Nhà ở thương mại làm thế nào để chạy đua với nhà ở xã hội?
Nhiều chủ đầu tư bất động sản đã chọn giải pháp chuyển sang nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn tài chính do không bán được căn hộ. Nhưng không phải công trình, dự án nào cũng được chuyển đổi. Vậy, nhà ở thương mại làm thế nào để chạy đua được với các công trình sẽ được cấp phép chuyển đổi công năng?

Tình trạng các dự án, công trình bất động sản thi nhau chuyển đổi công năng sử dụng đang xảy ra ở các địa phương. Tiêu biểu như tại thành phố Hà Nội hiện có 15 công trình xin đổi công năng, trong đó có 3 công trình được Sở Xây dựng chấp thuận. Dự kiến, trong quý II/2013 này, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội sẽ xem xét, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng cho 10 dự án. Song khi thủ tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội đòi hỏi mất nhiều thời gian để thực hiện thì nhà ở thương mại cũng có một số lợi thế. Cụ thể, nhà ở xã hội tuy giá thành rẻ, diện tích nhỏ nhưng lại có quy định ràng buộc kể cả nộp tiền đủ 100% cũng không được mua bán, giao dịch trong vòng 5 năm. Và thực tế đang cho thấy đã có công trình xin chuyển đổi công năng nhưng không xin ý kiến của khách hàng nên bị phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, trước quyết định chấp thuận chuyển đổi dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long Hà Nội sang nhà ở xã hội, khách hàng mua nhà thương mại tại dự án này đã phản đối vì chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết và không phù hợp với hướng dẫn chuyển đổi của Bộ Xây dựng.
Có thể thấy, các ưu đãi với nhà ở xã hội có mục đích cuối cùng là tạo ra những căn hộ có giá bán hợp lý, lãi suất vay vốn phù hợp với cán bộ, công nhân viên chức và người thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối tượng có quyền quyết định hiện nay là người mua. Vì thế, nếu công trình nhà ở xã hội chưa chắc sẽ có sức hút với khách hàng như kỳ vọng nếu không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhà ở thương mại có mức giá hợp lý, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì vẫn giữ được sức cạnh tranh.