Nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu từ điện thoại

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chiếc điện thoại sử dụng hệ điều hành Android khi cài đặt phần mềm Ptracker sẽ bị theo dõi tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh... Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu đã được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng.

Nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu từ điện thoại
Điện thoại sử dụng hệ điều hành Android khi cài đặt phần mềm Ptracker sẽ bị theo dõi tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh... Nguồn: internet
Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao PC50 cho biết vừa chuyển vụ việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng kinh doanh phần mềm nghe lén điện thoại sang Công an Hà Nội điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan chức năng cho rằng, ước tính công ty này thu được từ kinh doanh phần mềm trên là khoảng hơn 900 triệu đồng.

Từ tháng 6/2013, công ty Việt Hồng do ông Đặng Hồng Đăng làm giám đốc đã phát triển, cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động gồm hai gói: cá nhân và doanh nghiệp - phần mềm Ptracker.

Theo cơ quan điều tra, thực chất đây là phần mềm nghe lén điện thoại. Dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử Ptracker, điện thoại đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển. Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi - đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy... sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ chỉ khoảng 5-10 phút. Máy chủ này được công ty thuê lại.

Khi phần mềm được lưu lại máy chủ, nhân viên kỹ thuật của công ty Việt Hồng có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm Ptracker. Nếu khách hàng nộp tiền thì công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ.

Cũng từ việc đăng ký phần mềm giám sát trên, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web của công ty là có thể xem lại tất cả các thông tin của máy điện thoại bị giám sát. Phần mềm này còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G. Ngoài ra, người dùng phần mềm có thể sử dụng điện thoại bất kỳ rồi nhắn tin với các cú pháp định sẵn.

Khi có nhu cầu, khách hàng sẽ phải chuyển tiền vào một trong 3 tài khoản hoặc nạp mã số thẻ cào điện thoại cho công ty. Số tiền chuyển vào tuỳ theo gói thời gian sử dụng từ một tháng đến một năm hoặc gói vĩnh viễn, khoảng 400.000 đồng/tháng sử dụng.

Thượng tá Tạ Văn Biên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi phức tạp. Qua việc cài đặt phầm mềm vào máy, đối tượng có thể khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân, thí dụ như biết được các số máy trong danh bạ, kẻ xấu có thể sử dụng để giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh… Hoặc nạn nhân có thể sẽ bị lộ số tài khoản, mật khẩu cá nhân, lộ những thông tin bí mật về riêng tư, công việc… Đây là vấn đề liên quan đến xâm phạm đời tư của cá nhân, vi phạm pháp luật.

Được biết, để thu hút nhiều khách hàng, Công ty Việt Hồng đã cho đăng tải thông tin liên quan đến các sản phẩm phần mềm này trên một số trang mạng xã hội và lập một số website… Kể từ khi cung cấp gói dịch vụ này, có hơn 14.000 khách hàng tham gia, trong đó một nửa tài khoản được lưu lại trong máy chủ. Khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia an ninh mạng thuộc Ban công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, hiện tượng nghe lén điện thoại ở Việt Nam hiện nay đã ở mức độ báo động, bởi sự phát triển của xã hội, kinh tế... kéo theo việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Với việc liên tục hạ giá của các nhà sản xuất, điện thoại thông minh là xu hướng tất yếu của người dùng hiện nay và tương lai.

Cũng theo ông Đức, ngày nay, điện thoại thông minh không khác gì một chiếc máy tính, thậm chí nó quan trọng hơn máy tính cá nhân bởi hàm lượng thông tin, ứng dụng của nó nhiều hơn rất nhiều so với máy tính. Khả năng sử dụng đa chức năng khiến chiếc điện thoại ngày càng chứa đựng nhiều thông tin hơn bất kỳ một đồ vật lưu trữ nào. Chúng ta sử dụng điện thoại để làm việc, giao dịch thanh toán tiền tệ, lưu trữ hình ảnh, video thông tin cá nhân,... không chỉ là những thông tin tĩnh mà còn chứa đựng hàm lượng thông tin động khổng lồ, vì thế, những thông tin cá nhân này luôn là đích nhắm cho kẻ xấu.

"Khi mà thói quen sử dụng điện thoại của người dùng Việt Nam còn dễ dãi, người dùng cài đặt các ứng dụng trên mạng một cách vô tội vạ, không kiểm chứng được nguồn gốc, chưa coi điện thoại là vật bất ly thân, là tài sản bảo mật quan trọng thì nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân sẽ tiếp tục tăng cao” - ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.