Nhiều thách thức trong thu hút FDI
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, việc thu hút, quản lý dòng vốn này vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 11 tháng năm 2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành có cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 11 tháng 2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký của các dự án đạt 10,3 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo đó là kinh doanh bất động sản với 1,4 tỷ USD.
Trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,9 tỷ USD, chiếm 19,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; đứng thứ hai là Trung Quốc 2,2 tỷ USD, chiếm 15,5%.
Hà Nội là địa phương thu hút nhiều FDI nhất trong 11 tháng năm 2019 với tổng số vốn đầu tư thu hút được là 6,8 tỷ USD. Tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh với 5,4 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, xung lực thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn được duy trì nhờ những những nỗ lực của Việt Nam kiên trì mở rộng hội nhập quốc tế, cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản đầu tư, thương mại, thông qua những FTA thế hệ mới đã và bắt đầu có hiệu lực. Thêm nữa, công cuộc đổi mới của Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, hướng vào cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục hành chính. Niềm tin của giới kinh doanh và nhà đầu tư cũng ngày càng được củng cố nhờ các nỗ lực hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ kiến tạo.
Tuy nhiên, thực tiễn thu hút FDI trong hơn 30 năm qua cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược FDI thế hệ mới đang được xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước.
Công tác quản lý đối với các DN FDI ở nước ta đang đứng trước những thách thức mới, cụ thể như:
- Về lĩnh vực đầu tư: Quá trình thu hút FDI đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó còn là tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Lĩnh vực nông nghiệp và vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn thiếu vắng các dự án FDI.
- Về thu hút công nghệ cao, công nghệ hiện đại: Trong số các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ có khoảng 5% là công nghệ cao, 80% là công nghệ trung bình, còn lại 15% là sử dụng công nghệ thấp và công nghệ đã lạc hậu.
- Về phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa: Mặc dù Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô lên 30% - 40% nhưng thực tế chỉ đạt dưới 10%; linh kiện, phụ kiện cho lắp ráp ô tô chủ yếu là nhập khẩu vì không có các cơ sở công nghiệp phụ trợ ở trong nước.
- Về chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và sự lan tỏa từ các DN FDI ra toàn ngành và nền kinh tế: Một số DNNN liên doanh với các DN FDI với mong muốn được tăng thêm tiềm lực về vốn, công nghệ, cơ chế quản lý mới để phát triển và bên Việt Nam được cùng tham gia vào quản lý DN, qua đó học tập, tiếp thu, nhận chuyển giao về bí quyết kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, thế nhưng đến nay, hầu hết các DN liên doanh đều đã trở thành DN 100% vốn nước ngoài, với các hoạt động và quy trình quản lý khép kín.
- Về đóng góp cho ngân sách nhà nước: Mặc dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực DN FDI chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 15% - 19%, thấp nhất trong ba khu vực kinh tế. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2011-2015 có đến 50% số DN FDI kê khai lỗ nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trước thực trạng thu hút vốn FDI nêu trên, đã có nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất như cần thay đổi về tư duy trong thu hút FDI, thay vì thu hút bằng mọi giá, cần tập trung vào thu hút có chọn lọc, hướng vào những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa trong nền kinh tế.
Một số giải pháp khác được khuyến nghị gồm phải kiểm soát chặt chẽ các dự án ngay từ khi xét duyệt cho đầu tư; tăng cường kết nối các DN FDI với các DN trong nước; tăng cường giám định về công nghệ đầu tư và thẩm định giá đối với các tài sản nhập khẩu để góp vốn...