Nhiều thay đổi trong quản lý ngoại hối đối với hoạt động FDI
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Theo đó, nhiều quy định đã được bãi bỏ và thay đổi mới. Cụ thể:
Doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Điểm khác so với các quy định trước đây là dự thảo Thông tư không quy định tài khoản vốn đầu tư trực tiếp phải là tài khoản ngoại tệ. Nguyên nhân, theo lý giải của Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước là do thực tế quản lý trong thời gian qua cho thấy: Một số trường hợp, các đối tác liên doanh trong doanh nghiệp FDI có thể góp vốn đầu tư và/hoặc đi vay bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam.
Vì thế, quy định này giúp doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng nguồn vốn hợp pháp bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện góp vốn đầu tư.
Bám sát nguyên tắc quy định tại Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi, dự thảo Thông tư quy định theo hướng việc góp vốn đầu tư bằng tiền của đối tác Việt Nam trong doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp dưới hình thức chuyển khoản.
Ngoài ra, như được đề cập trên, doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài BCC có thể mở tài khoản vốn đầu tư bằng VNĐ; quy định này nhằm hướng dẫn việc góp vốn đầu tư bằng VNĐ của nhà đầu tư; theo đó: Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam; được sử dụng các nguồn thu hợp pháp từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện hoạt động tái đầu tư tại Việt Nam. Quy định này góp phần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn đầu tư, giải quyết được vướng mắc khó khăn phát sinh thực tế trong thời gian qua.
Về nội dung hướng dẫn về các giao dịch thu/chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại dự thảo Thông tư được dựa trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định 160. Cụ thể, nhấn mạnh nguyên tắc thu, chi dưới hình thức chuyển khoản đối với các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện thông qua tài khoản này.
Quy định này là cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu báo cáo thống kê liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, góp phần quản lý minh bạch các dòng tiền liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ doanh nghiệp FDI được sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch rút vốn, trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài; Quy định này nhằm mục đích quản lý thống nhất tổng vốn đầu tư (vốn vay + vốn góp) của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đây cũng là cơ sở để xây dựng chỉ tiêu báo cáo thống kê liên quan đến luống vốn vay nước ngoài của khu vực doanh nghiệp FDI.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài vốn điều lệ, vốn đầu tư trực tiếp, vốn tái đầu tư, vốn thanh lý dự án đầu tư do hết thời hạn hoạt động hoặc giải thể trước hạn), vốn chuyển nhượng dự án đầu tư, lãi và chi phí vay nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp; trừ một số trường hợp đặc biệt, như:
(i) Thanh toán chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam giữa nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú trong doanh nghiệp FDI.
(ii) Doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài BCC phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp do chấm dứt hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (thanh lý, giải thể doanh nghiêp trước hạn) hoặc do thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư làm thay đổi pháp nhân ban đầu của doanh nghiệp FDI.
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc chuyển tiền vào/ra Việt Nam trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà đầu tư nước ngoài để phục vụ mục đích thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Theo đó:
(i) Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng các chi phí hợp pháp cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam thông qua tài khoản tiền gửi mở tại tổ chức tín dụng được phép.
(ii) Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, việc hạch toán các khoản chi phí trước thành lập của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành vốn góp hoặc vốn vay nước ngoài được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hạch toán kế toán, quy định hiện hành về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
(iii) Trường hợp không sử dụng hết số vốn đầu tư đã chuyển vào Việt Nam hoặc không thành lập được doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ và chuyển phần vốn còn lại ra nước ngoài khi có chứng từ hợp lệ chứng minh các khoản vốn đầu tư đã chuyển vào Việt Nam và các khoản chi phát sinh hợp pháp liên quan đến việc chuẩn bị dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
(iv) Số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt quá số vốn đầu tư đã chuyển vào Việt Nam và khoản tiền lãi không kỳ hạn phát sinh (nếu có).