Nhìn lại diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm và khuyến nghị cho những tháng cuối năm (*)
(Tài chính) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 so với tháng 12/2012 tăng 2,4%, đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ hàng chục năm qua.
Những đặc trưng của CPI 6 tháng đầu năm
Theo các chuyên gia kinh tế, CPI 2 tháng đầu năm tăng cao (tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%) do tác động của nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán; sau đó là giảm hoặc tăng nhẹ đan xen trong 4 tháng còn lại của 6 tháng đầu năm. Đây là hiện tượng khác biệt so với xu thế diễn biến của các năm kinh tế phát triển bình thường.
Trong 11 nhóm hàng tính CPI thì 9 nhóm có CPI tăng, chỉ có 2 nhóm có CPI giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,05%), bưu chính Viễn thông (giảm 0,48%). Trong 9 nhóm hàng có CPI tăng thì nhóm có chỉ số tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,88% (trong đó dịch vụ y tế tăng 17,39%); tiếp đến là may mặc, giầy dép và mũ nón tăng 3,85%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,69%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,46%, đồ dùng và dịch vụ khác: tăng 2,55%.
Nếu xem xét từ tỷ trọng trong cơ cấu tính CPI tăng 2,4% có 1 nhóm hàng liên quan đến sự can thiệp giá trực tiếp của Nhà nước đóng góp khá lớn vào mức tăng chung đó là thuốc và dịch vụ y tế (0,77%), đóng góp 32% vào mức tăng CPI chung.
Đáng lưu ý là giá lương thực giảm 2,23% đóng góp vào mức giảm trong chỉ số chung là 0,18% để không kích chỉ số chung tăng cao, có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại tạo ra bất lợi cho người sản xuất.
Mức tăng CPI 6 tháng đầu năm như trên là mức tăng được kiềm chế, phù hợp với mục tiêu đề ra về kiểm soát lạm phát của Nhà nước. Kết quả trên đạt được nhờ có chủ trương đúng, điều hành thận trọng, nhất quán của Nhà nước; có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, chỉ số CPI không tăng cao trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi có nhiều nguyên nhân: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân của điều hành và nguyên nhân do khó khăn nội tại của nền kinh tế tác động. Cụ thể:
Thứ nhất, giá thế giới suy giảm. Theo số liệu của Tổng cụ Thống kê, CPI nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2013 giảm 2,56%, CPI xuất khẩu giảm 4,81% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp 6 tháng 2013 so với cùng kỳ 2012 có tăng 4,18%, nhưng chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản lại giảm 2,51%.
Thứ hai, tuy cung - cầu hàng hóa, dịch vụ cân đối, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá kể cả trong các dịp Lễ, Tết... nhưng do nền kinh tế phải điều chỉnh thích ứng với các giải pháp kiềm chế lạm phát, đối mặt với tình hình kinh tế suy giảm... nên sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng hóa khó tiêu thụ; tồn kho ở mức cao, kéo dài; nợ xấu chậm được xử lý...tạo thành những “điểm nghẽn” của tăng trưởng và kiềm chế giá không tăng cao...
Thứ ba, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức mua xã hội đạt thấp: Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ bằng 29,6% GDP; Tăng trưởng tín dụng khoảng 3,8% - 4%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 7,1% so với cuối năm 2012; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 4,9% thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012.
Thứ tư, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, tỷ giá cơ bản được bình ổn (chỉ tăng nhẹ 0,84%), dự trữ ngoại hối tăng cao (khoảng 12 tuần nhập khẩu), mặt bằng lãi suất vận động trong xu thế giảm thấp dần.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ chi tiêu từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm đúng chế độ quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.
5 khuyến nghị
Theo nhận định chung, CPI của 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh đang dần phục hồi, tổng cầu được cải thiện... Tuy nhiên, nhìn chung, mục tiêu kiểm soát CPI cả năm 2013 tăng dưới 8% có thể đạt được mặc dù nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn những rủi ro tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô như: tồn kho, nợ xấu, tín dụng theo xu hướng tăng lên, điều chỉnh tăng lương tối thiểu...
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài việc phải tiếp tục tiến hành các giải pháp căn cơ để xử lý nguyên nhân sâu xa của lạm phát là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, thì những tháng cuối năm, Nhà nước phải tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp lớn như sau:
Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; áp dụng ngay và có hiệu quả các biện pháp xử lý khai thông “điểm nghẽn” hiện nay của nền kinh tế là tăng tổng cầu, giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho.
Hai là, điều hành mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với mục tiêu cả năm đi đôi với việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng.
Tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát. Nhất quán thực hiện các biện pháp bình ổn tỷ giá hối đoái bảo đảm tính thanh khoản của ngân hàng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vàng.
Ba là, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ linh hoạt gắn kết với chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Thực hiện đúng nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi; đẩy mạnh đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công theo kế hoạch. Giữ mức bội chi ngân sách theo mục tiêu Quốc hội đặt ra (không quá 4,8% GDP).
Tiếp tục áp dụng các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.
Bốn là, kiên trì chủ trương quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu của thị trường và phù hợp với quy định của pháp luật. Nhà nước chủ yếu áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp vĩ mô (điều hòa cung - cầu hàng hóa, tiền tệ, tài khóa...) để tác động vào vận động của mặt bằng giá theo quy định của Luật giá nhằm bình ổn giá theo mục tiêu.
Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá: điện, nước, dịch vụ công về y tế giáo dục... nhưng phải phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô từng giai đoạn, đi đôi với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách...
Tăng cường quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá.
Năm là, tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, vòng vèo, lũng đoạn thị trường. Đặc biệt cần chú ý tổ chức lại thị trường nông sản theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nâng đỡ giá nông sản trong giai đoạn hiện nay.
(*) Bài viết được trích lược từ Kỷ yếu hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.