Gần 8 năm Việt Nam gia nhập WTO:

Chọn đúng điểm mạnh, tạo thế cạnh tranh

Nguyễn Giang

(Taichinh) - Việt Nam đã trải qua nhiều năm đàm phán để có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, câu chuyện hậu gia nhập WTO cũng còn nhiều việc phải bàn.

Việt Nam đã trải qua nhiều năm đàm phán để có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nguồn: internet
Việt Nam đã trải qua nhiều năm đàm phán để có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nguồn: internet

Còn bỏ lỡ nhiều cơ hội

Theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 8 năm gia nhập WTO, tăng trưởng kinh tế trong nước đã có những bước chuyển mạnh mẽ, nhất là vào năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,13% trong bối cảnh các nhà đầu tư và doanh nghiệp gia tăng hoạt động kinh tế với kỳ vọng vào triển vọng kinh tế sau khi gia nhập WTO. Đến nay, kinh tế đã thực sự có những chuyển biến tích cực sau giai đoạn khủng hoảng, GDP của quý I.2015 đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Các mặt hàng nông, thủy sản cũng đã liên tục tăng trưởng và có nhiều đóng góp vào thành tích chung của hoạt động xuất khẩu. Thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình cũng với những thỏa thuận tự do hóa thương mại đã góp phần tạo điều kiện tăng các giao dịch thương mại với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thể chế kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường đã cơ bản được củng cố và phát triển nhanh.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ hôm qua, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn về kết quả đạt được. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay không chỉ là kết quả của hội nhập kinh tế thế giới, mà còn từ đổi mới tự thân của ta. Ở đây, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã không thực sự bóc tách được phần nào là từ thay đổi của tự thân nền kinh tế trong nước, phần nào do tác động của hội nhập. Và phải bóc tách cụ thể mới có cái nhìn trực diện về những tác động của hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Tác động rõ nhất của quá trình gia nhập WTO là thay đổi về thể chế, còn những tác động về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh là chưa được phân tích rõ. Thậm chí có thể còn có những tác động ngược chiều. Điều này thể hiện rõ ở nhân vật trung tâm trong cuộc chiến hội nhập này - là các doanh nghiệp. Bức tranh của các doanh nghiệp phản ánh trung thực nhất của kết quả gia nhập WTO.

Tán thành với quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hộiNguyễn Mạnh Tiến - thành viên Đoàn giám sát cho rằng, doanh nghiệp trong nước vẫn còn phát triển manh mún, phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Tính manh mún trong 10 năm qua chưa được cải thiện nhiều. Số lượng đơn vị kinh tế cá thể tăng lên, còn số lượng doanh nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế giảm đi. Số lượng doanh nghiệp thành lập tuy tăng lên rất nhiều nhưng hầu như chỉ là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có đến 44,1% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ nên xác định kinh tế hộ dưới góc độ là các doanh nghiệp vệ tinh, nếu xác định chủ lực sẽ khó đủ sức cạnh tranh trong thời gian tới.

Hơn nữa, đánh giá chung là WTO sẽ góp phần làm giảm tính lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, song, dường như nước ta vẫn chưa thực sự tận dụng được những tác động có lợi, cơ hội từ hội nhập WTO cũng như các Hiệp địnhThương mại tự do (FTAs) đã ký kết. Chẳng hạn, doanh nghiệp trong nước hiện mới chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ WTO và FTAs, còn có đến 70% lợi ích đã bị bỏ lỡ. Mặt khác, nước ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như hàng nhập khẩu tràn vào thị trường, không những được bán phá giá mà còn có chất lượng kém.

Thêm vào đó, trong quy tắc hội nhập WTO và FTAs, vẫn có khoảng mở cho các quốc gia về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, song, điều này chưa thực sự được quan tâm. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, hội nhập không chỉ là mở ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn là quá trình Nhà nước thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước có thể lớn mạnh hơn, đứng vững trong sân chơi đầy tính cạnh tranh của WTO và FTAs.

Mở cửa đúng lộ trình cam kết


Theo nhiều ĐBQH, xuất khẩu là thành tựu lớn trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp FDI đang đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu, và chủ yếu là xuất khẩu hàng gia công và linh kiện. Đặc biệt, ngay cả những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu là điện tử, thì 90% số linh kiện lắp ráp phải nhập khẩu, chỉ có 10% được cung cấp từ trong nước. Như vậy, chúng ta đã thực sự hưởng lợi ích từ xuất khẩu sau khi gia nhập WTO chưa? Phải chăng lợi ích từ hội nhập với kinh tế thế giới đang rơi vào khu vực FDI? Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô vẫn lúng túng sau 10 năm nỗ lực phát triển nên đã ít nhiều đánh mất cơ hội từ việc gia nhập WTO.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản nhất nhì thế giới như gạo, cà phê, điều... Nhưng theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tiến, nhiều mặt hàng dường như mới tăng trưởng về số lượng, chứ chưa tăng về giá trị. Vậy những sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu đó có phải là thế mạnh thực sự hay không? Phân tích như thế để thấy rằng cần xác định các sản phẩm thế mạnh cụ thể của nước ta là gì để các sản phẩm này thực sự là lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Hiện Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương và đa phương. Sắp tới, khả năng sẽ ký FTA với Liên minh châu Âu và đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, việc ký kết FTAs đồng nghĩa không còn đường lui. Nói cách khác, đã ký xong FTA là phải mở cửa theo đúng lộ trình đã cam kết.

Cùng với việc phải xác định được những điểm mạnh chủ yếu của nền kinh tế nước ta, thì cũng phải chấp nhận nhập khẩu một số mặt hàng mà chúng ta không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Trong kinh tế thị trường, rõ ràng chúng ta buộc phải nhập khẩu nếu như giá thành sản xuất trong nước cao hơn so với giá nhập khẩu. Do vậy, chúng ta chỉ có thể chọn đúng điểm mạnh làm lợi thế và làm thật tốt để những mặt hàng này mang lại giá trị cao, thực sự là lợi thế cạnh tranh của quốc gia.

Hội nhập là xu thế không thể đảo ngược. Đương nhiên đi cùng cơ hội bao giờ cũng là thách thức. Thị trường chỉ có triết lý của kẻ mạnh. Nếu không tận dụng được cơ hội thì mặt hàng lợi thế cũng có khi phải đối mặt với nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Giống như trong bóng đá, kể cả đá trên cơ nhưng nếu bị động thì không phải lúc nào cũng thắng, nếu không muốn nói là thua. Vấn đề đặt ra là đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cần hỗ trợ tới cùng chứ đừng hỗ trợ kiểu nửa chừng như một số chính sách vừa qua.