Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiến về đỉnh cũ
YSVN nhận định thị trường đang bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm kiểm đỉnh cũ 1.535 điểm.
Thị trường tăng mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh hôm 17/2. Cụ thể, chỉ số VN-Index đóng của tăng 1,06% dừng tại 1.507,99 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,26%, UPCoM-Index cùng chiều tăng 0,55%. Giá trị giao dịch khớp lệnh sụt cải thiện nhẹ so với phiên liền trước đạt 21.410 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm vốn hóa lớn quay lại đường đua với sắc xanh chiếm ưu thế hoàn toàn. Chỉ số VN30-Index có 29 mã tăng và 1 mã giảm. MSN (+3,1%), GAS (+3,7%), PDR (+2%), POW (+2,2%), FPT (+1,6%), BID (+1,9%)… là các mã dẫn đầu đà tăng giá.
Nhóm Mid-Cap tiếp tục thu hút dòng tiền tích cựctrong phiên hôm nay. Có thể nêu tên như GEX (+3,3%), BCG (+3%), KBC (+1,4%)…Bộ đôi HAG (+0,5%), HNG (+4,6%) cũng ghi nhận đà hồi phục mạnh.
Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, điểm tích cực là thị trường có dấu hiệu sẽ sớm thoát khỏi giai đoạn tích lũy ngắn hạn và bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm kiểm đỉnh cũ 1.535 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên tăng dần tỷ trọng cổ phiếu và dòng tiền vẫn chưa có hiện tượng rút ra khỏi thị trường.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng 45-50% danh mục”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo CTCK MB (MBS) sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechips phiên này đã giúp thị trường vượt ngưỡng 1.500 điểm dù thanh khoản vẫn ở mức thấp. Điểm tích cực ở các phiên thanh khoản thấp trong tuần này là độ rộng thị trường vẫn rất tốt, cho thấy mặt bằng giá cổ phiếu vẫn tăng nhiều hơn giảm.
Phiên 17/2 cũng là phiên T+3 của phiên giảm mạnh gần 30 điểm hồi đầu tuần, với diễn biến này thì đa phần nhà đầu tư bắt đáy phiên đầu tuần đều có lãi, do vậy áp lực bán sẽ giảm khi thị trường trên ngưỡng 1.500 điểm. “Thị trường đang có sự phân hóa khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt lần lượt được xoay vòng, do vậy nhà đầu tư nên kiên trì với danh mục đã chọn, hạn chế đua giá cao trong phiên tăng mạnh”, chuyên gia MBS cho biết.
Về kỹ thuật, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sự lan tỏa của dòng tiền, luân phiên đến các nhóm ngành đã giúp cho VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý tại quanh 1.500 điểm. “Chúng tôi tiếp tục cho rằng chỉ số đang có nhiều cơ hội mở rộng đà tăng điểm, hướng lên vùng kháng cự kế tiếp tại 1.52x điểm trước khi chịu áp lực rung lắc rõ nét hơn. Sau khi mua lại một phần vị thế trading, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quay vòng chốt lời ngắn từng phần tại các vùng cản kế tiếp của các mã mục tiêu”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.
Còn theo CTCK Vietcombank (VCBS), diễn biến trong phiên hôm 17/2 dù tích cực nhưng vẫn còn khá “mong manh” khi mà nhà đầu tư vẫn còn dè dặt do lo ngại rủi ro liên quan đến triển vọng thị trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. “Chúng tôi nhìn nhận rằng vẫn có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa hóa vừa và nhỏ tăng giá, phần nào mở ra cơ hội “giữ chân” dòng tiền trên thị trường”, chuyên gia VCBS nhận định.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong năm 2022 khi giá rơi về mức chiết khấu hợp lý. “Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong bối cảnh xu hướng chung của chỉ số là chưa thực sự rõ ràng, chiến lược đầu tư trong giai đoạn này nên thiên về giao dịch “lướt sóng”, và cần sẵn sàng hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số chung ghi nhận phiên giảm điểm mạnh và bất ngờ với thanh khoản gia tăng đột biến”, chuyên gia VCBS khuyến nghị.