Thực trạng nợ công của Nhật Bản

Nhật Bản là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, tuy nhiên tỷ lệ nợ công của nước này lại đang đứng đầu thế giới. Cũng giống như phần lớn các nước, thành phần nợ công Nhật Bản bao gồm trái phiếu chính phủ do Nhà nước phát hành, các khoản vay và chứng khoán ngắn hạn nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đã vượt mức 100% so với GDP lần đầu tiên vào năm 1997 khi Chính phủ cố gắng gia tăng chi tiêu công, kích thích tiêu dùng nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ sau khi nền kinh tế “bong bóng” bị vỡ.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó không đưa lại những kết quả như mong muốn và Nhật Bản phải đối mặt với một giai đoạn giảm phát triền miên, chi phí phúc lợi xã hội không ngừng gia tăng làm xói mòn nguồn thu từ thuế vốn ngày càng thiếu hụt do liên tục bị cắt giảm dẫn tới hậu quả tất yếu là tỷ lệ nợ công ngày càng cao. Thâm hụt ngân sách hàng năm của Nhật Bản là gần 10% GDP, cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào thuộc khu vực đồng Euro. Điều này cộng với tình trạng kinh tế trì trệ tạo nên tỷ lệ nợ/GDP tăng 10% hàng năm. Tỷ lệ nợ công ròng (sau khi đã trừ đi những khoản như quỹ lương hưu…) của Nhật Bản đã tăng gấp 10 lần và lên tới tỷ lệ 125% GDP sau gần hai thập kỷ vừa qua.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và những nỗ lực khôi phục kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần đã tiếp tục làm gia tăng số nợ công của Nhật Bản. Năm 2011, tổng số nợ công của Chính phủ đã gấp đôi GDP. Số nợ công ngày càng gia tăng trong năm 2012 khi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục chi các khoản đầu tư lớn để tái thiết những khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011. Những khoản chi tiêu này đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ổn định hơn, tuy nhiên, các gói kích thích kinh tế và các can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ghìm giá đồng Yen hỗ trợ cho ngành sản xuất đã làm tăng nợ công của Nhật Bản tới mức kỷ lục là 983.300 tỷ Yen (12.400 tỷ USD), tính tới thời điểm tháng 9/2012.

Trong số nợ khổng lồ trên, nợ trái phiếu Nhật Bản là 803,74 nghìn tỷ Yen, nợ từ các định chế tài chính là gần 54,2 nghìn tỷ Yen và 125,3 nghìn tỷ Yen hối phiếu cho các nhu cầu tài chính ngắn hạn. Tỷ lệ nợ công tính trên đầu người của Nhật Bản là 7,71 triệu Yen là mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ phát hành 8.000 tỷ Yen trái phiếu có ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2012. Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo, nợ công của nước này trong năm tài khóa sẽ kết thúc vào ngày 31/3 vượt 1 triệu tỷ Yen. Đây thực sự là mối nguy hại lớn với Nhật Bản trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự ổn định sau thảm họa động đất - sóng thần cùng những tác động khó tránh từ cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone. Theo dự báo của IMF, nợ công trong năm 2013 của Nhật Bản sẽ lên tới 245% GDP cao nhất thế giới và gấp đôi Mỹ.

Nguyên nhân

Tình trạng nợ công hiện nay của Nhật Bản là hậu quả tất yếu của những giải pháp mà Chính phủ đã tiến hành trong quá khứ trong nỗ lực đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn suy thoái triền miền. Có thể nêu những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, chi tiêu công kích thích tăng trưởng kinh tế: Giải pháp truyền thống Chính phủ Nhật Bản thường sử dụng để khắc phục tình trạng khủng hoảng chu kỳ trong hai thập kỷ vừa qua là việc dựa vào ngân sách bổ sung hoặc các chương trình kích thích kinh tế trọn gói nhằm kích cầu trong nước thông qua việc mở rộng các công trình công cộng. Nhật Bản là quốc gia có những gói kích cầu lớn nhất cả về tổng giá trị cũng như tỷ lệ trên GDP.

Gần đây nhất, chỉ trong hai tháng 10 và 11/2012, Chính phủ Nhật đã tung ra hai gói kích thích kinh tế trị giá 5,3 và 10 tỷ USD để ngăn ngừa nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Vào tháng 1/2013, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua một gói kích cầu mới trị giá 227 tỷ USD (tương đương 40% GDP) với mục đích tái thiết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong đó tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ việc hồi phục cũng như đề phòng thảm họa, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái sinh và các nỗ lực cải thiện lĩnh vực y tế. Những gói kích thích kinh tế lớn do Chính phủ Nhật Bản tung ra trong hai thập kỷ vừa qua đã thổi phồng số nợ công của Nhật Bản.

Tình huống của Nhật Bản có sự khác biệt so với các nước khu vực Eurozone. Phần lớn nợ công của Nhật Bản (khoảng 95%) nằm trong tay các nhà đầu tư nội địa nên tránh được tác động bất lợi từ những biến động thất thường của thị trường tài chính thế giới. Tỷ lệ nợ công/ GDP cao, tuy nhiên chỉ số hiệu quả vốn đầu tư ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) của Nhật Bản chỉ vào khoảng 3,0 do vậy khả năng trả nợ không quá khó khăn.

Thứ hai, chi phí an sinh và phúc lợi xã hội: Nhật Bản hiện là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới (83 tuổi) với gần 25% trong tổng số 127 triệu dân ở độ tuổi trên 65 và dự báo đến năm 2060, người già có thể chiếm tới 40% dân số. Tỷ lệ dân số già cao đang đặt Chính phủ Nhật Bản vào tình thế khó khăn trong việc bảo đảm lương hưu và chăm sóc y tế cho đội ngũ đông đảo những người nghỉ hưu. Chi phí an sinh xã hội ước tăng 800 tỷ Yen và chiếm phần lớn nhất trong ngân sách của năm tài khóa 2013-2014.

Để hỗ trợ cho hệ thống phúc lợi xã hội thì giải pháp tất yếu là Chính phủ Nhật Bản đã phải tiếp tục phát hành trái phiếu vay tiền từ người dân. Từ năm 2000, lượng phát hành trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã vượt qua Mỹ, trở thành nước phát hành trái phiếu lớn nhất toàn cầu. Trong năm tài khóa 2013, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát hành lượng công trái mới để tài trợ cho 46% ngân sách. Lượng phát hành trái phiếu tăng làm cho nợ công của Nhật Bản cũng tăng nhanh cùng với nạn giảm phát và nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu ớt đang cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.

Thứ ba, nguồn thu từ thuế thấp: Để đối phó với tình trạng giảm phát trong hai thập kỷ vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã liên tiếp điều chỉnh và giảm thuế để kích thích sản xuất và tiêu dùng. Quan điểm của Chính phủ Nhật Bản là duy trì mức thuế thấp qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng để gia tăng thu ngân sách mà không theo đuổi chính sách đánh thuế cao để tăng thu ngân sách.

Hiện mức thuế doanh thu của Nhật Bản là 5% - mức thấp nhất trong số các nước công nghiệp hóa (so với mức gần 20% của châu Âu) và nguồn thu từ thuế của Nhật Bản hiện chỉ ở mức 17% GDP - mức thấp nhất trong các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa và chi phí an sinh xã hội tăng cao thì việc thu từ nguồn thuế thấp như hiện này rõ ràng đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt ngân sách và gia tăng tỷ lệ nợ công của Nhật Bản.

Thứ tư, lãi suất thấp: Trong hai thập kỷ vừa qua Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách giảm lãi suất nhiều lần và cuối cùng thực hiện “chính sách lãi suất zero”. Đặc biệt trong giai đoạn 2001-2006, khi các chính sách tiền tệ truyền thống không đem lại hiệu quả mong muốn, BOJ lần đầu tiên đã thực thi chính sách nới lỏng định lượng với mục tiêu đưa nền kinh tế Nhật Bản quay lại đà tăng trưởng.

Mặc dù việc hạ thấp lãi suất cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tuy nhiên lãi suất thấp đã khiến người dân Nhật Bản chuộng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn là đầu tư vào trái phiếu hay chứng khoán. Hệ quả là ngân hàng thiếu tiền mặt và không thể cho vay đối với tư nhân, làm cho hoạt động đầu tư tư nhân của Nhật Bản trì trệ trong nhiều năm, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp giảm bớt nợ công của Nhật Bản

Mặc dù tỷ lệ nợ công của Nhật Bản hiện đứng đầu thế giới, tuy nhiên tình huống của Nhật Bản có sự khác biệt so với các nước khu vực Eurozone. Phần lớn nợ công của Nhật Bản (khoảng 95%) nằm trong tay các nhà đầu tư nội địa nên tránh được tác động bất lợi từ những biến động thất thường của thị trường tài chính thế giới. Tỷ lệ nợ công/GDP cao tuy nhiên chỉ số hiệu quả vốn đầu tư ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) của Nhật Bản chỉ vào khoảng 3,0 do vậy khả năng trả nợ không quá khó khăn.

Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản cũng ở mức rất cao, khoảng 1.046,873 tỷ USD (theo thông báo của Bộ Tài chính Nhật Bản tháng 5/2011) và Nhật Bản vẫn là nước chủ nợ lớn nhất thế giới, khi sở hữu tới 253.000 tỷ Yen (3.300 tỷ USD) tài sản nước ngoài. Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ tiết kiệm của người dân rất lớn trong số các nước phát triển. Như vậy, khả năng xảy ra khủng hoảng nợ công tại Nhật Bản là không quá cao. Có thể đánh giá tính hiệu quả của một số biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành để giải quyết vấn đề nợ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng thuế: Từ năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu lộ trình tăng một số loại thuế cơ bản như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp... Nhật Bản dự kiến thuế tiêu dùng tăng từ 5% lên 10% trong giai đoạn 2012-2016. Tuy nhiên, việc tăng thuế doanh thu sẽ dẫn đến một loạt hệ lụy kèm theo khi Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần hứa rằng sẽ không tăng thuế cho đến năm 2013. Bên cạnh tăng thuế, việc cắt giảm thêm 10% chi tiêu chính sách trong tài khóa năm 2012 giúp Chính phủ Nhật Bản có thêm 1.200 tỷ Yen nhằm bảo đảm tài chính để trang trải các chi phí phúc lợi. Điều này sẽ tạo ra những điều chỉnh cần thiết để giúp giảm bớt nợ công.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng mức thuế tiêu dùng nên tăng thành 15% theo lộ trình tăng đều 1% hàng năm trong vòng 10 năm. Biện pháp này nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng đối với người tiêu dùng đồng thời có thể hạn chế giảm phát bằng cách tạo ra lạm phát kỳ vọng. Về nguyên tắc, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu nếu như thuế đột nhiên tăng đến 10% nhưng khi thuế tăng từ từ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng thì người dân vẫn chi tiêu như bình thường.

Thứ hai, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội: Với tỷ lệ người già cao như hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc nâng độ tuổi nghỉ hưu để giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội. Các nhà làm luật Nhật Bản dự tính sẽ nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động nước này lên 61 tuổi vào năm 2013 và 65 tuổi vào năm 2025. Tuy nhiên, ngoài việc nâng độ tuổi nhận tiền trợ cấp, Chính phủ Nhật Bản vẫn cần xem xét cắt giảm các mức trợ cấp trong tương lai, tăng mức đóng tiền phí bảo hiểm y tế nhà nước... cũng như tiến hành cải cách toàn diện hệ thống an sinh xã hội để giảm bớt mức chi, cải thiện tình trạng nợ công. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải khuyến khích thực hiện các chương trình tái tuyển dụng nhân viên nghỉ hưu để có thể khắc phục vấn đề thiếu hụt nhân lực ở tuổi lao động.

Thứ ba, ổn định tài chính, giảm bớt thâm hụt ngân sách: Mục tiêu bình ổn tài chính được Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhằm ổn định tỷ trọng tăng trưởng nợ. Chiến lược “ổn định tài chính” sẽ được trợ giúp với cơ chế chia sẻ thâm hụt ngân sách giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương từ năm 2013. Kế hoạch đặt ra là cắt giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào năm 2015 và đạt được mức thặng dư ngân sách từ năm 2019. Về dài hạn, cán cân ngân sách của cả chính quyền trung ương và địa phương của Nhật Bản sẽ trở lại trạng thái thặng dư vào năm tài khóa 2020.

Tuy nhiên, mục tiêu này có thể sẽ khó đạt được trong bối cảnh các chính sách phục hồi kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo đó, Thủ tướng Nhật muốn tăng chi tiêu Chính phủ vào công trình, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng và đề xuất BOJ trực tiếp mua trái phiếu chính phủ để giúp tài trợ cho chi tiêu gia tăng. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra thì có nghĩa là trong tương lai Chính phủ có thể chi tiêu nhiều như họ muốn và sẽ dẫn tới sự gia tăng mạnh chi phí vay của Chính phủ. Để bù đắp việc chi phí đi vay tăng sẽ dẫn tới việc Chính phủ Nhật Bản phải phát hành trái phiếu nhiều hơn và như vậy sẽ lại tiếp tục tăng thêm gánh nặng nợ công.

Như vậy, mặc dù tỷ lệ nợ công của Nhật Bản là cao nhất thế giới song cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa thành hiểm họa do những ưu thế của nền kinh tế Nhật Bản như tỷ lệ dữ trữ ngoại tệ và tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Nhật Bản không nhanh chóng thực hiện những biện pháp điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng hiệu quả hơn thì vấn đề nợ công sẽ trở thành trở ngại lớn trong việc khôi phục nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013

Nhật Bản: Giải pháp đối phó với nợ công

Trần Thị Vân Anh

(Tài chính) Nhật Bản hiện đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ nợ công. Bài viết xem xét thực trạng vấn đề nợ công của Nhật Bản, tìm hiểu nguyên nhân và phân tích một số giải pháp mà Chính phủ Nhật Bản tiến hành để giải quyết vấn đề này.

Xem thêm

Video nổi bật