Nhận diện các “nút thắt” của thị trường bất động sản

Nguyễn Trung

Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dù đã có tín hiệu khởi sắc khi hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, song thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại những “nút thắt” cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới.

Thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều "nút thắt" cần có biện pháp gỡ bỏ trong thời gian tới để phát triển minh bạch, ổn định.
Thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều "nút thắt" cần có biện pháp gỡ bỏ trong thời gian tới để phát triển minh bạch, ổn định.

Chỉ ra những vướng mắc hiện nay, Lãnh đạo VARS cho rằng, thị trường bất động sản đang tồn tại những “nút thắt” cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Đầu tiên là vấn đề tính tiền sử dụng đất. Hiện nay, một số địa phương vừa công bố bảng giá đất đều nhận về phản hồi chưa tích cực vì quá cao, gây khó khăn cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án, khiến dự án bị đội chi phí. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây nguy cơ giá bán bất động sản bị đẩy lên cao.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, cần nghiên cứu, xác định công cụ đo lường “giá bán” để đảm bảo có căn cứ đủ chuẩn xác định bảng giá đất. Khuyến khích giao dịch qua sàn để đảm bảo tính công khai, minh bạch của giá giao dịch bất động sản.

Một vướng mắc khác là công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, những dự án quy mô lớn, Nhà nước thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, còn những dự án quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận để giái phóng mặt bằng.

Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì nguồn lực có hạn, chỉ có thể làm các dự án quy mô vừa và nhỏ, lại phải chịu áp lực từ đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, tâm lý “chờ đợi” của chính quyền nhiều địa phương. Thực trạng hiện nay, bên cạnh các địa phương tích cực triển khai các quy định mới của Luật, vẫn còn một số địa phương còn có tâm lý "chờ đợi" để cân nhắc "hành động". Điều này gây ảnh hưởng tới tiền trình chung của thị trường. Làm chậm hóa quá trình đưa Luật vào đời sống, khiến nhiều dự án vẫn "đắp chiếu" chờ đợi.

Để giải quyết vấn đề này, Lãnh đạo VARS khuyến nghị, cần tích cực hướng dẫn, phổ biến để các cán bộ địa phương đủ hiểu và tự tin áp dụng quy định mới của Luật; Có biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát với những cá nhân, đơn vị cố tình trì hoãn việc áp dụng Luật.

Ngoài những vướng mắc trên, thời gian qua, việc đấu giá đất còn nhiều kẽ hở, do các cá nhân tham gia bỏ giá cao, sau đó đồng loạt bỏ cọc; xác lập giá trúng đấu cao bất thường. Điều này đã gây tác động tiêu cực tới an sinh xã hội, khi giá bán bị đẩy lên cao khiến người dân không còn cơ hội tiếp cận đất đai. Chính vì vậy cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các dự án “khát vốn” cũng là vướng mắc tồn tại trên thị trường bất động sản. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Thanh, nhiều dự án bất động sản “treo” do thiếu vốn thực hiện. Các dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai, doanh nghiệp vẫn phải chi trả khoản chi phí khổng lồ cho cả bộ máy để duy trì vận hành đã gây kiệt quệ về tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản...