Nhà băng “mách nước” doanh nghiệp vay vốn
(Tài chính) Nhiều ý kiến cho rằng, để khơi thông dòng vốn tín dụng đến được với doanh nghiệp, đã đến lúc mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được thay đổi…
Đói vốn… nhưng ngại vay
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhìn nhận, Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/9 tăng 7,26% so với cuối năm 2013. Con số này là một dấu hiệu rất tích cực, bởi thời điểm cuối quý II, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 3,7%, khá xa với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% năm 2014.
Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất VND qua đêm và các kỳ hạn ngắn trên liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 7/10, lãi suất qua đêm bình quân chỉ ở mức 1,1%/năm; các kỳ hạn theo tuần chỉ từ 1,65 đến 2,79%; kỳ hạn 1 tháng chỉ ở mức 2,74%...
Báo cáo kết quả kinh doanh toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm 30/9 của NHNN cho thấy, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực giảm. Cụ thể, tính đến ngày 18/9, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, trong khi hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái “thừa tiền”, thì doanh nghiệp lại trong cảnh quay quắt vì đói vốn nhưng... ngại vay! Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đã xảy ra trong hơn 1 năm trở lại đây, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện trong quý II năm nay cho thấy, bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không hề dễ giải. Theo đó, trong số hơn 7.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có tới gần 3.900 doanh nghiệp không vay vốn.
Khảo sát cũng cho thấy, ngân hàng thừa vốn, còn doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do điều kiện vay vốn của các nhà băng ngày càng chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với khách hàng, cán bộ quản lý cũng như các cổ đông. Trong khi đó, với vai trò là kênh dẫn vốn, một ngành ngân hàng yếu kém sẽ không thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhà băng mách nước
Theo tiết lộ từ ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, để đảm bảo an toàn kinh doanh cho cả khách hàng và ngân hàng, các ngân hàng lớn gần như đều có những điều kiện tương tự nhau khi cho vay đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ các nguồn lực tài chính để chống lại suy thoái kinh tế kéo dài. Do đó, theo các chuyên gia tài chính, để tránh rủi ro, việc các ngân hàng ngày càng siết chặt điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp cũng không khó hiểu.
Vị lãnh đạo của Techcombank cũng nhìn nhận, trong bối cảnh cửa vay vốn của doanh nghiệp vẫn tiếp tục hẹp, để ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong tiếp cận vốn vay, đã đến lúc mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng phải thay đổi. Bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ với ngân hàng một cách nghiêm túc, giống như cách họ thể hiện với các đối tác quan trọng.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chạy theo cơ chế ưu đãi lãi suất để lựa chọn ngân hàng. Doanh nghiệp có xu hướng tìm đến các ngân hàng cho vay lãi suất thấp, có chương trình ưu đãi. “Khi sự gắn kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng chỉ là vấn đề lãi suất, thì mối quan hệ sẽ kết thúc khi hết chương trình ưu đãi. Việc này trên thực tế lại là điều bất lợi với doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp giao dịch lâu dài, trung thành với một ngân hàng sẽ giúp ngân hàng hiểu đặc thù khách hàng, các tư vấn cũng như quy trình xử lý nghiệp vụ nhanh hơn và chắc chắn về lâu dài các ưu đãi sẽ tốt hơn”, quyền Tổng giám đốc Techcombank khẳng định.
Theo lý giải của đại diện Techcombank, ở các tổ chức tín dụng, uy tín và thâm niên giao dịch của doanh nghiệp luôn được đánh giá cao, cũng như được quy đổi thành những ưu đãi tài chính và phi tài chính. Do đó, doanh nghiệp và ngân hàng nên có sự tương tác nhiều hơn trong việc thông tin thường xuyên các kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp để ngân hàng chủ động có giải pháp trợ giúp khi doanh nghiệp gặp khó.
Đồng thời, các ngân hàng cũng phải chủ động tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và chủ động tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nên được lựa chọn mức lãi suất và hình thức trả nợ linh hoạt tùy theo thời gian vay và khả năng chi trả của doanh nghiệp để giảm áp lực trả nợ ngân hàng cũng như cân đối nguồn vốn phù hợp với đặc thù kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận được vốn nhanh hay chậm cũng phụ thuộc vào phương án kinh doanh, loại tài sản đảm bảo, uy tín của chính doanh nghiệp ở các tổ chức tín dụng, hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đó…
Những đột phá
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cho toàn hệ thống, các ngân hàng đang nỗ lực tung chiêu để cạnh tranh bằng những gói ưu đãi hỗ trợ lãi suất, các dịch vụ tư vấn… Trong đó, những gói giải pháp mà Techcombank đưa ra đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía doanh nghiệp bằng việc xây dựng hình ảnh “doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng” khi đưa ra những giải pháp, sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu. Đơn cử, gói cho vay mua bất động sản và vay mua ô tô cũ có thủ tục đơn giản, thời gian vay dài, với những thiết kế riêng phù hợp với đối tượng khách hàng trung lưu, một số người có thu nhập tốt nhưng khó chứng minh tài chính.
Đặc biệt, các sản phẩm thiết kế riêng cho từng ngành như cho vay doanh nghiệp nhựa, doanh nghiệp dược; vay mua ô tô để phục vụ kinh doanh… đang trở thành “hàng hot” trong cơn bão thị trường tài chính cuối năm 2014. Thậm chí, Techcombank còn đưa ra sản phẩm cho vay siêu tốc dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu thế chấp bất động sản để vay vốn lưu động với thời gian phê duyệt hồ sơ chỉ trong vòng 16 giờ.
Đại diện Bộ phận Khách hàng của Techcombank cho biết, các sản phẩm này đều được thiết kế linh hoạt, ưu tiên quan tâm nhiều đến phương án kinh doanh hơn là tài sản đảm bảo. Đồng thời, việc linh hoạt giải quyết hồ sơ, thời gian phê duyệt nhanh, thủ tục đơn giản… để nhanh chóng hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp cũng được nhà băng này tập trung triển khai.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho từng nhóm ngành nghề kinh doanh là một sáng kiến của các nhà băng. Sáng kiến này sẽ vừa đảm bảo được yếu tố quản trị rủi ro đối với khách hàng và ngân hàng; vừa đảm bảo cung cấp cho doanh nghiệp hệ thống giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu vốn thực tế, chu kỳ kinh doanh, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp đó.
Theo ông Tuấn Anh, đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Techcombank, cạnh tranh không chỉ là vấn đề lãi suất, mà còn ở khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đây là cách để Ngân hàng tạo ra giá trị cho khách hàng, thay vì chỉ dựa vào ưu thế lãi suất.
“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hiểu được từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, các chuyên viên ngân hàng lúc này đóng vai trò cao hơn là chuyên viên tín dụng - không chỉ cho vay vốn đơn thuần, mà hơn thế có thể tư vấn tài chính cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Techcombank khẳng định.