Nhìn lại kết quả tái cơ cấu SCB sau 3 năm hợp nhất

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Được thành lập từ việc hợp nhất 3 Tổ chức tín dụng là SCB, Ficombank, TinNghia Bank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là trường hợp đầu tiên khơi mào cho làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng khi NHNN đẩy mạnh chủ trương tái cơ cấu ngành. Sau hợp nhất vào đầu năm 2012, SCB đã gặp rất nhiều khó khăn khi có tỷ lệ nợ xấu rất cao và trạng thái vàng âm có thể khiến SCB lỗ tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhìn lại kết quả tái cơ cấu SCB sau 3 năm hợp nhất
Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaonganhang.vn

Thế nhưng, dưới sự giám sát của NHNN và với sự nỗ lực tự thân rất lớn, SCB đã sớm bắt tay vào việc tái cơ cấu và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan dưới sự chỉ đạo của NHNN theo đề án đã được phê duyệt.

Do đây là trường hợp mở đầu cho quá trình M&A trong chủ trương tái cơ cấu ngành nên NHNN đã có sự giám sát và định hướng chặt chẽ đối với SCB. Dưới sự hỗ trợ của NHNN được xem như là vai trò đầu tàu, SCB đã đạt được những kết quả nhất định sau một quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu.

Cụ thể, SCB đã từng bước vượt qua khó khăn khi ngân hàng này đã sớm hoàn tất việc trả khoản vay tái cấp vốn 20.000 tỷ đồng vào tháng 9/2013, hoàn tất việc tất toán trạng thái vàng âm, cải thiện tích cực các chỉ số an toàn hoạt động, tiếp tục phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ đa dạng để phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức. 

Đáng chú ý, SCB đã nhanh chóng kiểm soát được nợ xấu khi từng bước giảm dần và đưa tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng quy định an toàn của ngành là 3%, với nhiều biện pháp xử lý đa dạng và phù hợp. Có thể nói, một trường hợp điển hình về xử lý nợ xấu trong thời kỳ hậu M&A phải kể đến là SCB, với tổng khối lượng nợ xấu bán cho VAMC đến nay đã đạt đến con số 6.000 tỷ đồng (dự kiến SCB sẽ bán tiếp khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những tháng cuối của năm 2014.

“Lợi thế của SCB là tất cả các khoản nợ đều được đảm bảo bằng tài sản. Nhưng với nền kinh tế hiện tại, việc xử lý tài sản cũng không hề dễ dàng”, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB chia sẻ. Song song với việc bán một khối lượng nợ xấu lớn cho VAMC, SCB tăng cường trích dự phòng rủi ro, đồng thời tích cực và chủ động trong việc xử lý nợ xấu, kể cả sau khi bán cho VAMC. Giải pháp xử lý nợ mà SCB sử dụng là bán nợ cho ngân hàng bạn và các chủ đầu tư.

Cụ thể, đối với những dự án bất động sản đang xây dở dang, chủ đầu tư thiếu vốn không thể tiếp tục thực hiện dự án, theo ông Văn, SCB sẽ rao bán, chuyển nhượng những dự án này cho ngân hàng khác có nhu cầu thu mua. Việc này giúp SCB chuyển hóa được nợ thành tiền nhanh chóng nhất. Phương án thứ hai cũng được ngân hàng đẩy nhanh tiến độ là bán dự án bất động sản cho chủ đầu tư khác. Thời gian qua, SCB làm việc với nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước để bán những dự án đang xây dựng cho họ, thu hồi vốn.

Bên cạnh việc tăng cường xử lý nợ xấu, tất toán trạng thái vàng và tái cấp vốn được hoàn trả thì nợ liên ngân hàng cũng được SCB giải quyết phần lớn trong thời gian tái cơ cấu 2 năm đầu, nợ liên ngân hàng được trả ròng. Chính những kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu đã tăng thêm sức mạnh cho SCB khi dần củng cố niềm tin đối với cổ đông.

Vì thế, mặc dù đang trong quá trình tái cấu trúc, nhưng năm qua SCB cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm 1.711 tỷ đồng, để nâng vốn lên trên 12.000 tỷ đồng cuối năm 2013 và có kế hoạch tăng thêm 2.000 tỷ đồng trong năm nay. Điều đó cho thấy, trong khó khăn nhưng các cổ đông của SCB đã có cố gắng, nỗ lực và cam kết vững chắc trong việc cùng ngân hàng tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, trích dự phòng… cho dù lợi nhuận trước thuế thu về trong hai năm 2012, 2013 là chưa thật sự cao.

6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế SCB đạt 123 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2013. Với mức lợi nhuận này, SCB đã hoàn thành 102% kế hoạch năm 2014, xuất phát từ việc kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả và cải thiện kết quả kinh doanh của tất cả các mảng hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để SCB tiếp tục triển khai và hoàn thành các kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2014. Có thể nói, với sự nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng sản phẩm dịch vụ đi kèm việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, SCB đã gặt hái không ít thành quả trong 6 tháng đầu năm 2014.

Dư nợ của SCB đạt 95.952 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Trong đó, ngay từ đầu năm 2014, SCB đã chú trọng triển khai cho vay đối với các ngành nghề ưu tiên cũng như xây dựng chính sách ưu đãi hợp lý, đặc biệt là chính sách lãi suất đối với các đối tượng này. SCB đã cho vay mới đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là 1.482 tỷ đồng, trong đó, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 476 tỷ đồng.

Bên cạnh công tác phát triển tín dụng, SCB cũng chú trọng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng trong mức quy định. Đồng thời, SCB cũng tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về phân loại nợ và trích lập rủi ro theo Thông tư 02, Thông tư 09.

Hệ thống phê duyệt tín dụng của SCB tập trung được áp dụng giúp rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay cho khách hàng, tăng cường hơn nữa khả năng quản trị rủi ro, giảm nợ xấu và nâng cao hiệu quả trong hoạt động và kinh doanh. Về huy động, SCB đặt kế hoạch huy động khách hàng tăng 28% lên gần 188,100 tỷ đồng năm nay. Về chỉ tiêu tổng tài sản, SCB đặt kế hoạch tăng 31% so với cuối năm 2013 lên 237,870 tỷ đồng.

Ông Võ Tấn Hoàng cho rằng, chính những kết quả đạt được nói trên đã giúp SCB dần khôi phục được hoạt kinh doanh bình thường và mở rộng hoạt động kinh doanh như: phát triển sản phẩm mới, thậm chí mở rộng mạng lưới hoạt động ở một số tỉnh, thành ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều đó cũng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho SCB trong việc tái cơ cấu ở năm 2014 này. Đây là năm thứ 3 SCB thực hiện giai đoạn tái cơ cấu và cũng là năm cuối của đề án tái cơ cấu toàn diện.

Trong mắt nhà đầu tư và cổ đông, việc SCB tích cực, nỗ lực giảm được nợ xấu về dưới ngưỡng an toàn 3% trong bối cảnh thị trường khó khăn và hoàn tất trả nợ tái cấp vốn, trả nợ liên ngân hàng, tất toán vàng… là rất quan trọng. Điều đó cũng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho SCB trong việc tái cơ cấu. Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất của SCB đã qua và thị trường đã có cái nhìn tích cực và tin tưởng về SCB.

Nhưng điều quan trọng nhất là qua SCB, thị trường, nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng cũng có thể thấy được vai trò của NHNN trong việc hỗ trợ các ngân hàng tái cấu trúc, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường, từ đó, tạo được sự ổn định cho toàn hệ thống NHTM Việt Nam.