Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa nền kinh tế trong nước của quốc gia lớn nhất châu Á đang phải đối mặt với những con gió ngược nhẹ, tờ Financial Times nhận định.
Theo số liệu thống kê từ chính phủ Trung Quốc, lượng hàng hóa vận chuyển của nước này trong tháng 11 đã tăng 12,7% so với một năm trước, cao hơn 7% so với dự đoán của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Blommberg và Reuters.
Chỉ một ngày sau thỏa thuận thương mại lịch sử của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ký tại Bali, Indonesia, Tổng cục Hải quan cho biết cán cân thương mại tích lũy trong 11 tháng đầu năm 2013 của Trung Quốc đã tăng lên 234 tỷ USD. Sự gia tăng trong xuất khẩu Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi nền kinh tế Mỹ cho thấy sự trở lại mạnh mẽ trong quý III năm nay, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,6%.
Nhà kinh tế tại ngân hàng Scotland RBS, ông Louis Kuijs, nhận định: "Có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ hoạt động và thương mại toàn cầu đang dần lấy lại động lực, chủ yếu nhờ sự phục hồi của các nước thu nhập cao. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang hưởng lợi lớn từ sự phục hồi đó".
Trong khi đó, ngân hàng Australia ANZ cũng cho rằng những con số xuất khẩu ấn tượng của Trung Quốc là nhờ nhu cầu đang được cải thiện của các nước phát triển. Lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 18%, một bước nhảy vọt so với tỷ lệ 8% trong tháng 10. Xuất khẩu sang thị trường EU cũng tăng 18% so với 13% trong tháng trước đó.
Bên cạnh xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu Trung Quốc cũng tăng 5,3% trong tháng 11. Theo đó, trong tháng 11, Trung Quốc nhập tổng số 23,57 triệu tấn dầu thô và 2,8 triệu tấn dầu thành phẩm. Tính chung từ đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 3% so với năm ngoái, trong đó các nhà nhập khẩu nước này được hưởng lợi từ giá dầu thô quốc tế giảm thấp.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi tính xác thực của các số liệu xuất nhập khẩu do Trung Quốc công bố, nguyên nhân xuất phát từ sự mâu thuẫn trong số liệu xuất khẩu do cơ quan hải quan cung cấp với số liệu được thống kê tại các địa điểm xuất khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Hồng Kông, một trong những tập trung một lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vô cùng lớn của Trung Quốc.
Những người chỉ trích cho rằng các công ty Trung Quốc đang sử dụng xuất nhập khẩu làm vỏ bọc ngụy trang cho các nguồn vốn chảy vào, nhằm trốn tránh hoạt động kiểm soát vốn của chính phủ. Thậm chí, các nhà xuất khẩu Trung Quốc còn bị nghi ngờ cố tình làm giả các đơn hàng để hưởng số tiền hoàn thuế.
Hôm 7/12 vừa qua, giới truyền thông Trung Quốc cho biết các cơ quan quản lý của nước này sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo chắc chắn rằng các doanh nghiệp trong nước đang sử dụng ngoại tệ thu được cho các giao dịch thương mại. Theo đó, Cục quản lý nhà nước về ngoại hối của Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát đối với các hoạt động kinh doanh tài chính thương mại của các ngân hàng nhằm kiềm chế các hoạt động tài chính giả mạo, đồng thời ngăn chặn hoạt động ngoại hối bất thường xuyên biên giới ở nước này, Tân Hoa Xã cho hay.