Về chính sách thuế
Trong giai đoạn từ năm 2008 – 2013, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hỗ trợ thị trường, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và áp dụng nhiều giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế. Cụ thể, năm 2008 – 2009, thực hiện giảm 30% và giãn số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp của một số quý của năm 2008 và cả năm 2009 cho DN nhỏ và vừa, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công, chế biến nông, lâm thủy sản, dệt may, gia dày…; Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào của sản xuất, vật liệu xây dựng… Tổng số tiền thuế, lệ phí được giảm, giãn hơn 34.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế TNDN được giảm, giãn là 21.630 tỷ đồng; thuế GTGT là 9.256 tỷ đồng; lệ phí trước bạ là 3.366 tỷ đồng.
Thực hiện giãn thời hạn nộp thuế TNDN của năm 2010 cho các DN nhỏ và vừa và đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công dệt, may, da, giầy. Theo đó, tổng số DN được giãn thuế trong năm 2010 là 163.783 DN với số thuế được giãn nộp là 20.104 tỷ đồng; Năm 2011, thực hiện giảm 30% và giãn số thuế TNDN phải nộp cho DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực sản xuất; miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ một số hoạt động khác của cá nhân… Số tiền thuế được miễn, giảm, giãn là 5.607 tỷ đồng.
Năm 2012, thực hiện giảm 30% và giãn số thuế TNDN cho các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực sản xuất, gia công chế biến; Miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ một số hoạt động kinh doanh của cá nhân. Các giải pháp miễn, giảm thuế này đã hỗ trợ cho các DN năm 2012 là 2.468 tỷ đồng tiền thuế TNDN (trong đó có 197.719 DN nhỏ và vừa được giảm thuế với tổng số tiền là 1.827 tỷ đồng và 892 DN sử dụng nhiều lao động được giảm thuế với tổng tiền là 640 tỷ đồng); Miễn 62,4 tỷ đồng tiền thuế TNDN và thuế GTGT (1,4 tỷ đồng từ thuế TNDN và 61 tỷ đồng tiền thuế GTGT) cho tổ chức, DN cá nhân tham gia ổn định sản xuất kinh doanh và khoảng 1.388 tỷ đồng thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2012 cho cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh.
Năm 2013, giãn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với DN có quy mô nhỏ và vừa; miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế TNCN) và thuế TNDN đối với hộ, cá nhân và tổ chức kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, sinh viên… Tổng số tiền được gia hạn là 9.326 tỷ đồng (chưa bao gồm số tiền thuế được miễn, giảm).
Năm 2014, tiếp tục thực hiện việc miễn thuế khoán và thuế TNDN đối với hộ cá nhân và tổ chức kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh…
Về chính sách tài chính đối với đất đai
Từ năm 2012 – 2014, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường; Liên quan đến các giải pháp tài chính gắn với đất đai, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với DN, tổ chức và cá nhân.
Theo đó, giảm 50% tiền thuế đất phải nộp đối với một số tổ chức kinh tế. Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính.
Năm 2012, thực hiện giảm 530 tỷ đồng tiền thuê đất cho tổ chức, DN, cá nhân và gia hạn 4.177 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Tiếp đến, năm 2013, giảm 2.717,4 tỷ đồng tiền thuê đất cho 8.546 DN, tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân; gia hạn tiền sử dụng đất cho 113 DN và tổ chức và tổ chức kinh tế với tổng số tiền được gia hạn 2.167,6 tỷ đồng. Trong năm 2014, tiếp tục thực hiện một số giải pháp: (i) Giảm 50% tiền thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà số tiền thuê đất phải xác định lại 01/3/2011l; (ii) Hết thời hạn được miễn tiền thuê đất và phải xác định ổn định đơn giá thuê đất từ ngày 01/1/2011 đến trước ngày 01/3/2011…
Về chính sách hỗ trợ tín dụng
Để giải quyết bài toán khó khăn về vốn của DN, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 thay thế Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa với nhiều quy định tạo thuận lợi hơn cho DN như: Giảm mức bắt buộc về tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu từ 30% xuống mức 15% giá trị khoản vay; Quỹ có thể cấp bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ thay vì tối đa bằng 80% phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của bên được bảo lãnh tại tổ chức tín dụng được quy định trước đây…
Qua quá trình thực hiện văn bản trên, đến nay đã có 11 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa với doanh số bảo lãnh của các Quỹ này lũy kế từ năm 2002 đến hết ngày 31/12/2014 khoảng 3.576 tỷ đồng, thực hiện bảo lãnh cho hàng nghìn DN nhỏ và vừa được vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), tính đến hết ngày 31/12/2013 đã có trên 2.520 lượt DN, hợp tác xã có nhu cầu bảo lãnh vay vốn đề nghị VDB bảo lãnh vay vốn của ngân hàng thương mại với giá trị vốn vay 16.050 tỷ đồng. VDB đã chấp thuận bảo lãnh cho 1.951 lượt DN với giá trị vốn vay chấp thuận bảo lãnh là 15.317 tỷ đồng.
Một số vấn đề đặt ra
Trên cơ sở những giải pháp đã triển khai, thực hiện trên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về chính sách tài chính cho DN, thời gian tới, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hệ thống chính sách thuế cần tiếp tục đổi mới theo hướng phù hợp với mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là phải xây dựng chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Công tác điều hành xây dựng chính sách thuế, đặc biệt là chính sách thuế xuất, nhập khẩu tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt, vừa phù hợp với cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vừa bảo đảm bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có điều kiện đối với sản xuất trong nước. Cùng với đó, tập trung xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức cá nhân nộp thuế; Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế trên cơ sở triển khai mở rộng dịch vụ điện tử, tạo thuận lợi và giảm thời gian của người nộp thuế.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách hỗ trợ tín dụng của Nhà nước tập trung vào triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với các DN, đặc biệt là các DN sản xuất, phục vụ xuất khẩu.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DN, đặc biệt là DN nhà nước; sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý tài chính DN.
Thứ tư, các cơ quan bộ, ngành cần tăng cường các cuộc đối thoại với DN, nhằm trao đổi, giải đáp và cùng nhau tháo gỡ vướng mắc của DN. Các cơ quan thuế, hải quan ở địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN định kỳ (hàng tháng/quý) để hỗ trợ kịp thời cho DN trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, hải quan.
Tóm lại, thông qua các giải pháp tài chính đã tạo động lực cho DN tận dụng cơ hội mới về chính sách, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước và đảm bảo tài chính lành mạnh.
Nhìn lại những giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
(Tài chính) Để kịp thời hỗ trợ và sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xem thêm