.
Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu nghèo khó ở phía tây, là con lớn nhất trong gia đình có 7 người con. Họ thường xuyên trong tình trạng đói khát và lớn lên với vài bộ quần áo, theo ông Phi. Ông tốt nghiệp bằng kỹ sư dân dụng trong thời Cách mạng Văn hóa, khi có rất ít người có việc làm và tự học điện tử bằng sách giáo khoa.
Nhậm Chính Phi cho biết ông gia nhập quân đội vào những năm 1970, khi các sinh viên tốt nghiệp đại học được ủy thác đi xây dựng một nhà máy sản xuất vải tổng hợp của chính phủ trong bối cảnh thiếu vải. Ông nói rằng ông rời quân đội trong một thời gian khi chính phủ cắt giảm quy mô quân đội.
"Khi chúng tôi xuất ngũ và cố gắng tham gia vào cuộc sống dân sự, chúng tôi cứ như bị xã hội bỏ rơi", ông nói.
Không còn nhiều lựa chọn, ông đã thử sức với việc kinh doanh khi Trung Quốc đang phát triển một thí nghiệm cải cách thị trường qua biên giới tại một thị trấn đang phát triển là Thâm Quyến với Hồng Kông, lúc đó còn là thuộc địa của Anh.
Nỗ lực kinh doanh đầu tiên của ông Phi, một doanh nghiệp nhà nước nhỏ với 20 nhân viên, là một thất bại. Sau đó, ông đã thành công trong việc huy động vốn với 5 nhà đầu tư khác ở Thâm Quyến để cho ra mắt Huawei, một công ty bắt đầu kinh doanh bằng cách bán thiết bị chuyển mạch điện thoại được mua từ Hồng Kông.
Để gây ấn tượng, công ty non trẻ tuyên bố sẽ chiếm hai tầng trên cùng của một tòa nhà chung cư được chuyển đổi - một bất động sản đắc địa trong đặc khu kinh tế.
"Chúng tôi không có ý tưởng gì về nền kinh tế thị trường. Tôi thậm chí còn chẳng biết siêu thị là gì", Nhậm Chính Phi nói.
Cách Huawei phát triển để trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới vẫn là chủ đề của cuộc tranh luận gay gắt.
Ông Phi và các quan chức công ty nói rằng đó là một cú huých, nhờ lãnh đạo tốt và làm việc không mệt mỏi.
Các quan chức ở Hoa Kỳ nói ông Phi là một sĩ quan tình báo cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân và các mối quan hệ của ông ta đóng vai trò trong việc Huawei được sự hỗ trợ của chính phủ để giúp Trung Quốc vượt qua sự phụ thuộc vào thiết bị viễn thông nước ngoài. Họ bác bỏ hệ thống sở hữu cổ phiếu nhân viên của công ty, và khẳng định nó được phát triển để che giấu mối quan hệ nhà nước.
Các nhà phân tích cho rằng Huawei đã tận dụng tối đa tình hình của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, công ty đã chiếm giữ các thị trường nông thôn Trung Quốc bị bỏ ngỏ bởi các công ty nước ngoài và nhà nước, khi lần đầu tiên cung cấp đường dây điện thoại cho các làng quê. Điều đó đã tạo cho công ty nền tảng để thâm nhập thị trường đô thị, tạo sự khác biệt bằng cách cung cấp hỗ trợ khách hàng trong khi các đối thủ không thành công.
Khi đã sẵn sàng ra thị trường nước ngoài, Huawei đã có sự hỗ trợ của các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, mở rộng tín dụng hàng tỷ USD để thu hút khách hàng, chủ yếu ở các thị trường mới nổi với giá thấp.
Tư bản khốc liệt?
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với nửa tá nhân viên hiện tại và cựu nhân viên Huawei, lại vẽ ra một bức tranh về một công ty tư bản khốc liệt liên quan đến chính phủ.
Một nhân viên làm việc tại công ty trụ sở chính của Thâm Quyến cho biết Huawei giống như một đứa trẻ được nhận nuôi, vượt trội so với những đứa trẻ sinh ra yếu đuối như những công ty nhà nước. Những người khác cho biết Huawei đã từ chối yêu cầu từ nhà nước để nhận các dự án ở nước ngoài.
Tiền đã là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nhân viên. Một số nhân viên đã sửng sốt với tiền thưởng cao gây sốc khi hoàn thành các dự án.
Một số người Thái Lan làm việc cho Huawei tại Bangkok từ năm 2015 đến 2017 cho biết tiền thưởng thường vượt quá mức lương cơ bản hàng năm.
Một cựu nhân viên khác, một người châu Âu làm việc tại trụ sở Thâm Quyến trong một năm, cho biết mức lương cao và tiền thưởng bất ngờ là điều thường thấy ở Huawei. Ông đã so sánh việc thuê nước ngoài tại Huawei với lính đánh thuê.
"Chúng tôi chỉ ở đó vì có tiền", ông nói.
Nhân viên đáp ứng mục tiêu hiệu suất được tùy chọn mua cổ phiếu công ty. Một cựu công nhân từng làm việc ở Ai Cập cho biết người mua phải ký miễn trừ thừa nhận rằng giá trị cổ phiếu của họ có thể tăng và giảm.
Tuy nhiên, mỗi năm, mọi người đều kiếm được tiền, Joseph Tian, một nhân viên công nghệ thông tin tại Huawei trong 10 năm, đã rời đi vào năm 2017 nói.
Một quan chức của công ty cho biết cổ phiếu Huawei chưa bao giờ giảm.
Mức lương cao là cần thiết để biện minh cho một môi trường làm việc mệt mỏi, trong đó nhân viên đôi khi được kỳ vọng đôi khi làm công việc của đôi ba người.
Nhân viên ở Thâm Quyến cho biết các nhân viên Trung Quốc được xếp hạng A, B, C hoặc D trong các đánh giá hiệu suất thường xuyên. Những người đạt điểm A nhận được tiền thưởng gấp đôi so với nhân viên B. Ít nhất 10% nhân viên phải có được hạng C, cô nói, điều đó có nghĩa là mọi người đều cố gắng hơn để đạt điểm cao hơn.
Không ai trong số các nhân viên nói rằng họ biết về các trường hợp gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ - mặc dù nhân viên Thái Lan ở Bangkok cho biết các kỹ sư có thể dễ dàng truy cập máy chủ của khách hàng, theo dõi điện thoại và nghe lén lưu lượng truy cập internet của khách hàng nếu họ muốn. Giao thức của công ty cho phép bất cứ ai làm điều đó mà không bị trừng phạt, ông nói.
Nhưng ở Trung Quốc, cơ quan nhà nước có thể thay thế các quy tắc của công ty.
Nhà nước muốn sử dụng Huawei, và họ có thể sử dụng nó nếu muốn, một nhân viên ở Thâm Quyến nói.
Cuộc đua 5G
Nếu 3G cho người dùng điện thoại di động truy cập internet và 4G mang video phát trực tuyến, thì 5G sẽ được ghi nhớ là công nghệ kết nối mọi thứ được gắn chip với mạng không dây.
Nhanh hơn 100 lần so với công nghệ tiền nhiệm, 5G sẽ đủ nhanh để giúp xe tự lái tránh người đi bộ, bác sĩ hỗ trợ thực hiện phẫu thuật từ xa và cho phép lưới điện sử dụng dữ liệu thời gian thực để trở nên hiệu quả hơn.
Công ty tự hào cho du khách xem một màn hình công phu phác họa tham vọng của mình - và điều khiến các quan chức tình báo Hoa Kỳ lo lắng - một thành phố tưởng tượng trong tương lai chạy trên công nghệ Huawei.
Công ty đã dành 14% doanh thu hàng năm cho R&D trong hai năm qua và dành 45% lực lượng lao động cho R&D - một trong những lý do Huawei có thể nộp đơn xin cấp bằng sáng chế nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới vào năm ngoái, với 5.405 bằng sáng chế, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Con số này gần gấp đôi so với đối thủ gần nhất, Mitsubishi Electric.
Nếu những bằng sáng chế đó được sử dụng bởi các công ty khác, Huawei sẽ được trả tiền bản quyền - một khả năng có thể xảy ra với phạm vi tiềm năng của mạng không dây thế hệ tiếp theo.
Cuộc chiến thực sự
Điều quan trọng là phải xem liệu Huawei có quay trở lại gốc rễ bí ẩn của mình hay trở nên cởi mở và minh bạch hơn. Công ty này bí mật đến nỗi trong nhiều năm không có bức ảnh nào của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, theo Richard McGregor, nhà phân tích tại Viện Lowy ở Sydney, Úc, và tác giả của The The Party, người đầu tiên đến thăm trung tâm R&D của Huawei 15 năm trước.
Nhậm Chính Phi đã cho thấy dấu hiệu của sự cởi mở khi tham gia các cuộc họp với các nhà báo nước ngoài. Ông nói với niềm đam mê về sự cần thiết phải minh bạch và đảm bảo tính bảo mật của các sản phẩm Huawei.
Bất chấp cuộc chiến của Huawei với chính phủ Hoa Kỳ, Nhậm Chính Phi nói rằng ông là một người hâm mộ cuồng nhiệt Hoa Kỳ từ khi còn trẻ. Ông nói thêm rằng ông đã học được rất nhiều bằng cách quan sát công việc của quân đội Hoa Kỳ trong 20 hoặc 30 năm qua.
Với ông, tiếp tục tầm quan trọng đối với Huawei, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc sống cá nhân - được giữ kín từ lâu - cũng trở thành một chủ đề được quan tâm mạnh mẽ.
Người vợ đầu tiên của ông là bà Mạnh Quân (Meng Jun), con gái của Phó Thống đốc tỉnh Tứ Xuyên. Bà là mẹ của Mạnh Vãn Chu. Công ty nói rằng cuộc hôn nhân không có liên quan đến sự hình thành của Huawei và họ đã ly dị trước khi Nhậm Chính Phi thành lập công ty.
Sau khi bắt đầu Huawei, ông ly dị với bà Mạnh và kết hôn với Diêu Lăng (Yao Ling), thư ký của ông, theo truyền thông Trung Quốc. Họ có một cô con gái, Annabel Yao, một sinh viên khoa học máy tính Harvard và diễn viên mua ba lê.
Những người đã quan sát Chính Phi tại nơi làm việc mô tả ông là một người đàn ông đơn độc luôn tập trung vào công ty và bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi thường trực.
Nỗi ám ảnh về công việc đã đến với những đứa con của mình, ông thừa nhận. Ông nói với các nhà báo vào tháng Giêng rằng, mối liên hệ của ông với bà Mạnh Vãn Chu trong suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của cô ta không phải là mạnh mẽ, và ông cũng không thân thiết với hai đứa con khác của mình.
Nhưng điều đó không làm cho ông ấy ít tự hào hơn về họ. Ông khoe rằng con gái của ông là Mạnh Vãn Chu đã làm việc cho đến hai ngày trước ngày dự sinh và trở lại làm việc hai tuần sau khi sinh, theo Shanghai Observer.
Đã có nhiều suy đoán về kế hoạch kế nhiệm của nhà sáng lập Huawei.
Năm 2010, ông nói với một nhà báo Trung Quốc rằng ông sẽ không chọn con trai của mình là Mạnh Bình (Ping Ping) làm người kế nhiệm vì ông thấy không phù hợp. Trong một lá thư gửi nhân viên vào năm 2013, ông cho biết cả con trai và con gái của ông đều không có tư cách, tham vọng, tầm nhìn hay sự nhạy bén để điều hành công ty.
Nhậm Chính Phi, người có quyền phủ quyết tại Huawei, nói với The Times rằng công ty sẽ được bàn giao cho một hội đồng quản trị khi ông nghỉ hưu. Quyền phủ quyết sẽ được thực hiện chung bởi một nhóm ưu tú gồm 7 thành viên được bầu. "Có thể không ai trong số họ là thành viên gia đình tôi", ông Phi nói.
Ông Nhậm cho biết ông không vội từ bỏ quyền phủ quyết của mình - không phải với những điều không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu vì những cơn gió chướng như Brexit. Nhưng tiết lộ nhấn mạnh cách Nhậm Chính Phi ngày càng sẵn sàng nâng dần bức rèm che phủ bí mật công ty của mình.
Một số tuyên bố của công ty vẫn còn khó khăn để chứng thực.
The Times không thể tìm thấy bất kỳ ai trong số 5 nhà đầu tư ban đầu mà Huawei nêu tên. Họ bao gồm Mei Zhongxing, quản lý tại Công ty Điện tử Thâm Quyến Sanjiang; Zhang Xiangyang, thành viên của Cục Quy hoạch Phát triển Thâm Quyến; Wu Hui Khánh, một kế toán tại Công ty hóa dầu Thâm Quyến; Shen Dingzing, một người quản lý tại Công ty Sản xuất Thiết bị Truyền thông Chu Hải; và Chen Jinyang, một người quản lý trong bộ phận thương mại của Dịch vụ Du lịch Trung Quốc tại Thâm Quyến.
Nhậm Chính Phi vẫn hy vọng rằng những người hoài nghi sẽ tin tưởng Huawei và các sản phẩm của họ một ngày nào đó sẽ được chào đón ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chiến dịch truyền thông trong những tháng gần đây của Huawei vẫn ít thuyết phục các quan chức tình báo Hoa Kỳ thay đổi suy nghĩ của họ.
Số phận của Huawei sẽ được quyết định bởi các thế lực có thể định định hình thế kỷ mới: căng thẳng giữa chủ thuyết độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ và chủ thuyết mở rộng của Trung Quốc.