Nhiều tiềm năng bứt tốc xuất khẩu
Dù còn nhiều thách thức khi xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau của các nước, hay việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt... sẽ còn ảnh hưởng tới giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu, tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 có thể đạt kỷ lục mới.
Triển vọng tăng tốc
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt 176,7 tỷ USD, tăng 14,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,6%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,6 tỷ USD, tăng 15,8%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 xuất siêu 1,5 tỷ USD. Sang tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,07 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine...”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói và cho rằng, kết quả này đã tiếp nối đà tăng trưởng từ quý IV/2021 sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành. Các rào cản được tháo gỡ, sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Với những kết quả đạt được, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân) dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ đạt kỷ lục, ở mức 750 tỷ USD. Vị chuyên gia cho rằng, dù còn nhiều thách thức, nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một mục tiêu xuất khẩu mới.
Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1/1/2022, hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn đang được hỗ trợ rất tích cực.
Đánh giá chi tiết, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong quý II/2022, dự báo bối cảnh tình hình trong và ngoài nước vẫn có tác động thuận lợi và khó khăn đan xen đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Về thuận lợi, thị trường xuất khẩu tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng tại một số quốc gia đang được triển khai, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu dự báo gặp một số khó khăn như giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất; giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao... Ngoài ra, xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau của các nước, hay việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero COVID” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt... sẽ còn ảnh hưởng tới giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Dọn đường” ra sao?
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2022, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Đại diện Bộ Công thương chia sẻ, để bứt tốc trong xuất khẩu, Bộ Công thương đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển thị trường xuất khẩu. Đó là, tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA thế hệ mới; tổ chức theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp; tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.
Đồng thời, bộ cũng đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; nâng cao năng lực triển khai hoạt động XTTM trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác XTTM để phù hợp với tình hình mới.
Ông Hải cũng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, các thông tin về xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng rất được quan tâm. Do đó, Bộ Công thương đã biên soạn rất nhiều các tài liệu, ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường mới như khu vực Trung Đông, khu vực Mỹ latin. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ có một cẩm nang để hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là một số những nỗ lực của Bộ Công thương trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.