Nhiều chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2014, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp trên khắp các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.

Nhiều chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các đối tượng thường lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, đầu tư đối với các khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, tạm nhập, tái xuất, gia công đầu tư, hoàn thuế GTGT đối với hàng XK, thậm chí gian lận ngay trong khai báo thủ tục hải quan điện tử… để thực hiện các hành vi vi phạm. Nhóm đối tượng này hoạt động có tổ chức, manh động, liều lĩnh, hình thành các tụ điểm, đường dây vừa vận chuyển vừa tiêu thụ hàng hóa từ biên giới về sâu trong nội địa.

Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các lực lượng chức năng xác định địa bàn trọng điểm gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, An Giang… Hàng hóa vi phạm lên tới hàng chục đến hàng trăm loại mặt hàng có giá trị lớn, thậm chí có cả hàng cấm như: Pháo nổ, ma túy, đồ chơi bạo lực, rượu ngoại, bia, thuốc lá, đường kính trắng, nước giải khát, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, xe đạp điện, vải, quần áo may mặc…

Trên tuyến biên giới phía Bắc, các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa, thuê cửu vạn gùi, cõng, đai vác qua đường mòn, lối mở; dùng thuyền, đò vận chuyển qua sông biên giới; cất giấu, trà trộn hàng lậu trong người, hành lý cá nhân khi nhập cảnh; cải tạo thêm hầm hàng, vách ngăn xe ô tô, hoán cải xe máy để chuyên chở hàng lậu.

Để đối phó lực lượng chức năng kiểm tra trên đường, bọn chúng thường xuyên sử dụng hóa đơn chứng từ thu gom hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, đưa hàng về tập kết tại các chợ đầu mối thuộc các tỉnh lân cận TP. Hà Nội, trước khi đưa hàng đi tiêu thụ khắp cả nước.

Tuyến hàng không, bưu điện là đường mà các loại hàng cấm, hàng hóa có giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu như mỹ phẩm, điện thoai di động, đồng hồ, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, ngoại tệ, vàng “đổ bộ”… Địa bàn trọng điểm là các sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; chuyển phát nhanh Fedex, DHL… Đáng lưu ý, hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất, tân dược, sản phẩm động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh diễn biến khó lường của hoạt động buôn lậu trên các tuyến biên giới, ở nội địa, tình trạng bày bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng chưa có dấu hiệu giảm. Các mặt hàng bị làm giả đa dạng, từ hàng tiêu dùng thông dụng như giày, dép, quần áo, nước uống đóng chai, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm… đến các mặt hàng có giá trị cao hoặc có chức năng đặc biệt từ vàng, thẻ tín dụng, thẻ cào điện thoại, phần mềm tin học, linh kiện điện tử… Phần lớn các loại hàng giả được sản xuất từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), sau đó nhập lậu vào Việt Nam qua tuyến biên giới phía Bắc và miền Trung.

Bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt ra quân triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thường xuyên liên tục, sát với thực tiễn, là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương có định hướng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời điều phối hoạt động đấu tranh của các lực lượng: Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trưởng, Cảnh sát biển.

Song song với quá trình thực hiện, Văn phòng Thường thực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thành lập các Đoàn công tác đột xuất kiểm tra tình hình thực tế về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh biên giới trọng điểm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, TP. Hà Nội và các tỉnh Tây Nam Bộ. Kết quả kiểm tra cũng là cơ sở quan trọng để tham mưu, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu lớn. Điển hình vụ bắt giữ hơn 60 tấn dược liệu từ Trung Quốc; bắt giữ 4 xe ô tô vận chuyển trái phép 100 tấn hàng lậu tại Lạng Sơn; vụ bắt 120 tấn hàng lậu tại Móng Cái, Quảng Ninh; bắt giữ 52.000 bao thuốc lá lậu tại Long An…

Qua từng vụ việc, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng các cấp từng bước làm tốt công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỷ luật, điều động cán bộ, công chức có dấu hiệu, hành vi sai phạm trong thực thi công vụ. Việc làm này đã phát huy tích cực, có hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, tạo sức chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, cũng như người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

box: Năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm, chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Kết quả, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 206.642 vụ vi phạm (tăng 12,11% so với năm 2013); thu nộp vào ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 13.042,1 tỷ đồng (tăng 27,1% so với năm 2013); khởi tố 2.081 vụ án hình sự, 2.275 đối tượng.