Nhiều chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện
(Taichinh) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên họp Chính phủ tháng 6/2015 diễn ra ngày 29/6.
Nhiều chỉ số đã được cải thiện
Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết; quá trình thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, việc ban hành Luật DN 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đã giúp quá trình khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 xuống còn 5 thủ tục) và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Nghị quyết là 6 ngày.
Theo đó xếp hạng của chỉ số này đã cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99) và cao hơn trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70). Bên cạnh đó, Luật DN 2014 với đổi mới đáng kể về các quy định bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đã đưa vị trí xếp hạng chỉ số này của Việt Nam tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6.
Về chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), trong năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật theo hướng, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Nhờ đó, số giờ nộp thuế đã giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Quy trình nộp BHXH đã được rút gọn, thời gian nộp BHXH hội dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).
Cần tập trung triển khai Nghị quyết 19
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động triển khai Nghị quyết 19. Tính đến ngày 19/6/2015, Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của 12 bộ, cơ quan và 12 UBND các tỉnh, TP. Như vậy, vẫn còn 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh, TP chưa có kế hoạch hành động.
Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch & đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19 để cụ thể hóa vào chương trình hành động của ngành, địa phương; đảm bảo việc triển khai đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả. Các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III/2015; các nội dung bổ sung, sửa đổi đảm bảo giải quyết được một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với DN, thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Từ báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị phải làm rõ trong quá trình triển khai Nghị quyết 19 có thuận lợi khó khăn gì để tập trung chỉ đạo, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc cho DN, đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT vào cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký kinh doanh, nộp thuế điện tử.
Thủ tướng nhấn mạnh: các bộ ngành cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Trước mắt phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19.