Nhiều ngân hàng lên kế hoạch trở lại “đường đua” năm 2019
Năm nay, thị trường có thể sẽ được chứng kiến sự trở lại “đường đua” của nhiều ngân hàng sau khi “lỡ nhịp”.
Kết thúc năm 2018, bên cạnh các ngân hàng công bố lãi lớn và tăng trưởng hai con số, vẫn còn không ít nhà băng “ngậm ngùi” báo lợi nhuận giảm hoặc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phút chót để... kịp hoàn thành.
Tuy nhiên, sang năm 2019, thị trường có thể sẽ được chứng kiến sự trở lại “đường đua” của nhiều ngân hàng sau một năm “lỡ nhịp”.
Triển vọng này đặt ra sau khi hầu hết các thành viên đã định hình xong các kế hoạch, mục tiêu của năm trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua.
Nằm trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận giảm năm 2018, LienVietPostBank đã chuẩn bị cho cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch ngân hàng cho biết, trong năm 2018, ban đầu LienVietPostBank xây dựng kế hoạch lợi nhuận dựa trên “room” tăng trưởng tín dụng 20%, tương đương năm 2017. Tuy nhiên, chỉ tiêu này Ngân hàng Nhà nước giao sau đó đã không được như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nhận thấy cơ hội tốt để phát triển mạng lưới; mà điều này đòi hỏi phải tăng chi phí đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và gia tăng nhân sự.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, các ứng dụng quản trị, điều hành.. tiên tiến, cũng như đầu tư phát triển ngân hàng số.
Theo đó, Ban lãnh đạo ngân hàng đã thống nhất chiến lược của LienVietPostBank là tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc cho ngân hàng để phát triển an toàn, vững mạnh và hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Do vậy, kết thúc năm 2018, ngân hàng chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 1.213 tỷ đồng, giảm 31,4% so với năm 2017. So với mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ (được điều chỉnh giảm 600 tỷ hồi giữa tháng 8), ngân hàng vừa kịp hoàn thành kế hoạch năm.
Tuy nhiên, sang năm nay, với kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng, LienVietPostBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trên 50% so với năm trước.
Nói về mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng, ông Thắng cho biết, Ban lãnh đạo ngân hàng đã lên kế hoạch chi tiết và rất tự tin có thể hoàn thành.
“Sang năm nay, áp lực sẽ nhẹ hơn 2018. Bởi vì hệ thống công nghệ đã được nâng cấp sẵn sàng cho việc mở rộng mạng lưới. Mặt khác là những phòng Giao dịch Bưu điện nâng cấp trong năm 2017 và 2018 thì trong năm 2019 đã bắt đầu kinh doanh có lợi nhuận.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch 1.900 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2019 là hoàn toàn có cơ sở để đạt được”, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết.
Cũng theo lãnh đạo LienVietPostBank, hiện ngân hàng đang nghiên cứu xây dựng một số đề án tín dụng riêng của LienVietPostBank về phát triển cho vay tín dụng nông thôn, cho vay tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen dựa trên thế mạnh về mạng lưới và ngân hàng số.
Trên cơ sở đó, nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì “room” tín dụng có thể được phê duyệt tăng để thực hiện chủ trương của Chính phủ, và theo đó kế hoạch về kinh doanh, lợi nhuận sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, những rủi ro hoạt động liên quan đến những vụ lùm xùm mất tiền trăm tỷ tiền gửi của khách hàng đã khiến lợi nhuận năm 2018 của Eximbank sụt giảm khá mạnh, khi chỉ đạt 827 tỷ đồng, tương đương giảm 19% so với năm 2017.
Ban lãnh đạo Eximbank thậm chí đã đánh giá đây là năm mà ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển.
Tuy nhiên, năm 2019, Eximbank cũng đã lên kế hoạch để quay trở lại “câu lạc bộ” lãi nghìn tỷ.
Cụ thể, năm nay, ngân hàng dự kiến huy động vốn đạt 143.500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2018.
Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%, đạt 115.570 tỷ đồng, song trong điều kiện thuận lợi, Eximbank sẽ xin Ngân hàng Nhà nước để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Lãi trước thuế sau trích lập 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với kết quả đạt được năm 2018.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2019, Eximbank đặt trọng tâm vào công tác huy động vốn từ thị trường. Tập trung huy động vốn không kỳ hạn (CASA) từ phân khúc khách hàng lớn đối với những khu vực có tiềm năng. Triển khai các chính sách, sản phấm huy động vốn hướng đến nhóm khách hàng có quy mô trung bình và nhỏ nhằm đảm bảo sự ổn định về nguồn vốn.
Ngân hàng cũng chủ trương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tồn đọng, tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC, đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Tới thời điểm hiện tại, Eximbank vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ năm 2019 thành công do chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông.
Tuy nhiên, các cổ đông kỳ vọng, mọi hoạt động của ngân hàng sẽ trở về đúng quỹ đạo khi những xung đột này được giải quyết và Eximbank lại tìm được những ánh hào quang một thời.
Còn đối với SHB, dù lợi nhuận năm 2018 không rơi vào trường hợp giảm sút như hai ngân hàng trên nhưng cũng gần như chỉ dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân chính là do lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ giảm tới phân nửa (còn 714 tỷ đồng) trong khi chi phí hoạt động lại tăng mạnh gần 23% khiến lợi nhuận thuần chỉ đạt 3.519 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ.
Dù vậy, nhờ giảm trích lập dự phòng tới 24,6% nên kết thúc năm 2018, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.094 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8%.
Tuy nhiên, sang năm nay, SHB cũng đã lên kế hoạch tăng tốc mạnh với vốn điều lệ có mục tiêu tăng thêm 5.534 tỷ đồng lên 17.571 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 372.917 tỷ đồng; huy động vốn đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,64%; dư nợ tín dụng đạt 261.592 tỷ đồng, tăng 13%.
Đáng chú ý, SHB có hướng tăng tốc trên "đường đua" năm nay, khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.068 tỷ đồng, tăng tới 46,5% so với năm 2018.
MSB lại là một trường hợp khác khi trong năm 2018, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, gấp tới 6,6 lần kết quả đạt được năm 2017, là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Sang năm nay, MSB tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận sẽ lên một tầm cao mới với kế hoạch lên tới 1.860 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với năm trước.
MSB cũng là một trong những nhà băng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống trong năm nay.
Ban lãnh đạo MSB cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược dịch chuyển sang bán lẻ, tăng cường dịch vụ, thay vì chủ yếu dự vào tín dụng. Hướng đi này an toàn và giảm thiểu rủi ro do tín dụng thường dễ gắn với nợ xấu.
Bên cạnh đó, MSB sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực lớn và triển khai mạnh hệ thống công nghệ để tiện ích số hóa. Ngân hàng số là điểm ngắm dịch chuyển chiến lược tiếp theo của MSB.
Cũng trong năm nay, MSB dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu MSB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào quý III. Đây được xem là bước tiếp nối để giúp ngân hàng mở rộng quy mô và minh bạch trong hoạt động.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 có thể sẽ không thể tăng mạnh như năm trước khi hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành bị giới hạn ở mức 14%, trong khi tình trạng nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn vẫn còn khá lớn.
Đây cũng là lý do phần lớn các nhà băng tỏ ra khá dè dặt khi lên kế hoạch kinh doanh cho năm nay.
Tuy nhiên, như trên, vẫn có nhiều trường hợp hướng đến những chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Và “cuộc đua” năm nay được kỳ vọng sẽ kịch tính hơn với sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng tầm trung.