Nhà đầu tư "bắt đáy" khi khách sạn bán "tháo"

Theo Hải Sơn/vnbusiness.vn

Trước làn sóng “bán tháo” khách sạn mini và hoạt động cầm chừng của các khách sạn lớn có gắn sao trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, các chuyên gia dự báo thị trường khách sạn sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Hiện trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đã "xuống tiền" để "bắt đáy" những khách sạn đang rao bán nhằm đón đầu cơ hội sau đại dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hoạt động kinh doanh của thị trường khách sạn tiếp tục ảm đạm ngay từ đầu năm 2021 vì Việt Nam ngay từ tháng 1 đã bước vào làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Trên thị trường hiện nay, không khó để nhận thấy hàng loạt khách sạn mini tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… rao bán, điều này cho thấy hoạt động của các khách sạn ảm đạm, doanh thu sụt giảm.

Công suất thuê giảm

Đơn cử như chủ một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội rao bán khách sạn 10 tầng, diện tích 130m2, giá 115 tỷ đồng. Một khách sạn trên phố Bảo Khánh, gần hồ Hoàn Kiếm được rao bán 230 tỷ đồng có 50 phòng. Cũng ngay trên phố Bảo Khánh có chủ rao bán khách sạn 4 sao, 225 tỷ đồng có diện tích 158m2, 12 tầng, 45 phòng.

Trên một trang thông tin về BĐS, một số chủ khách sạn ở Đà Nẵng rao bán khách sạn 4 sao có 142 phòng, tổng diện tích sử dụng gần 1.400m2, giá 500 tỷ đồng. Một khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương, Đà Nẵng có tổng diện tích 443m2, giá 87 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều khách sạn 3-4 sao tại đường Võ Nguyên Giáp có giá từ 25 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng...

Tại TP. Hồ Chí Minh cũng có hàng loạt khách sạn rao bán, đơn cử trên đường Nguyễn Thái Bình rao bán một khách sạn có tổng diện tích 5.000 m2, giá 200 tỷ đồng. Trên đường Cộng Hoà rao bán khách sạn có diện tích 140m2, giá 56 tỷ đồng. Hay tổ hợp khách sạn và nhà hàng 4 sao trên đường Nguyễn Văn Trỗi rao bán khách sạn 330m2 giá 128 tỷ đồng…

Nhiều chuỗi khách sạn tên tuổi do các Tập đoàn nước ngoài điều hành mặc dù không rao bán nhưng công suất thuê phòng đều giảm đáng kể. Như tại Hà Nội, công suất thị trường quý I/2021 đạt 24%, giảm 20 điểm % theo năm, giá thuê phòng trung bình đạt 76 USD/phòng/đêm, giảm 23% theo năm. Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 vào cuối tháng 1/2021 đã kéo công suất thị trường khách sạn trong tháng 2 và 3 xuống còn dưới 20%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, công suất quý I/2021 là 17%, giảm 31 điểm % theo năm. Giá phòng trung bình là 62USD/phòng/đêm, giảm 20% theo năm. Do phụ thuộc lớn vào nguồn khách doanh nghiệp và quốc tế, phân khúc 5 sao bị ảnh hưởng nhiều nhất, với giá phòng giảm 30% theo năm và công suất giảm 35 điểm phần trăm theo năm.

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, đến cuối quý I, doanh thu từ du lịch giảm 60% theo năm, hơn 80% doanh nghiệp du lịch vẫn còn đóng cửa. Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội nhìn nhận, mặc dù thị trường khách sạn hai thành phố lớn và nhiều tỉnh thành trên cả nước đều khó khăn do tác động của đại dịch. Nhưng về mặt tích cực, trong vòng hai năm tới, nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế mới sẽ gia nhập thị trường, giúp thu hút khách quốc tế khi du lịch mở cửa trở lại.

Đón đầu cơ hội

Theo Savills, hiện tại nhiều khách sạn 3-4 sao đang ế ẩm, còn phân khúc 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình trong quý I/2021 ở tất cả các Thành phố lớn trong cả nước. Bởi theo chuyên gia lý giải, lượng doanh thu này là do đa phần các chuyên gia người nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam họ có nhu cầu thuê ở dài hạn, đi công tác và đi du lịch.

Trước tình trạng nhiều khách sạn rao bán, một bộ phận giới đầu tư có tiền đã bắt đầu vào “bắt đáy”. Anh Nguyễn Văn Hậu (Ba Đình, Hà Nội), một nhà đầu tư chia sẻ, anh mới mua một khách sạn 4 sao trên phố Hàng Bông giá 155 tỷ đồng cho diện tích mặt bằng 150m2. Đây là một cái giá quá “hời”, chỉ có trong đại dịch mới có thể mua được. Dự định của anh trước mắt sẽ duy trì lượng khách ít ỏi, nhưng khi đại dịch qua đi thì đây sẽ là “gà đẻ trứng vàng”. Vì trước đó, lợi nhuận của khách sạn này lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đánh giá về hiện tượng "bắt đáy", ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đối với nhiều nhà đầu tư, việc mua lại khách sạn sẽ còn đi kèm với những thay đổi trong việc quản lý tài sản để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng và sẵn sàng cho những chuyến du lịch trở lại đầy đủ.

Trong cuộc khảo sát của JLL mới đây, 36% nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ tập trung ưu tiên đầu tư vào tài sản của họ, cùng với việc kiểm soát chi phí và duy trì dòng tiền vào năm 2021. Nhiều giao dịch sẽ được thực hiện trong bối cảnh hiện tại, những "tay chơi" muốn tăng giá trị sẽ sẵn sàng thâu tóm tài sản và định vị lại các khách sạn với mục tiêu chào bán sau 3 đến 5 năm vận hành.

“Những thông tin tích cực về việc triển khai vắc xin và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch đã bắt đầu khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ mới đã được thiết lập lại và chúng ta hiện đang bước vào giai đoạn phục hồi", ông Nihat Ercan nhận định.