Nguy cơ từ đồng USD tăng giá

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc đồng bạc xanh USD tiếp tục tăng giá khiến thế giới không khỏi quan ngại. Đối với Mỹ và châu Âu, xu thế này trước mắt mang lại nhiều lợi ích. Nhưng với các nền kinh tế mới nổi, đồng USD tăng giá khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

Đồng bạc xanh USD tiếp tục tăng giá. Nguồn: internet
Đồng bạc xanh USD tiếp tục tăng giá. Nguồn: internet

Về nguyên nhân khiến đồng nội tệ của Mỹ tăng giá, giới chuyên gia kinh tế nhận định có ba lý do. Thứ nhất, là sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc, còn tốc độ tăng trưởng của châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế chủ chốt khác đều gặp khó khăn ở mức độ khác nhau và đã xuất hiện tình hình trái ngược. Tình hình này một mặt đẩy đồng USD tăng giá, mặt khác lại phủ đòn vào các đồng tiền chủ chốt khác như đồng euro, đồng yen Nhật… Thứ hai, là sự phân hóa về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt. Năm 2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng khi kinh tế Mỹ có sự chuyển biến tốt, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của châu Âu và Nhật Bản vẫn đứng trước rủi ro suy giảm, chính sách tiền tệ của họ sẽ tiếp tục đi trên quỹ đạo nới lỏng định lượng. Và lý do cuối cùng, là nhu cầu đối với vốn tài sản bằng đồng USD của thị trường cũng tăng lên. Ngoài Mỹ, triển vọng của các nền kinh tế lớn khác đều không mấy sáng sủa, trong khi các rủi ro địa - chính trị trong năm ngoái là khá lớn, tạo tâm lý tích trữ đồng USD. Nói cách khác, với tư cách là một công cụ truyền thống trong phòng chống rủi ro, đồng USD càng có sức hút hơn.

Trở lại câu chuyện về tác động của xu thế đồng USD tăng giá, các chuyên gia nhận định đối với các nền kinh tế mới nổi mà nói, tác động tiêu cực là khá lớn. Nguyên nhân là các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm chạp, quy mô nguồn vốn chảy ra ngoài do USD tăng giá gây nên cũng không nhỏ, kéo theo các thách thức đối với tỷ giá hối đoái, giá tài sản vốn và tính thanh khoản thị trường của các nền kinh tế nói trên. Làn sóng thoái vốn tại các nước nhỏ để tái đầu tư trở lại Mỹ đang diễn ra và dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới để chờ FED nâng lãi suất trong mấy tháng tới.

Những năm gần đây, do không ít nền kinh tế mới nổi đã trở thành chủ nợ mua trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp được tính bằng giá trị đồng USD, nên đồng tiền này tăng giá đồng nghĩa với tăng thêm gánh nặng nợ nần, tình hình thu chi xấu đi. Hệ lụy tất yếu là một số nền kinh tế mới nổi đứng trước rủi ro khủng hoảng nợ công. 

Ngoài ra, một số nền kinh tế mới nổi do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Với một đồng USD tăng giá, giá năng lượng và hàng hóa khối lượng lớn thanh toán bằng đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá, tác động tiêu cực liên tiếp đối với mức tăng trưởng của các nền kinh tế này.

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, các nền kinh tế lớn đã tìm hướng đi cho mình. Trung Quốc đã nhanh chóng giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ. Sắp tới, nhiều khả năng xu hướng này sẽ tiếp diễn và điều này có thể do Trung Quốc đẩy mạnh việc đa dạng hóa phương thức và kênh sử dụng lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Bắc Kinh, nước chủ nợ lớn nhất của Washington, đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ 5,2 tỷ USD trong tháng 1 vừa qua và đây là lần Trung Quốc giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ trong năm tháng liên tục, với mức giảm tổng cộng là 30 tỷ USD lượng trái phiếu nắm giữ. Ngoài ra,  Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu thực thi chương trình nới lỏng định lượng với quy mô lên tới 1.100 tỷ euro với hy vọng có thể sẽ khiến đồng USD tăng giá còn đồng euro không ngừng mất giá.          

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lo ngại đồng USD tăng giá, các nước cần duy trì sự vận hành ổn định của kinh tế vĩ mô, kiên trì thúc đẩy cải cách để làm dịu vấn đề nợ công, đồng thời tăng cường quản lý vốn thanh khoản. Ngoài ra, cần đa dạng hóa nền kinh tế cũng như các đối tác và công cụ thanh toán. Các biện pháp phối hợp đồng bộ này sẽ giúp ổn định dự báo tỷ giá hối đoái cũng như thích ứng bình ổn môi trường kinh tế quốc tế mới.