Nhìn nhận về an ninh trong thanh toán số
Trong bối cảnh tình hình an ninh công nghệ có những diễn biến phức tạp, NHNN đặc biệt chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tăng cường công tác an ninh CNTT, an toàn trong lĩnh vực thanh toán, đảm bảo đủ sức ứng phó với các rủi ro, thách thức về an ninh thông tin trên không gian mạng.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tổng giá trị giao dịch sử dụng các giải pháp thanh toán tại Việt Nam đạt 8,52 tỷ USD trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong giai đoạn 2019 - 2023 ước đạt bình quân 12,7%/năm, tương ứng với tổng giá trị giao dịch sử dụng các giải pháp thanh toán số đạt 13,74 tỷ USD vào năm 2023.
Báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN) cũng cho thấy, năm 2019 hoạt động thanh toán đạt nhiều kết quả ấn tượng qua những chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng từ hai đến ba con số. So với 11 tháng cùng kỳ của năm 2018, giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị giao dịch; giao dịch qua internet tăng 69,4% về số lượng và tăng 37,1% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 196,8% về số lượng và tăng 225,1% về giá trị...
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tính đến cuối tháng 11/2019 có số lượng giao dịch đạt gần 146.040 nghìn món tương ứng với 87.591 nghìn tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ 2018); bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380 nghìn tỷ đồng/ngày.
Những con số nêu trên cho thấy, lượng giao dịch TTKDTM đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Song đi cùng với đó cũng là thách thức an ninh, an toàn trong thanh toán số. Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện chỉ ra rằng bảo mật vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt.
Theo chuyên gia chia sẻ, một trong những rào cản lớn đối với sử dụng thanh toán số nằm ở vấn đề niềm tin của khách hàng về mức độ đáng tin cậy, bảo mật và an toàn của những nền tảng thanh toán mới như tiền điện tử, ví di động. Bởi thế, việc củng cố niềm tin người dùng vào những sản phẩm mới này là thách thức để phát triển tài chính toàn diện. Xu hướng phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái thanh toán số, đi cùng với sự đa dạng và phong phú của các loại hình thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ, có rủi ro gây ra sự nhiễu thông tin, phân vân cho khách hàng trong lựa chọn dịch vụ phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh trình độ, kiến thức tài chính của người dùng Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Như vậy, đòi hỏi đặt ra là phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng an ninh, đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán của các ngân hàng và đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký. Cụ thể như nhanh chóng phát triển và hoàn thiện hệ thống Tokenization (quy trình bảo mật tự động mã hóa số thẻ của khách hàng) và hạ tầng chuyển mạch thanh toán di động; phát triển hệ thống bảo mật, khắc phục các lỗ hổng an ninh...
Riêng đối với khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, với đặc thù tại các vùng quê, vùng xa, theo ý kiến của chuyên gia, các ngân hàng không cần lắp đặt quá nhiều cây ATM. Thay vào đó, cần tích cực tuyên truyền, tạo các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để người dân tăng cường giao dịch qua Internet. Đồng thời, phải có cơ chế bảo mật tốt, đảm bảo an toàn hình thức giao dịch này, giúp người dân yên tâm sử dụng, có chính sách tốt về phí sử dụng dịch vụ TTKDTM... để thu hút người dân.
Bên cạnh đó, NHNN cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý (agent banking), e-KYC (định danh khách hàng điện tử), tiền điện tử, mở rộng dịch vụ, phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua di động.
TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách thuộc Bộ Tài chính cho hay: Hạ tầng thanh toán ngay và thanh toán theo thời gian thực bao gồm tiền thuật toán, real-time clearing, app-to-app được coi là động lực cho sự rút ngắn về thời gian thanh toán và giảm chi phí thanh toán. “Các phương thức và hình thức xác thực mới như hình thức xác thực trực tiếp, không tiếp xúc (contactless), sinh trắc học, sử dụng trí thông minh nhân tạo, định vị địa lý giúp thuận tiện hơn cho người dùng và tăng tính bảo mật trong sử dụng dịch vụ số nói chung, thanh toán số nói riêng”, ông Lợi cho biết.
Trong bối cảnh tình hình an ninh công nghệ có những diễn biến phức tạp, NHNN đặc biệt chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tăng cường công tác an ninh CNTT, an toàn trong lĩnh vực thanh toán, đảm bảo đủ sức ứng phó với các rủi ro, thách thức về an ninh thông tin trên không gian mạng. Đồng thời cảnh báo kịp thời các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao; chỉ đạo, chấn chỉnh các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Quan tâm đầu tư, triển khai các giải pháp an ninh, bảo mật tương xứng với mức độ quan trọng và rủi ro của hệ thống thông tin, chú trọng tới các hệ thống thanh toán, hệ thống ngân hàng lõi và các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng đảm bảo duy trì hoạt động, nghiệp vụ liên tục, an toàn trước các rủi ro về CNTT và tấn công mạng cũng là một trong những yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.