Vấn đề xử lý thông tin, báo cáo hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố

PV.

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa được các đối tượng báo cáo thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền còn có các biện pháp phòng ngừa được các cơ quan chức năng triển khai trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong quá trình phân tích các báo cáo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu nhằm làm rõ bản chất của các giao dịch được báo cáo.

Điều 32 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về việc chuyển giao, trao đổi thông tin của Ngân hàng Nhà nước như sau:

- Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.”

Kết hợp hướng dẫn xử lý chuyển giao thông tin có thể liên quan đến hoạt động rửa tiền và thông tin có thể liên quan đến hành vi rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền) đã hướng dẫn theo hướng cụ thể hóa những trường hợp được coi là “có cơ sở hợp lý để nghi ngờ”.

Theo đó, Khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 116 nêu rõ, cơ sở để nghi ngờ giao dịch nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền được coi là hợp lý khi:

(i) Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách đen;

(ii) Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân đang là đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới;

(iii) Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới;

(iv) Giao dịch liên quan đến người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

(v) Giao dịch được thực hiện trong thời gian rất ngắn liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau nhưng không có cơ sở kinh tế hoặc không đủ chứng từ giao dịch;

 (vi) Giao dịch khác mà cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dựa trên kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm quốc tế nhận thấy có thể liên quan đến các hoạt động phạm tội.

Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 116 đưa ra những cơ sở được coi là hợp lý để nghi ngờ giao dịch có thể liên quan đến hành vi rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố bao gồm:

(i) Quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 116, tức là những giao dịch liên quan tới các tổ chức, cá nhân bị liệt kê trong các danh sách của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, danh sách khủng bố của các quốc gia khác, những người bị xử tội khủng bố, tài trợ khủng bố trong nước;

(ii) Giao dịch khác mà cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dựa trên kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm quốc tế, nhận thấy có thể liên quan đến các hoạt động rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.

Như vậy, trong quá trình tiếp nhận, phân tích thông tin, cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một mặt, xử lý những thông tin, báo cáo nhận được, mặt khác chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng có liên quan.