Nhiều việc phải làm để đẩy mạnh xuất khẩu 2013
Năm 2012, bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước như kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đặc biệt là sự tăng vượt trội của khối doanh nghiệp FDI… cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, thì cũng còn không ít gam màu tối. Vì vậy, năm 2013, để đẩy mạnh xuất khẩu, vẫn còn nhiều việc phải làm...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2012, trừ thị trường châu Phi có kim ngạch xuất khẩu giảm còn lại các khu vực thị trường khác đều tăng, trong đó thị trường châu Đại Dương tăng cao nhất, ước tăng 26%, tiếp đó đến thị trường châu Á ước tăng 23%, thị trường châu Âu ước tăng 17%, thị trường châu Mỹ ước tăng gần 16% và thị trường châu Phi giảm 10%. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chưa có nhiều chuyển dịch tích cực, chủ yếu vẫn là những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...
Mặc dù, theo Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Phan Văn Chinh, trong những năm gần đây, các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều có mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao, do các doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, trong năm qua, xuất khẩu sang khu vực thị trường các nước ASEAN tăng 27%, Nhật Bản tăng 25%, Trung Quốc tăng 17%, Hàn Quốc tăng 18%. Tính riêng kim ngạch xuất khẩu có sử dụng chứng nhận xuất xứ trong năm 2012 đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 23%, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm 33%/tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Tuy nhiên, nếu so với các nước thì khả năng tận dụng ưu đãi xuất xứ của chúng ta vẫn hạn chế hơn, do 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, không ít doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa thực sự quan tâm đến chương trình ưu đãi về thuế quan, khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội được hưởng về thuế, khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, mặc dù Bộ Công Thương đã quan tâm hướng dẫn cấp chứng nhận điện tử, nhưng Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống này.
Thứ ba, việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất để đáp ứng tiêu chí về xuất xứ diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Do đó hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường chưa phục hồi. Thêm vào đó là phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu của nhiều ngành hàng vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu. Chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, một số ngành hàng xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu. Gần đây nhất là việc Liên minh tôm vùng Vịnh của Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với “mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh” nhập khẩu từ 7 quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh, với kinh nghiệm qua các vụ kiện trước đây, chủ trì chương trình chống kiện, chủ động trong việc chọn và thuê luật sư nước ngoài và phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đối phó vụ kiện này.
Năm 2013, ngành Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 126 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012. Tuy nhiên, với không ít khó khăn, thách thức khách quan từ bên ngoài và tồn tại ở trong nước thì để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và toàn ngành Công Thương.