Thực trạng cán cân thương mại của Việt Nam
Trong 5 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thăng trầm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như xuất phát từ nội tại của nền kinh tế: Tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định; Lạm phát tăng cao và đặc biệt là tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai bắt nguồn từ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc khủng hoảng và môi trường đầu tư của Việt Nam chưa được cải thiện như mong đợi, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam chưa vững chắc. Mặc dù mức thâm hụt hiện nay có xu hướng được cải thiện song tình trạng này chắc chắn sẽ gây sức ép không nhỏ đến cán cân thanh toán quốc tế về khả năng chống đỡ các cú sốc bên ngoài và tính bền vững của nền kinh tế, khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp và không vững chắc.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4/2014, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,07 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 12,26 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư 810 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước lên 46,51 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 12,2% lên 44,46 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Việt Nam xuất siêu 2,05 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào hơn 10 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối đạt khoảng 35 tỷ USD. Đây là dự trữ ròng, tức là nguồn ngoại tệ có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Còn dự trữ ngoại hối tiềm năng của Việt Nam là khoảng 45 tỷ USD.
Về cán cân thanh toán, trong 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Kiều hối đạt 2,3 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư rất lớn, riêng tháng 4/2014 đạt 2,3 tỷ USD, cộng dồn 4 tháng đạt mức kỷ lục, hơn 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhìn vào số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ 2000-2013 cho thấy, thâm hụt thương mại đỉnh điểm vào năm 2008 (hơn 18 tỷ USD), sau đó giảm liên tiếp và đến năm 2012 - 2013, thặng dư thương mại trở thành dương, tương ứng 749 triệu USD và 863 triệu USD. Cùng với tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian qua, cho thấy tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam đã được cải thiện và không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện cấu trúc về sở hữu của xuất, nhập khẩu thì sẽ khiến cho không ít người lo lắng. Nếu như năm 2000 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thì đến năm 2013 chỉ còn 33%, trong khi tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 47% lên 67%. Riêng 4 tháng năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đã đạt 28,943 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi nhập khẩu chỉ đạt 25,457 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 4 tháng đầu năm, khối DN này xuất siêu gần 3,5 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, năm 2000 thặng dư thương mại khu vực FDI 2,4 tỷ USD và đến năm 2013 thặng dư xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng 568%. Trong khi đó, tuy hai năm 2012 và 2013 xét về tổng quát thặng dư thương mại về hàng hóa dương nhưng xét về từng khu vực sở hữu, khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Cụ thể, nếu như năm 2000, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 3 tỷ USD thì đến năm 2013 đã tăng lên 13 tỷ USD, tương đương 362%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, dường như thặng dư thương mại dương và GDP tăng trưởng do tăng trưởng của khu vực FDI là điều tốt nhưng về trung và dài hạn, chưa hẳn đã có lợi, khi nền sản xuất trong nước bị nước ngoài khống chế.
Ưu tiên cân bằng cán cân thương mại
Trên thực tế, nhập siêu không hoàn toàn tiêu cực đối với các nền kinh tế. Những quốc gia đang phát triển có thể phải chấp nhận thâm hụt thương mại trong quá trình chuyển đổi khi có nhu cầu lớn đối với nguyên vật liệu, thiết bị máy móc hay công nghệ của nước ngoài trong khi khả năng và trình độ sản xuất trong nước còn thấp kém, điều kiện nguồn vốn trong nước còn hạn chế.
Tuy nhiên, nếu quy mô nhập siêu tăng cao và kéo dài, thì cũng đồng nghĩa với quá trình tích lũy tư bản, công nghệ từ nước ngoài trước đã chuyển hóa không hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng phản ánh những vấn đề nội tại mang tính “cơ cấu” của nền kinh tế. Nhập siêu kéo dài được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, làm sâu thêm vòng xoáy tỷ giá - lạm phát – tỷ giá và đẩy nền kinh tế ở trạng thái dễ bị tổn thương từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, thu hẹp nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại phải được coi là một trong những ưu tiên trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam cũng có phần xuất phát từ nguyên nhân thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN). Thâm hụt NSNN cao cộng với nợ công tăng cao là minh chứng cho sự thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng gia tăng của Việt Nam. Thâm hụt NSNN (tiết kiệm ròng của Chính phủ mang dấu âm) ở mức cao và dai dẳng trong thời gian dài để phục vụ cho mô hình tăng trưởng đã đóng góp lớn vào tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp. Tất nhiên, thâm hụt cán cân vãng lai chưa hẳn là xấu. Đôi khi thiếu hụt tài khoản vãng lai thể hiện sự thu hút vốn FDI vào để phát triển sản xuất tăng xuất khẩu và tăng sản lượng.
Ngoài ra, thâm hụt hiện tại chưa hẳn là đáng lo nếu đảm bảo thặng dư trong tương lai. Tuy nhiên, xét cơ cấu hàng hoá nhập khẩu trong cán cân thanh toán, nếu hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu thì đây có thể là một dấu hiệu không tốt. Nhưng nếu máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, thì cơ cấu này có thể đảm bảo thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai, tạo ra thặng dư ngoại tệ bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai. Nếu một quốc gia bị thâm hụt cán cân vãng lai trong tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp thì hậu quả của thâm hụt sẽ là vấn đề đáng lo ngại hơn rất nhiều so với khi quốc gia đó đang trong tình trạng tăng trưởng cao và lạm phát thấp.
Trong thời gian tới, nhằm góp phần giảm thâm hụt thương mại nói chung, hạn chế tình trạng nhập siêu nói riêng, cần chú ý vào một số vấn đề sau:
Một là, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đầu tư có hiệu quả hơn. Trong đó, việc định hướng lại cơ cấu đầu tư là rất cần thiết để đưa vốn vào các ngành có độ lan tỏa kinh tế cao và ít kích thích nhập khẩu. Trong nhiều năm qua, Việt Nam duy trì tăng trưởng bằng cách dựa vào vốn đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư còn chưa cao. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không tạo ra nhiều giá trị gia tăng mà chỉ làm tăng thâm hụt thương mại. Trong khi đó, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trở thành khu vực trụ đỡ cho nền kinh tế. Việt Nam hiện đang tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng và việc tập trung cho nông nghiệp cần đặt lên hàng đầu.
Hai là, cần tạo đà cho DN trong nước xác lập lại địa vị của mình, tạo mọi điều kiện, tạo cơ chế thuận lợi để kinh tế trong nước, đặc biệt kinh tế tư nhân, cùng phát triển bình đẳng. Cần thực hiện quyết liệt việc tái cấu trúc nền kinh tế, thể chế và thay đổi thái độ ứng xử của chính sách đối với DN trong nước.
Ba là, có chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có tác dụng làm giảm thiếu hụt (hay tăng thặng dư) cán cân vãng lai lúc ban đầu. Nhưng sau đó, những chính sách này lại có tác dụng làm tăng tổng cầu đối với nền kinh tế trong nước và dẫn đến thu nhập quốc dân tăng. Thu nhập quốc dân tăng sẽ làm cho nhập khẩu tăng và cuối cùng làm cho sự cải thiện cán cân vãng lai ban đầu giảm đi.
Nhận diện cán cân thương mại của Việt Nam
(Tài chính) Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có độ mở lớn với tỷ lệ tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP cao hơn 150%. Đổi lại nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với bài toán về thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cán cân thương mại đang ngày càng nghiêng về phía sáng sủa hơn.
Xem thêm