Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư

Theo Đại biểu Nhân dân

Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất huy động, thị trường bất động sản thì vẫn ì ạch, thị trường vàng lúc này được cho là sân chơi chủ yếu của các tổ chức tài chính tín dụng lớn, thị trường chứng khoán lên xuống phập phù. Vậy, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên bỏ tiền vào đâu thời điểm này? Theo Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư - Ảnh 1
TS.Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực: Thưa ông, bây giờ có phải thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường bất động sản hay không, và nếu đầu tư phải đầu tư vào phân khúc nhà ở nào?

Hiện nay bất động sản chưa phải bắt đáy, dù đã giảm 30-40% trong năm vừa qua. Nên nếu nhà đầu tư có nhu cầu thì nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định. Về phân khúc có thể đầu tư vào nhà ở xã hội, được quan tâm nhiều từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các NHTM. Thời điểm nhà đầu tư bỏ tiền vào là hợp lý thì có lẽ vào quý III, có thể vào đầu quý hoặc giữa quý, nhưng không có thời điểm cố định như 5 - 10 ngày, mà đó là một quá trình dài hơi.

Đó là với nhà đầu tư, còn với người mua nhà để ở thì thời điểm này đã phù hợp chưa?

Đây cũng là thời điểm tương đối phù hợp. Với gói tín dụng 30.000 tỷ thì thời hạn hợp với túi tiền của đa phần người dân thu nhập thấp. Ở Việt Nam chung cư giá sẽ mềm hơn còn đất phân lô vì đất phân lô gắn chặt sở hữu về đất đai nhà cửa, giá đó có giảm thì cũng không giảm nhiều trừ một số phân khúc cao cấp như khu vila đang tồn kho thì có thể giảm giá mạnh hơn.

Vậy, thị trường chứng khoán thời điểm này có nhiều cơ hội kiếm lời không, thưa ông?

Chứng khoán trong quý I vừa qua đến hiện nay phục hồi khá tốt. Mức giá thị trường tăng gần 30% so với cuối thời điểm năm ngoái. Với đà phục hồi kinh tế, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, hy vọng thị trường chứng khoán sáng sủa hơn, nhưng còn phụ thuộc một phần vào yếu tố kinh tế thế giới và khu vực. Giá chứng khoán hiện nay không được mềm như đầu năm nhưng giá chứng khoán ở Việt Nam so với các nước khu vực vẫn hấp dẫn.

Từ trước đến nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường lướt sóng kiếm lời trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh hiện nay, cách đầu tư như vậy có hợp không, hay phải chọn doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn và lợi nhuận dài hạn?

Trong bối cảnh hiện nay, khả năng đầu tư lướt sóng chứng khoán không có nhiều cơ hội vì có nhiều biến động. Do đó các nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hơi hơn.  Bản thân các nhà đầu tư cũng phải chuyên nghiệp hơn, nhất là qua những vụ thông tin không chính xác, sai lệch, những vụ đầu tư theo bầy đàn cũng phải trả giá. Khoảng mươi năm vừa qua, từ khi có chứng khoán các nhà đầu tư trưởng thành hơn rất nhiều, nhưng vẫn còn đầu tư theo phong trào. 

Nhưng hiện nhiều DN rất khó khăn, đầu tư dài hạn có dễ chọn các mã cổ phiếu hay không? 

Các nhà đầu tư vẫn chọn được lĩnh vực đầu tư như tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm hóa dầu và một số ngành tài chính ngân hàng. Đây cũng là các lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. 

Còn một lĩnh vực rất được quan tâm đó là thị trường vàng, vừa qua vàng có biến động giá tương đối mạnh. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ có tính đến chuyên mua vàng được không, vì giá vàng tương đối thấp?

Giá vàng trên thế giới hiện có 2 trạng thái - một là bán ra, hai là mua vào. Ví dụ, Nhật Bản đang bán vàng ra, Việt Nam và Trung Quốc đang mua vàng vào. Hiện nay giá vàng đã giảm đáng kể so với trước, tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên mức chênh lệch trong nước và trên thế giới còn lớn từ 5,5- 6 triệu. Thời điểm này, nên chọn thời điểm giá thấp có thể mua được hoặc có nhà đầu tư đang chờ giá sát hơn so với giá thế giới để mua cũng là 1 xu hướng nên chúng ta có thể mua thăm dò. Nhà đầu tư cũng có thể đầu tư vào chỗ khác, chờ đợi thời điểm giá vàng sát hơn nữa so với giá vàng thế giới để mua.

Nếu mua nhiều thời điểm này, giá chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới 6 triệu đồng thì sẽ xảy ra rủi ro gì trong tương lai?

Hiện nay đã và đang xảy ra một số rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đang quyết tâm khống chế, kiểm soát. Ví dụ nhập lậu. Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát, khống chế, lập kênh xuất nhập gần như là duy nhất. Nếu giá thế giới và trong nước thu hẹp lại thì các nhà đầu tư có thể thiệt thòi, vì bây giờ đã và đang mua với mức giá chênh lệch khá lớn. Đấy có thể là rủi ro. Cho nên không nên bỏ trứng vào một giỏ lúc này.

Trước sau thì giá vàng trong nước và thế giới cũng thu hẹp. Vì nếu không sẽ rủi ro về đầu cơ, nhập lậu vàng, người dân sẽ chịu thiệt thòi. Tất nhiên hiện nay còn một số yếu tố tác động đến giá vàng, như một số ngân hàng Trung ương tiếp tục mua gom để chốt trạng thái của mình vào thời điểm tháng 6. Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý nhất định trong nhà đầu tư. 

Sau tháng 6, giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp hơn cũng có thể là một xu thế, khi tâm lý ổn định hơn, chính sách của NHNN sẽ làm giá vàng sát liên thông hơn.

Xin cám ơn ông!