Nhà nước bù chênh lệch lãi suất: Nên hay không?
Trong phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tư 17.000 tỷ đồng trong năm 2009 vừa được thông qua, Chính phủ dự định sẽ dùng phần lớn số tiền này để hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn cho một số đối tượng doanh nghiệp, với mục đích “duy trì sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm việc làm”.
Việc hạ thấp lãi suất vay vốn để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết, nhưng thực hiện mục đích này bằng phương thức dùng tiền ngân sách bù chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất doanh nghiệp vay vốn có phải là một giải pháp tốt nhất hay không thì theo người viết vẫn còn cần cân nhắc.
Ở các nước, việc hạ lãi suất doanh nghiệp vay vốn thường được thực hiện qua chính sách tiền tệ, ít thấy có nước nào áp dụng phương thức nhà nước bù chênh lệch lãi suất.
Từ Mỹ đến Nhật Bản và châu Âu, để hỗ trợ doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp, ngân hàng trung ương thường hạ lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.
Nếu ngân hàng thương mại cần huy động vốn để cho vay thì có thể chiết khấu các hợp đồng cho vay với ngân hàng trung ương hoặc trực tiếp vay vốn từ ngân hàng trung ương.
Ngân hàng trung ương có đặc điểm là một định chế tài chính công quyền, được luật pháp ủy thác quyền phát hành tiền tệ, tín dụng, mà không phải đi huy động vốn từ trong nhân dân hay vay vốn từ bất cứ nguồn nào. Ngân hàng trung ương có quyền phát hành tiền nên không phải trả lãi suất để huy động vốn.
Tại Mỹ, lãi suất ngân hàng trung ương cấp vốn cho ngân hàng thương mại đã được hạ xuống còn 0% đến 0,25%. Tại Nhật, lãi suất ngân hàng trung ương chiết khấu và tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại được hạ xuống còn 0,3%. Dựa trên lãi suất được ngân hàng trung ương cấp vốn từ 0% đến 0,3%, ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay từ 3-4% mà không cần phải có sự can thiệp của chính phủ hay hỗ trợ từ ngân sách.
Cần phân biệt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ. Điều tiết mức lãi suất ngân hàng là phạm vi trách nhiệm của chính sách tiền tệ, không phải là phạm vi can thiệp của chính phủ qua chính sách tài khóa.
Điều phối lãi suất, dung lượng và lưu lượng tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định, và đồng thời kiềm chế không để xảy ra lạm phát hay thiểu phát là trách nhiệm của chính sách tiền tệ mà cơ quan quản lí là ngân hàng trung ương.
Trở lại với trường hợp của Việt Nam, nếu chính sách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là cần hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, người viết cho rằng phương thức hợp lý và hữu hiệu nhất là điều chỉnh lãi suất ngân hàng trung ương - ở đây là Ngân hàng Nhà nước - chiết khấu và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Nếu 4-5% là định mức lãi suất cần thiết để doanh nghiệp có điều kiện duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh thì ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn xuống mức từ 1 đến 2%. Không cần Chính phủ phải dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất qua phương thức “bù chênh lệch”.
Ngoài việc điều tiết lãi suất qua chính sách tiền tệ do ngân hàng trung ương quản lý là hợp lý, việc triển khai cũng sẽ bảo đảm tính chất khách quan, nhanh gọn, và có thể tránh được những nguy cơ tiêu cực liên quan đến việc các cơ quan hành chính giám định và giải quyết các hồ sơ “xin” được hỗ trợ bù chênh lệch lãi suất.
Hơn nữa, trong khi chính sách tiền tệ hoàn toàn có thể giải quyết được việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp phát triển mà nhà nước không phải tốn kém chi phí “bù chênh lệch lãi suất”, việc áp dụng phương thức lấy tiền ngân sách để “hỗ trợ doanh nghiệp” trả lãi cho ngân hàng thương mại có thể là một sự lãng phí, trong bối cảnh ngân sách còn đang thâm hụt.