Nhà in Tô-panh - điểm in tiền tuyệt mật trong lòng thủ đô
Trên nền của Bách hóa số 5 Nam Bộ (đường Lê Duẩn, Hà Nội) khi xưa, một tòa trung tâm thương mại cao tầng khang trang mới đang mọc lên, tô điểm cho sự hiện đại của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Không nhiều người biết rằng, đây là một di tích lịch sử tài chính ý nghĩa, nơi 70 năm trước có Nhà in Taupin (Tô–panh) đảm nhận nhiệm vụ in tiền cho Chính phủ Cụ Hồ trong ngày đầu lập nước.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta giành được độc lập, tuy nhiên ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, chỉ có ít bạc lẻ rách nát của Ngân hàng Đông Dương đang chờ tiêu hủy. Do chưa phát hành được tiền tệ độc lập nên nền tài chính của chính quyền cách mạng gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ở miền Bắc, quân Tưởng vừa quấy nhiễu, vơ vét của cải, vừa tung tiền “quan kim” nhằm cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương và phá hoại nền kinh tế của ta. Chính quyền cách mạng đã khắc phục khó khăn bằng cách kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và đóng góp cho “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ Vàng”… nhưng quân Pháp, quân Tưởng luôn tìm cách phá hoại, gây khó khăn cho ta về tài chính.
Trước tình hình đó, việc phát hành đồng tiền độc lập của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhu cầu bức thiết được đặt lên hàng đầu. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính được Trung ương giao nhiệm vụ điều hành toàn bộ việc in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để tránh sự phá hoại của quân Tưởng và quân Pháp, Chính phủ chủ trương cho lưu hành trước các loại tiền nhỏ bằng kim loại để thay thế những tờ hào rách đã lưu hành từ thời Pháp, Nhật. Ngày 1/12/1945, Sở Ngân khố lần đầu tiên phát hành các loại 2 hào, 5 hào, 1 đồng bằng nhôm và 2 đồng bằng đồng.
Tuy nhiên, những loại tiền bằng kim loại của ta chưa đủ sức trở thành vũ khí đấu tranh nhằm thay thế và loại hẳn đồng tiền Đông Dương ra khỏi đời sống kinh tế nước nhà. Vì vậy, ngày 15/11/1945, Cơ quan Ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ sản xuất giấy bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật dùng cho việc sản xuất tiền như: xưởng in, máy in, giấy in chuyên dụng, mực in, mẫu tiền, công nhân… đều không có.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn và hiện đại nhất là nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô-panh, nhưng tại thời điểm này, cả hai nhà máy này đều do quân Tưởng và quân Pháp chiếm giữ, ta không thể sử dụng. Trong khi đó, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao lại rất khẩn trương.
“Cái khó ló cái khôn”, trong lúc bí bách nhất thì ban lãnh đạo Cơ quan Ấn loát đã tìm được lối ra. Đầu tiên, vận động được một số công nhân có lòng yêu nước, giỏi tay nghề ở Nhà in Tô-panh giúp cách in thạch bản (in li-tô) bằng máy in mượn ở nhà in Quốc Hoa phố Hàng Bông. Sau đó, Cơ quan Ấn loát tỏa đi tìm công nhân in thạch bản giỏi ở Nhà in Nguyễn Ninh (chuyên in nhãn bánh khảo ở phố Hàng Than), họ đã bỏ nghề nhưng khi được thuyết phục, vận động làm việc cho Nhà nước, in giấy bạc cho Cách mạng, mọi người đều hăng hái tham gia.
Việc quan trọng đầu tiên phải giải quyết là vẽ mẫu tờ bạc, công việc này đòi hỏi rất khẩn trương. Đích thân Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đã mời 4 họa sỹ nổi tiếng đương thời của Hà Nội là các ông Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khang và Nguyễn Huyến thiết kế mẫu các loại tiền cần in. Chỉ trong một thời gian ngắn, các mẫu tiền mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng đã được hoàn tất với chất lượng cao.
Sau khi các mẫu vẽ chính thức được duyệt và in thử thành công, Chính phủ bắt đầu cho in số lượng lớn những đồng tiền Việt Nam đầu tiên để chuẩn bị phát hành. Lần in thử tờ bạc thành công với những mệnh giá 5, 10 và 20 đồng đã dấy lên niềm xúc động và tự hào với mọi người.
Vì chưa có nhà in riêng của Nhà nước, trong khi tình hình đòi hỏi phải tăng nhanh số lượng giấy bạc, nên Bộ Tài chính đã trưng dụng một số nhà in tư nhân như: Nhà in Nguyễn Ninh, Nhà in Việt Hưng, Nhà in Ngô Tử Hạ… là những nơi có máy in thạch bản để bí mật in nhiều hơn. Tuy vậy, nhu cầu ngày càng lớn, nếu cứ kéo dài tình trạng in tiền nhỏ thì việc in tiền sẽ không kịp phục vụ nhu cầu phát hành theo chủ trương của Chính phủ.
Lúc đó, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định nhờ ông Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản yêu nước đứng tên và bỏ tiền ra mua lại Nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta). Ông Đỗ Đình Thiện đã bỏ ra cả một gia tài rất lớn để mua lại toàn bộ Nhà in Tô-panh ở Cửa Nam (Hà Nội) để hiến tặng cho Cách mạng. Từ đó việc in tiền được thực hiện suốt cả ngày đêm, Chính phủ đã có nhà in riêng, được tổ chức lại đàng hoàng. Để che mắt địch và bọn phản động tìm cách phá rối, Nhà in Tô-panh được mang tên là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục.
Ngày 3/2/1946, tức mùng 2 Tết năm Bính Tuất, giấy bạc tài chính Việt Nam đã được tung ra ở hầu khắp các tỉnh, thành và được nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là những đồng tiền đầu tiên đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cho chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Trên đồng tiền có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nhân dân trìu mến gọi là giấy bạc Cụ Hồ. Giấy bạc tài chính Việt Nam đã trở thành một vũ khí đấu tranh kinh tế, dần loại bỏ và thay thế hoàn toàn đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp.
Tháng 3/1946, quân Tưởng và quân Pháp liên tục gây hấn, khiêu khích tìm mọi cách phá hoại cơ sở cách mạng của ta, nguy cơ bị lộ việc in tiền tại Nhà in Tô-panh là rất lớn. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán một bộ phận của Nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Khi chọn vị trí này, Bộ tư lệnh chiến khu II đã khảo sát khá kỹ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Lúc bấy giờ đồn điền Chi Nê có vị trí chiến lược, có thể xuyên tuyến đường 21 (nay là chặng đầu của đường Hồ Chí Minh đi qua) vào Thanh Hóa hoặc ngược lên Tây Bắc. Về kinh tế, đồn điền lúc đó rất trù phú và dồi dào lương thực, thực phẩm…
Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và ông Phạm Quang Chúc, giám đốc Cơ quan Ấn loát, anh chị em công nhân đã nhanh chóng tháo dỡ, vận chuyển máy móc, thiết bị đến địa điểm sơ tán trong đồn điền, dưới rừng cây um tùm, rất thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Chỉ sau một thời gian ngắn lắp đặt, thu xếp, nhà máy in tiền tại Chi Nê bắt đầu hoạt động bình thường, tiếp tục in giấy bạc và trở thành địa điểm in tiền thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tháng 11/1946, quân Pháp thay quân Tưởng chiếm đóng miền Bắc, tình hình Thủ đô Hà Nội trở nên căng thẳng hơn. Để bảo vệ an toàn cho việc in tiền, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại của Nhà máy in Tô-panh ở Hà Nội lên Đồn điền Chi Nê. Một lần nữa, gia đình ông Đỗ Đình Thiện lại đón đoàn cán bộ, công nhân của Nhà máy in tiền Tô-panh về ở và làm việc tại đồn điền của mình.
Trải qua bao tháng năm lịch sử, nơi đặt Nhà máy in tiền Tô–panh ngày xưa do thời gian và những thay đổi về địa lý và kiến trúc đã không còn lưu giữ được các dấu tích cũ. Tuy nhiên, dấu ấn và ký ức về một di tích lịch sử cách mạng vẫn còn mãi với thời gian.