Nhiều kiến nghị “nóng” gửi tới VBF 2012
Điều cộng đồng doanh nghiệp mong đợi hơn cả tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) 2012, dự kiến diễn ra vào ngày 3/12 tới, là xuất hiện xung lực mới trong triển khai các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh, thay vì dừng lại ở cam kết của các bộ, ngành như các kỳ VBF nhiều năm trước.

“Cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN”
![]() |
Ông Lê Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Việt Nam , thuộc Công ty Capital Partners Securities (Nhật Bản) |
Cần yêu cầu các DNNN công bố báo cáo tài chính định kỳ như DN niêm yết. Các công dân Việt Nam là cổ đông gián tiếp của DNNN cần được biết DNNN hoạt động ra sao? VBF 2012 cũng cần đưa ra giải pháp khả thi nhằm tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN. Làm được như vậy sẽ dễ tìm được nguồn tài trợ vốn và đối tác kinh doanh ở nước ngoài, để tạo ra bước phát triển đột phá.
Để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn trong những năm tới, VBF 2012 cần tạo kênh giao tiếp thường xuyên hơn với NHNN, để sao cho chính sách tiền tệ được công khai hơn nữa theo hướng “giao tiếp” tốt hơn với thị trường. Lạm phát cao kéo dài nhiều năm qua có được khắc phục triệt để trong những năm tới hay không là mối quan tâm hàng đầu của các DN trong và ngoài nước. Lạm phát cao khiến hoạt động của DN khó khăn, ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài.
DN vừa và nhỏ tạo ra nhiều việc làm, nhưng hiện gặp khó khăn nhiều mặt về vốn, nhân lực, thị trường… Tuy họ đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng cần tiếp tục tăng cường tiếp sức hơn cho khối này. NĐT nước ngoài hay nhìn vào tổng thể, nếu quốc gia nào có nền tảng các DN vừa và nhỏ mạnh, thường tạo ra nhiều việc làm, ít thất nghiệp và kinh tế ổn định. Đó còn là một dấu hiệu cho thấy quốc gia đó có nền tảng công nghiệp hỗ trợ tốt...
Nên sớm có bảng xếp hạng thực sự nghiêm túc về chất lượng, dịch vụ sản phẩm của các DN theo từng ngành. Ví dụ như Top 10 DN ngành dịch vụ pháp luật, Top 10 DN ngành bất động sản... Việc xếp hạng này từ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ, chứ không phải các giải thưởng “cơ cấu” theo phong trào, không thực chất. Các DN này cần được tuyên dương và theo dõi quá trình phát triển một cách dài hạn (5 - 10 năm, thậm chí dài hơn). Một khi các DN này phát triển bài bản, thực chất, thì sẽ là tấm gương cho các DN khác học tập..
“NĐT nhỏ lẻ trên TTCK đang bị bỏ rơi”
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam |
Có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TTCK, nhưng tại các kỳ VBF nhiều năm gần đây, trong các kiến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn không hề xuất hiện các kiến nghị đại diện cho quyền lợi của các NĐT nhỏ lẻ nội địa. Điều không khó nhận ra là các kiến nghị chỉ tập trung “đòi” quyền lợi cho NĐT nước ngoài, các quỹ đầu tư, các tổ chức kinh doanh chứng khoán... Việc chỉ quan tâm tới quyền lợi của các đối tượng này, tạo ra cảm giác NĐT nhỏ lẻ đang bị... bỏ rơi.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, để các công cụ bảo vệ NĐT đã được quy định trong Luật Chứng khoán 2006 đi vào cuộc sống. Đó là buộc CTCK quản lý tách biệt chứng khoán của từng NĐT, tách biệt tiền và chứng khoán của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK… Sở dĩ vấn đề này đang đặt ra bức bách, bởi có dấu hiệu cho thấy số lượng CTCK mất thanh khoản ngày càng nhiều, làm mất tài sản của NĐT, nhưng các NĐT đang rất khó đòi bồi hoàn.
“Vốn nằm chết, trong khi DN không có cách nào tiếp cận”
![]() |
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn DABACO Việt Nam (DBC) |
Trên danh nghĩa, tuy lãi suất giảm, nhưng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được vốn vay với lãi suất hợp lý. Điều này xuất phát từ tình trạng chậm trễ trong xử lý nợ xấu. Bởi vậy, để dần khắc phục tình trạng tắc nghẽn tín dụng, điều DNdoanh mong đợi là VBF 2012 sẽ góp phần tìm lời giải cho tình trạng này. Muốn khơi thông tín dụng cho DN, Chính phủ, NHNN cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, để áp dụng trên toàn thị trường, chứ không thể trông chờ vào việc làm đơn lẻ của các NHTM. Đây là cách để DN có cơ hội phát triển tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất hợp. Nếu tình trạng tắc nghẽn tín dụng còn kéo dài, nhiều DN có tiềm năng phát triển sẽ bị “chết oan”.
VBF 2012 cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng hàng tồn kho vẫn còn cao hiện tại. Ưu tiên các giải pháp để giải phóng hàng tồn kho của ngành vật liệu xây dựng, thông qua triển khai các giải pháp tăng đầu tư công hiệu quả.
Một vấn đề “nóng” nữa mà cộng đồng DN trông đợi sẽ có những chuyển biến trên thực tế sau kỳ VBF 2012 là tình trạng quy hoạch các ngành kinh tế sớm không bị phá vỡ như hiện tại. Đơn cử như lĩnh vực xi măng, cung đang vượt cầu lớn, nhưng không hiểu sao các cấp quản lý vẫn cấp phép cho các dự án mới đi vào hoạt động. Tính chất nguy hại của tình trạng “vượt rào” quy hoạch không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, mà đáng báo động hơn là tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong ngành. Điều này dễ đưa cả một ngành kinh tế rơi vào tình trạng điêu đứng, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.