Nguy cơ tội phạm rửa tiền lũng đoạn các tổ chức tài chính
Các tổ chức tài chính được nhận định là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp khi tội phạm rửa tiền tìm mọi cách để che giấu nguồn gốc thực sự của các dòng tiền bất hợp pháp.
Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc của các tài sản do phạm tội mà có. Hay nói cách khác, rửa tiền là hoạt động mà tội phạm dùng nhiều thủ đoạn để biến dòng tiền “bẩn” thành nguồn “tiền sạch” để lưu thông trong nền kinh tế. Để thực hiện hành vi này, các đối tượng rửa tiền thường sử dụng hệ thống tài chính, đặc biệt là các tổ chức tài chính.
Các tổ chức tài chính là nơi cung cấp phương tiện cho các hoạt động chuyển tiền giữa các tổ chức tài chính khác trong nước và quốc tế. Đồng thời, tổ chức tài chính cũng cung cấp các phương tiện để chuyển đổi các đồng tiền.
Theo đó, ngân hàng thương mại thường là đối tượng được nhắm đến nhiều nhất. Ngoài ra, các tổ chức tài chính khác như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm cũng có thể nằm trong quy trình này thông qua các hoạt động gửi tiền để mua chứng khoán, các công cụ tài chính hay các hợp đồng bảo hiểm.
Bởi vậy, tội phạm rửa tiền thường lợi dụng các tổ chức tài chính để thực hiện các giao dịch chuyển tiền cũng như trả tiền cho các tài sản được sử dụng trong quá trình rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Trước hết, các đối tượng rửa tiền sẽ tìm nhiều biện pháp để đưa tiền “bẩn” vào hệ thống tài chính bằng cách gửi tiền vào các tài khoản tại nhiều tổ chức tài chính khác nhau với các khoản tiền được chia nhỏ và thời gian gửi tiền không ổn định.
Sau khi tiền “bẩn” đã lọt vào hệ thống tài chính, các đối tượng rửa tiền sẽ thực hiện chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng, mua bán trao đổi nhiều loại tài sản, chứng khoán, hợp đồng bảo hiểm, qua nhiều tài khoản với nhiều người thụ hưởng khác nhau để che giấu nguồn gốc phát sinh.
Khi các khoản tiền đã được hợp thức hóa trở thành tiền “sạch”, các đối tượng này sẽ đưa nguồn tiền đã rửa trở lại lưu thông trong nền kinh tế. Lúc đó, các tổ chức tội phạm sẽ hợp nhất các khoản tiền này lại thông qua giao dịch các loại tài sản và hàng hóa có giá trị lớn, đặc biệt là hàng hóa xa xỉ hoặc bất động sản, hoặc đầu tư vốn vào các công ty.
Rửa tiền gây ra nhiều tác động tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp lên các tổ chức tài chính của một quốc gia. Theo đó, tội phạm rửa tiền sẽ làm mất uy tín của các tổ chức tài chính; làm giảm chất lượng đội ngũ nhân viên của các tổ chức tài chính; tiền “bẩn” từ hoạt động rửa tiền gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các tổ chức tài chính; tổ chức tài chính có nguy cơ gặp phải rủi ro pháp lý khi bị điều tra về các hành vi rửa tiền.
Không những thế, hành vi phạm pháp này còn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác của các tổ chức tài chính với các tổ chức tài chính trên thế giới, gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Rửa tiền cũng khiến các tổ chức tài chính bình phong xuất hiện và hoạt động rộng rãi sẽ gây mất ổn định cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, rửa tiền còn gây biến động lớn về tỷ giá và lãi suất của một quốc gia. Từ đó sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên rất khó khăn thậm chí là lệch lạc, gây ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tài chính và tác động đến khả năng sinh lời của các tổ chức tài chính.
Nghiêm trọng hơn, khi tội phạm rửa tiền kiểm soát được các tổ chức tài chính hay nắm được các vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức tài chính thì các quốc gia trên thế giới sẽ rất khó khăn trong việc ngăn chặn và triệt phá tội phạm rửa tiền.
Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau. Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, mà chủ yếu là các ngân hàng. Do đó, phòng chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo triển khai xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến phòng, chống rửa tiền tập trung vào các giải pháp tăng cường khả năng phân loại và quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng; bổ sung hướng dẫn để nhận diện giao dịch đáng ngờ; hạn chế sử dụng tiền mặt; tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền; xây dựng kế hoạch đưa Basel III và Basel IV vào triển khai trên thực tế tại Việt Nam…