Nhãn hiệu âm thanh - tài sản sở hữu trí tuệ độc đáo cho doanh nghiệp

NT

Trong bối cảnh cạnh tranh thương hiệu ngày càng gay gắt, việc tạo dựng dấu ấn độc đáo trong tâm trí khách hàng là yếu tố sống còn. Bên cạnh những dấu hiệu truyền thống như logo hay tên gọi, âm thanh đang nổi lên như một "sức mạnh mới", một công cụ xây dựng thương hiệu đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ nhận diện của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025
Bộ nhận diện của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025

Bước ngoặt pháp lý quan trọng đến từ Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), nhằm thực thi cam kết quốc tế trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo quy định tại Điều 72.1 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi 2022, nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam đã được mở rộng định nghĩa, không chỉ giới hạn ở các dấu hiệu nhìn thấy được mà còn bao gồm cả “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Đây là sự công nhận chính thức đối với nhãn hiệu âm thanh như một loại nhãn hiệu phi truyền thống.

Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP, được thể hiện qua Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn như Nghị định 65/2023/NĐ-CP cũng quy định cụ thể hơn, ví dụ tại Điều 77.3(a) nêu rõ việc sử dụng dấu hiệu âm thanh tương tự gây nhầm lẫn sẽ bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu âm thanh đã được bảo hộ. Đây là cơ sở để pháp luật Việt Nam chính thức mở rộng định nghĩa nhãn hiệu, công nhận và bảo hộ "dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa". Sự thay đổi này không chỉ đánh dấu một bước tiến phù hợp với xu hướng quốc tế mà còn mở ra một chương mới cho các doanh nghiệp Việt trong việc xác lập quyền và khai thác giá trị từ loại tài sản trí tuệ phi truyền thống này; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức mới cần được tìm hiểu kỹ lưỡng.

 

Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hằng năm là “Ngày SHTT thế giới” (IP Day). Năm 2025, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày SHTT thế giới là: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ (IP and music: Feel the beat of IP).

Điều kiện tiên quyết để nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ

Để một dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty SHTT KENFOX thì, nhãn hiệu âm thanh phải đáp ứng hai điều kiện tiên quyết:

Khả năng thể hiện dưới dạng đồ họa: Đây là yêu cầu then chốt và không dễ đáp ứng. Do âm thanh tự nó không nhìn thấy được, Luật yêu cầu nó phải được thể hiện dưới dạng đồ họa trong đơn đăng ký. Điều này có nghĩa là người nộp đơn phải cung cấp đồng thời: Một tệp âm thanh ghi lại dấu hiệu đó; một bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh, ví dụ như khuông nhạc (nếu là giai điệu), biểu đồ sóng âm (spectrogram), hoặc bản mô tả chi tiết bằng lời về các đặc tính của âm thanh.

Khả năng phân biệt: Giống như nhãn hiệu truyền thống, nhãn hiệu âm thanh phải có khả năng tự phân biệt, giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Do đó, những âm thanh sau đây thường sẽ không được bảo hộ vì thiếu khả năng phân biệt: Âm thanh thông thường, phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh (ví dụ: tiếng "ting ting" của máy tính tiền cho dịch vụ bán lẻ); âm thanh mô tả bản chất, chức năng của sản phẩm/dịch vụ (ví dụ: tiếng "meo meo" cho thức ăn mèo) và âm thanh bắt nguồn từ chức năng kỹ thuật vốn có của sản phẩm (ví dụ: tiếng ồn tự nhiên của động cơ)”.

Lưu ý khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu âm thanh

Quy trình đăng ký nhãn hiệu âm thanh - một loại nhãn hiệu phi truyền thống, cũng tương tự nhãn hiệu thông thường (thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung) nhưng có thể phức tạp hơn ở khâu thẩm định nội dung do tính mới lạ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần rằng thời gian thẩm định có thể kéo dài và có thể có yêu cầu bổ sung thông tin từ Cục SHTT.

 
   Ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty SHTT KENFOX
   Ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty SHTT KENFOX

Để tăng cơ hội đăng ký thành công và bảo vệ hiệu quả nhãn hiệu âm thanh, doanh nghiệp cần cung cấp file ghi âm chất lượng tốt, không lẫn tạp âm, thể hiện chính xác âm thanh muốn bảo hộ. Ngoài ra, việc thể hiện âm thanh dưới dạng đồ họa cần chính xác và phù hợp. Theo khuyến cáo của Cục SHTT, doanh nghiệp cần chuẩn bị lập luận và bằng chứng để chứng minh trong một số trường hợp, có thể cần chứng minh khả năng phân biệt có được thông qua quá trình sử dụng rộng rãi, liên tục trước ngày nộp đơn. Do đó, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến quá trình sáng tạo, sử dụng các nhãn hiệu âm thanh này trong các hoạt động thương mại để chứng minh khả năng phân biệt của mình sau này.

“Nhãn hiệu âm thanh, dù là một loại nhãn hiệu phi truyền thống, nhưng sở hữu năng lực và ưu thế đáng kể trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Những âm thanh đặc trưng như đoạn nhạc jingle quảng cáo hay âm thanh khởi động thiết bị có khả năng khắc sâu vào tâm trí khách hàng, tạo ra sự gắn kết cảm xúc mạnh mẽ mà các dấu hiệu tĩnh khó có thể làm được. Khi được bảo hộ, nhãn hiệu âm thanh trở thành một tài sản vô hình có giá trị, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Quân nhấn mạnh.

Việc Việt Nam chính thức chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là một bước tiến quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm thách thức. Nếu doanh nghiệp đang sở hữu hoặc có ý định xây dựng những âm thanh đặc trưng gắn liền với sản phẩm, dịch vụ của mình, đây chính là thời điểm thích hợp để tìm hiểu kỹ lưỡng và cân nhắc nghiêm túc việc đăng ký bảo hộ loại tài sản trí tuệ độc đáo này./.