Nhiều doanh nghiệp chế biến sẵn sàng thu mua nông sản đang bị ùn tắc
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến và các tập đoàn bán lẻ đã sẵn sàng thu mua các hàng nông sản đang bị ùn tắc tại các cửa khẩu. Do đó, các tỉnh cần thông tin cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang bị ách tắc hàng hóa quay đầu xe về để kết nối tiêu thụ.
Sáng 31/12, Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất – chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn tồn đọng bất kỳ 1 xe hàng nông sản nào tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Phía Lào Cai thời gian qua đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm chi phí về hạ tầng, bố trí các điều kiện cho lái xe trong thời gian giao, nhận hàng được đảm bảo an toàn và an toàn trong phòng chống dịch,... Do vậy, thời gian qua, cửa khẩu Lào Cai không ách tắc, nếu có thì chỉ trong thời gian rất ngắn.
Ông Hoàng Chí Hiền cho biết thêm, hiện nay, Lào Cai đang đề xuất xây dựng cửa khẩu an toàn để tạo ra vùng đệm an toàn do tới đây Trung Quốc sẽ còn làm chặt chẽ hơn. Từ đó tạo điều kiện cho nhân dân Lào Cai và thuận lợi cho xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là cho người điều khiển phương tiện.
Ông Hiền kiến nghị cần sớm đàm phán ký kết về vấn đề kiểm dịch nông lâm sản, mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị sớm ban hành cơ chế chính sách hoặc có gói hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nhất là vấn đề chế biến sâu. Đồng thời, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc như các thương vụ, cơ quan ngoại giao,... cần thường xuyên phát huy vai trò thông tin vào trao đổi lại với địa phương để phục vụ cho nhận định, dự báo.
Đặc biệt, thông tin về tình hình tại các cửa khẩu Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, tại địa phương, trong ngày 30/12, chỉ có 81 xe được xuất đi tại các cửa khẩu, đây là con số rất khiêm tốn. Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị xuất được 56 xe, xuất khẩu qua Chi Ma được 25 xe, tại cửa khẩu Tân Thanh đã dừng thông quan từ ngày 18/12. Tính đến ngày 30/12, hiện còn tồn 2.971 xe tại các cửa khẩu, trong đó có 1.676 xe hoa quả chở bằng công lạnh.
Trước tình hình ùn tắc, UBND tỉnh đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, lái xe đường dài. “Chúng tôi đã có cơ chế chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này như: điều trị miễn phí cho lái xe đường dài khi mắc COVID-19, giảm phí dịch vụ tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn” – bà Thu cho biết.
Ngoài ra, để tạo vùng xanh, trước khi vào Lạng Sơn đã xét nghiệm COVID-19, đồng thời có khu vực cách ly riêng, có đội lái xe riêng chuyên trách để chở hàng sang Trung Quốc.
Theo bà Đinh Thị Thu, giải pháp trước mắt và cấp bách để giải quyết các xe còn lại, đó là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có giải pháp, hình thức Hội đàm cấp Trung ương và địa phương để thống nhất biện pháp thông quan, kiểm tra hàng hóa để phía bạn sớm mở cửa thông quan trở lại. Với các cửa khẩu đang thông quan cần kéo dài thời gian thông quan.
“Có cửa khẩu thông quan 4 tiếng, cửa khẩu thông quan 8 tiếng. Chúng tôi mong muốn được thông quan 12 tiếng trong ngày để giải quyết hàng hóa đang ùn ứ” – bà Thu kiến nghị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục trao đổi với các bạn hàng Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để tạo lòng tin cho phía bạn về phòng chống dịch COVID-19 trong các khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói,... thông qua các hình thức video để phía bạn nhìn trực tiếp, có quy trình sản xuất an toàn để sớm mở lại cửa khẩu.
Lạng Sơn cũng khuyến cáo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hiệp hội từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần không đưa hàng hóa hoa quả lên Lạng Sơn khi chưa cải thiện được tình hình thông quan, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết, hiện nay, nông sản Việt Nam có tinh bột sắn đang tồn 38 xe, hiện các doanh nghiệp đã đưa vào kho bảo quan, chờ khi phía Trung Quốc thông quan.
Thanh long ở Móng Cái tồn 34 xe, hiện một số doanh nghiệp đã chuyển về nội địa tiêu thụ và một số đang chờ, nếu không thông quan khi xe quá 15-20 ngày sẽ quay lại nội địa để bán. Bên cạnh đó, mít, chôm chôm tồn 102 xe tồn, từ các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Thuận, Long An.
Về hàng hải sản, tồn 139 xe. Một số doanh nghiệp đã đưa vào bảo quản tại kho và một số chờ cửa khẩu hoạt động trở lại. Chính quyền địa phương ở thành phố Móng Cái đã thông báo cho doanh nghiệp hạn chế đưa hàng ra, ưu tiên gửi kho lạnh để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Ngoài ra một số hàng hóa khác đang chờ phía Trung Quốc thông quan hoạt động trở lại.
Để giải quyết tình hình còn tồn xe hiện nay, tương tự như Lào Cai, ông Dương kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sớm trao đổi, đàm phán với nước bạn để kịp thời khôi phục hoạt động của các cửa khẩu. Đồng thời, đề nghị hạn chế, tạm dừng đưa hàng hóa ra cửa khẩu, tránh việc ùn tắc và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn thông tin thêm, hiện nay, Trung Quốc đã có thông báo dừng nhập khẩu thanh long từ ngày 29/12 đến 26/1/2022. Do đó, đây là bài toán khó khăn cho nhiều địa phương đang vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng rất lớn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, hiện nay, người dân trồng thanh long trên địa bà tỉnh đang trông cậy vào thời điểm này vì đây là vụ trái và giá cao nhất. Trong khi đó, từ nay đến vụ thu hoạch, Long An có khoảng 10 nghìn ha, với sản lượng khoảng 20 nghìn tấn. Đây là một áp lực lớn đối với tiêu thụ của tỉnh khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện toàn tỉnh có 117 kho trữ lạnh, tuy nhiên, tính chung, đưa vào các kho trữ chỉ đạt khoảng 5.000 tấn, mới chỉ chiếm khoảng một phần tư so với sản lượng cần được tiêu thụ sắp tới.
Bà Đinh Thị Phương Khanh kiến nghị, về giải pháp trước mắt, các Bộ, ngành Trung ương đàm phán với phía Trung Quốc để thông quan trở lại. Đối với các xe đang tồn ở cửa khẩu phía Bắc, Long An đang còn khoảng 200 xe thanh long. Do đó, để tạo điều kiện cho các xe quay đầu, Long An đề nghị các tỉnh hỗ trợ thêm về bến bãi để các doanh nghiệp có điều kiện xả hàng, giảm lỗ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho nhu cầu trữ lạnh cho doanh nghiệp.
Về giải pháp tiêu thụ thanh long, bà Khanh nhấn mạnh: “Với giải pháp tiêu thụ thanh long sắp tới, nếu kết nối được với các tỉnh không trồng thanh long thì rất mong được hỗ trợ, công khai giá tại ruộng của nông dân, cộng thêm phí vận chuyển để các tỉnh giúp hỗ trợ cho tiêu thụ nội địa, đồng thời, một phần sẽ đưa vào kho lạnh, 1 phần sẽ làm việc với các nhà máy chế biến”.
Về thanh long, đại diện của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, tỉnh rà soát, dự kiến sản lượng thanh long của địa phương sẽ thu hoạch trong thời gian tới có sản lượng khoảng 120 nghìn tấn, tuy nhiên, thanh long của tỉnh chủ yếu nhập qua Trung Quốc, do đó, hiện nay địa phương rất khó khăn trong xuất khẩu, tiêu thụ thanh long.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 111 cơ sở thu mua chế biến với kho lạnh 16 nghìn tấn. Về cơ sở chế biến hiện nay có 13 cơ sở nhưng quy mô nhỏ, vừa, chủ yếu sản xuất rượu, mứt, kẹo... Do đó, còn hạn chế so với san lượng cần tiêu thụ, không đáng bao nhiêu.
Cũng theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, hiện nay, giá thanh long bán chỉ được khoảng 7-8 nghìn đồng/kg đối với loại ngon nhất. Hiện nay, lo nhất là thanh long tồn trên vườn, các doanh nghiệp thu mua cầm chừng hoặc tạm ngừng.
Do vậy, Bình Thuận mong muốn các doanh nghiệp trong nước phối hợp với các địa phương có trồng thanh long, trong đó có Bình Thuận với các giải pháp thiết thực để giúp cho các địa phương như Bình Thuận tiêu thụ thanh long cho bà con, nhất là khi thời gian đã gần cận kề Tết Nguyên đán. Đồng thời có chính sách để giúp tháo gỡ bớt khó khăn cho bà con.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp chế biến và các tập đoàn bán lẻ đã sẵn sàng thu mua các hàng nông sản đang bị ùn tắc tại các cửa khẩu. Do đó, đề nghị các tỉnh thông tin cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang bị ách tắc hàng hóa quay đầu xe về để kết nối với các doanh nghiệp chế biến.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, qua đây cho thấy thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh sao cho kịp thời và mong muốn các hiệp hội, ngành hàng chú ý đến vấn đề này.
Về vấn đề giải quyết tiêu thụ thanh long tại các tỉnh với số lượng lớn hiện nay, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tổ chức diễn đàn kết nối riêng cho tiêu thụ thanh long trong một số ngày tới. Đồng thời, đề nghị liên hệ với Đại sứ quán, các tham tán thương mại ở một số nước đã có nhập khẩu thanh long để hỗ trợ xúc tiến thương mại, để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long ở các thị trường khác.