Tình hình thu chi ngân sách năm 2013

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhằm thực hiện tốt dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 và các nhiệm vụ khác, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động qua Quyết định số 128/QĐ-BTC nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Quan điểm chủ đạo trong điều hành chính sách tài khóa năm 2013 được thể hiện trong Nghị quyết của Chính phủ là thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, phấn đấu tăng thu và tiết kiệm chi NSNN. Đây là những giải pháp kịp thời đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2013.

Theo ước tính sơ bộ cuối tháng 12/2013 của cơ quan thống kê, tổng thu NSNN năm 2013 ước đạt hơn 816.800 tỷ đồng, 101% dự toán năm, tăng xấp xỉ gần 10% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó:

+ Thu nội địa ước đạt 530.000 tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán năm. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 159.300 tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán năm; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 111.200 tỷ đồng, bằng 103,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 110.200 tỷ đồng, bằng 91,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 45.800 tỷ đồng, bằng 83,4%; thu thuế bảo vệ môi trường 11.700 tỷ đồng, bằng 81,5%; thu phí, lệ phí 15.200 tỷ đồng, bằng 146,5%. Thu từ giao quyền sử dụng đất đạt 39.200 tỷ đồng, bằng dự toán và chỉ bằng 86,9% cùng kỳ năm 2012.

+ Thu từ dầu thô cả năm 2013 ước đạt 115.000 tỷ đồng, đạt 102,68% dự toán.

+ Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 140.800 tỷ đồng, bằng 84,6% dự toán năm và chỉ bằng 94,4% của năm 2012. Thu từ hoạt động ngoại thương giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động mạnh từ sự sụt giảm mạnh nhập khẩu các hàng hóa có số thu thuế cao như ô tô và việc cắt giảm các dòng thuế theo yêu cầu của WTO. Năm 2013, Việt Nam đã cắt giảm 214 dòng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết WTO...

Nhìn lại năm tài khóa 2013 và những vấn đề đặt ra cho năm 2014 - Ảnh 1

Có thể thấy, thu NSNN vượt dự toán khoảng 1%. Sự sụt giảm mạnh của hầu hết các nguồn thu (ngoại trừ thu từ dầu khí) khiến cho nhiệm vụ thu NSNN 2013 theo dự toán là rất khó khăn, dù đã có sự chỉ đạo và đôn đốc thu quyết liệt từ Bộ Tài chính. Ngân sách cũng đạt nhiệm vụ thu nhờ vào việc Chính phủ thu trên 20.000 tỷ từ khoản vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vượt thu từ tiền sử dụng đất (ước đạt 42.500 tỷ so với dự toán là 39.000 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính của việc thu NSNN năm 2013 gặp nhiều thử thách là tình hình kinh tế khó khăn. Hình 2 cho thấy, dự toán NSNN năm 2013 đã được kỳ vọng quá lớn so với thực trạng nền kinh tế. Nếu chỉ xét về góc độ tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước thì kết quả thu NSNN 2013 có thể được coi là khả quan (năm 2009 thu cân đối NSNN chỉ tăng 5,6%, năm 2012 tăng 2,9%).

Tổng chi NSNN năm 2013 ước tính đạt 986.200 tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm; Năm thứ 2 liên tiếp chi NSNN gần như bằng dự toán. Đây có thể coi là thành công của việc thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm và là hướng đi đúng đắn cần tiếp tục triển khai, nhân rộng trong những năm tới.

So với dữ liệu tương ứng của giai đoạn 2005 - 2011 thì kết quả thực hiện chi NSNN so với dự toán là rất đáng khả quan (xem hình 3). Điều này phản ánh việc ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm đã có tác dụng nhất định đến chi tiêu ngân sách năm 2013.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển năm 2013 đạt 201.600 tỷ đồng, bằng 115,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 196.300 tỷ đồng, bằng 115,4%); Chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 679.600 tỷ đồng, bằng 100,8%; Chi trả nợ và viện trợ 105.000 tỷ đồng, bằng 100%.

Tóm lại, về cơ bản việc thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN 2013 là khá tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy tốc độ tăng chi đầu tư vẫn khá cao so với dự toán (ước vượt 15% dự toán năm).

Tháng 11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán NSNN năm 2013 và dự toán NSNN năm 2014, trong đó, trần bội chi NSNN cho 2 năm được nâng lên 5,3% GDP. Quốc hội đồng ý giao Chính phủ nâng mức bội chi NSNN năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng không quá 195 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện).

Đánh giá về tình hình thu chi NSNN năm 2013, có thể rút ra một vài bài học:

Một là, sự chỉ đạo điều hành kịp thời với những thay đổi của tình hình kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự toán NSNN. Bộ Tài chính với việc ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP là lý do quan trọng giải thích cho những nỗ lực vượt khó của năm tài khóa năm 2013.

Hai là, ngay trong bối cảnh khó khăn kinh tế thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; Triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới cần đặc biệt được quan tâm.

Ba là, cần điều chỉnh việc lập dự toán NSNN phù hợp với những thay đổi dự kiến của tình hình kinh tế, nhất là biến động về tăng trưởng GDP, ngoại thương và giá cả.

Nhìn lại năm tài khóa 2013 và những vấn đề đặt ra cho năm 2014 - Ảnh 2

Bốn là, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành rà soát toàn bộ các dự án đầu tư để có các biện pháp xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả.

Những vấn đề đặt ra trong năm 2014

Theo dự toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội phê chuẩn, số thu ngân sách là 782.700 tỷ đồng, số chi là 1.006.700 tỷ đồng và bội chi dự kiến là 224.000 tỷ đồng - tương đương 5,3% GDP. Trong bối cảnh kinh tế năm 2014, việc thực hiện dự toán này sẽ phải giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN. Kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc khá lớn vào tình hình biến động của kinh tế thế giới (độ mở của nền kinh tế tính theo quy mô ngoại thương/ GDP trong giai đoạn gần đây lên đến 150%). Tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Do đó, khi kinh tế thế giới còn khó khăn thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Nhìn lại năm tài khóa 2013 và những vấn đề đặt ra cho năm 2014 - Ảnh 3

Thứ hai, nguồn thu giảm do thay đổi chính sách thuế. Theo Luật thuế TNDN đã được Quốc hội thông qua thì từ 1/1/2014, thuế suất thuế TNDN sẽ chỉ còn 22% so với 25% hiện nay. Thu thuế xuất nhập khẩu cũng có thể giảm đi khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập WTO và cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014.

Thứ ba, thực hiện chi tiêu NSNN tiết kiệm, hiệu quả. Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện tiết kiệm chi tiêu từ NSNN năm 2014 cũng không dễ, do:

(i) Các biện pháp tiết kiệm chi tiêu đã được áp dụng nên sẽ khó có thể tiết kiệm NSNN hơn nữa khi chưa có sự thay đổi mạnh về hệ thống và cơ chế chi tiêu. Hơn nữa, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục duy trì các khoản chi vì mục đích an sinh xã hội để hỗ trợ người dân trong tình hình kinh tế khó khăn;

(ii) Với chi tiêu cho đầu tư, hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thế lưỡng nan. Nếu tiếp tục duy trì đầu tư công ở mức cao để hỗ trợ tăng trưởng thì sẽ phải chấp nhận bội chi ngân sách lớn hơn và nợ công tăng lên. Nếu chấp nhận cắt giảm mạnh đầu tư công để giảm thâm hụt NSNN thì cần chấp nhận tăng trưởng giảm sút, tình trạng việc làm khó khăn. Do vậy, cần chấp nhận sự đánh đổi lợi ích – chi phí trong việc lựa chọn biện pháp trong ngắn hạn. Việc lựa chọn cách nào cũng cần phải có truyền thông, phổ biến rộng rãi để tạo sự đồng thuận khi thực hiện.

Thứ tư, vấn đề vay nợ và hiệu ứng lấn át. Nhằm bù đắp số tuyệt đối bội chi cao thì chúng ta buộc phải phát hành trái phiếu chính phủ huy động vốn trong nước nhiều hơn. Mặc dù, không in tiền trực tiếp để bù đắp bội chi ngân sách nhưng cách thức các ngân hàng thương mại hiện nay mua trái phiếu chính phủ rồi sử dụng nó để xin tái cấp vốn cũng làm tăng cung tiền cho nền kinh tế. Hệ quả là nền kinh tế có thể vẫn sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát cao như các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra (Sargent và Wallace -1981). Hơn nữa, nếu Chính phủ vay nợ nhiều hơn cũng có nguy cơ tạo ra hiệu ứng lấn át với việc vay vốn của khu vực tư nhân. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành (2012) cho thấy việc tăng đầu tư công 1% sẽ làm giảm đầu tư tư nhân 0,48%.

Mặc dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết song việc thực hiện NSNN năm 2014 cũng có một số dấu hiệu tích cực như:

(i) Tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ khởi sắc hơn căn cứ vào những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế năm 2013. Tình hình kinh tế thế giới năm 2014 cũng được kỳ vọng là sẽ được cải thiện (IMF 2013).

(ii) Dự báo thu ngân sách năm 2014 không tăng quá nhiều so với 2013. Năm 2014 dự báo số thu cân đối NSNN chỉ tăng 1% so với kết quả ước thực hiện 2013 nên việc hoàn thành dự toán thu là khả thi. Dự toán chi NSNN dự kiến cũng có thể tiếp tục được thực hiện tốt căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ chi 2 năm gần đây.

Với dự toán NSNN năm 2014 khá cao thì mặc dù có nhiều thuận lợi, Chính phủ cũng sẽ cần vượt qua nhiều thách thức để có thể hoàn thành tốt năm tài khóa 2014. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có sự theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, xã hội và những giải pháp kịp thời, phù hợp của Chính phủ và Bộ Tài chính.

 Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính – Dự toán, Quyết toán NSNN (nhiều năm);

2. Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ;

3. IMF (2013)–Transition and Tension–World Economic Outlook Report, Dec. 2013;

4. Vũ Sỹ Cường (2012) “Quan hệ giữa lập dự toán và thực hiện NSNN với lạm phát” – Tạp chí Ngân hàng số 2/2012.

Nhìn lại năm tài khóa 2013 và những vấn đề đặt ra cho năm 2014

TS. VŨ SỸ CƯỜNG - Học viện Tài chính

(Tài chính) Cùng với quyết tâm cao độ của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, hoạt động tài chính – ngân sách năm 2013 đã vượt qua nhiều khó khăn, đảm bảo thu - chi ngân sách theo đúng mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Năm 2014, dự báo nền kinh tế còn nhiều thách thức, nhiệm vụ thu – chi ngân sách đặt ra với ngành Tài chính rất nặng nề, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu ích để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra…

Xem thêm

Video nổi bật