Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Luật Đấu thầu 2013 là một trong các đạo luật có nhiều tiến bộ nhất tại Việt Nam hiện nay, khi lần đầu tiên các quy định về đấu thầu ở nhiều lĩnh vực khác được quy về một mối thống nhất trong Luật này. Quy trình tổ chức đấu thầu đã được “mẫu hóa”, được các nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn đánh giá rất cao, bởi vì, điều này sẽ không gây lúng túng cho các bên liên quan khi tham gia đấu thầu, khách quan hơn trong quá trình triển khai thực hiện; nâng cao được tính minh bạch trong công tác đấu thầu, tạo dựng niềm tin cho nhà thầu ngoại khi đầu tư vào Việt Nam tăng.
Thực vậy, Luật Đấu thầu 2013 đã cơ bản giải quyết được những bất cập của hệ thống pháp luật về đấu thầu trước đó, tiệm cận với những thông lệ quốc tế, đưa công tác tổ chức đấu thầu đạt hiệu quả cao, hạn chế những rủi ro có khả năng xảy ra trong các dự án quy mô lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Quan trọng hơn là trong quy trình lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rất rõ về việc thương thảo hợp đồng, giúp cho bước thương thảo hợp đồng thực sự có ý nghĩa. Cụ thể là quy định này được xem như là một bước quan trọng phải được thực hiện trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và có tác dụng hoàn tất quá trình mời thầu, chào thầu vốn được coi là dự thảo hợp đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu.
Khắc phục nhiều lỗ hổng trong hoạt động đấu thầu
Thực tế trước đây, Luật Đấu thầu năm 2005 đã từng quy định, bước thương thảo, hoàn thiện hợp đồng sẽ được thực hiện sau khi phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu. Trường hợp việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư xem xét, lựa chọn nhà thầu xếp hạng tiếp theo; trường hợp các nhà thầu xếp hạng tiếp theo cũng không đáp ứng yêu cầu thì xem xét xử lý tình huống theo quy định. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn hoạt động đấu thầu tại nhiều đơn vị thời gian qua đã cho thấy, do việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng được thực hiện sau khi phê duyệt và thông báo kết quả đấu thầu nên trong nhiều trường hợp, thủ tục này chỉ được tiến hành một cách hình thức để hoàn thiện thủ tục trong đấu thầu. Nhiều chủ đầu tư không tổ chức nghiêm túc, đầy đủ quy trình việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Thậm chí, có những đơn vị không tiến hành thương thảo, mà chỉ xin mẫu biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng để điền cho đủ thủ tục.
Về phía nhà thầu, nhiều trường hợp do có tâm lý “cầm chắc” đã trúng thầu rồi, nên không coi trọng, không hợp tác khi thương thảo hợp đồng. Minh chứng là rất nhiều gói thầu đã thực hiện trong các năm qua cho thấy, giá trúng thầu cũng là giá của hợp đồng khi ký kết nên việc thương thảo hợp đồng gần như không có giá trị. Ngoài ra, việc thương thảo hợp đồng không được tiến hành nghiêm túc cũng rất dễ gây ra tình trạng những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, chưa thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu; giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu… không được phát hiện, thương thảo, thống nhất trước khi ký kết hợp đồng, có thể dẫn đến nảy sinh các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng...
Trên cơ sở khảo sát thuận lợi và khó khăn của hoạt động đấu thầu thời gian qua, Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có những giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, với tinh thần phải thương thảo hợp đồng xong dứt điểm mới trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, tại Điều 38 Luật Đấu thầu 2013 quy định: Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Với các hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, việc thương thảo hợp đồng cũng đều phải tiến hành trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
Luật Đấu thầu 2013 đã quy định các gói thầu bé sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ, còn các công trình cần năng lực cao thì dành cho các tập đoàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có trên 25% lao động là nữ, hoặc thương binh, người khuyết tật cũng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, quá trình thương thảo hợp đồng phải tuân thủ các quy định tại Điều 19, Nghị định 63/2014/ NĐ-CP. Theo đó, nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu. Việc thương thảo hợp đồng phải được thực hiện trên nguyên tắc: Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu; việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng, nếu phát hiện khối lượng mời thầu nêu trong bảng tiên lượng mời thầu thiếu so với hồ sơ thiết kế thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải bổ sung khối lượng công việc thiếu đó trên cơ sở đơn giá đã chào. Trường hợp trong hồ sơ dự thầu chưa có đơn giá thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp đơn giá nêu trong dự toán đã phê duyệt đối với khối lượng công việc thiếu so với hồ sơ thiết kế hoặc đơn giá của nhà thầu khác đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật nếu đơn giá này thấp hơn đơn giá đã phê duyệt trong dự toán gói thầu… Trường hợp thương thảo hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo. Trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2013.
Thêm nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp
Theo phân tích của ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển, trong số các đạo luật được xây dựng cùng thời điểm, Luật Đấu thầu 2013 có những điểm đột phá, cởi mở và tác động hỗ trợ mạnh mẽ tới 97% doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ đang hoạt động hiện nay. Cụ thể, Luật Đấu thầu 2013 đã quy định các gói thầu bé sẽ ưu tiên cho DN nhỏ làm, còn các công trình cần năng lực lớn thì dành cho các tập đoàn. Bên cạnh đó, DN có trên 25% lao động là nữ, hoặc thương binh, người khuyết tật cũng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước cung cấp các dịch vụ tư vấn, phi tư vấn và xây lắp...
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng bỏ thầu giá rẻ nhưng không đủ năng lực, Luật Đấu thầu 2013 cũng đã quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung thêm một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu. Chẳng hạn hồ sơ dự thầu bắt buộc phải làm riêng 2 túi hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính. 2 túi này được nộp cùng lúc nhưng khi đấu thầu chỉ mở túi kỹ thuật. Nhà thầu nào được chọn mới tiếp tục mở túi tài chính. Như vậy, sẽ đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật được ưu tiên lựa chọn trước. Trường hợp cơ quan, DN nào cố tình sai phạm, không theo đúng quy trình này, sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Dù Luật Đấu thầu 2013 mới đã có hiệu lực, quy định mới về thương thảo hợp đồng được áp dụng trong thực tiễn chưa lâu, nhưng nhiều ý kiến đánh giá, sự thay đổi tưởng chừng nhỏ này sẽ làm thay đổi về chất đối với hoạt động đấu thầu. Đặc biệt, những ưu tiên mà Luật Đấu thầu 2013 dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực sự có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ các DN khu vực này năm bắt cơ hội, tiếp cận các dự án đầu tư công và mua sắm công. Qua đó, tăng tính cọ xát trên thị trường, góp phần vào xây dựng một nền kinh tế bền vững tự chủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đấu thầu năm 2013;
2. Nghị định 63/2014/NĐ-CP;
3. Các website: muasamcong.mpi.gov.vn, tapchitaichinh.vn, vcci. com.vn, vneconomy.vn, tuvandauthau.vn, báo đấu thầu.
Những bước đột phá trong Luật Đấu thầu 2013
(Tài chính) Ngay sau khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành (1/7/2014), nhiều trang báo mạng quốc tế đã đánh giá cao và nghi nhận rằng, Luật này đã cơ bản tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với tiến trình cải cách lĩnh vực mua sắm công tại Việt Nam.
Xem thêm