Quá trình phát triển thị trường vốn Trung Quốc
Quá trình phát triển thị trường vốn Trung Quốc về cơ bản chia thành 3 giai đoạn:
(i) Giai đoạn bắt đầu hình thành (1978-1992): Các sản phẩm của thị trường vốn Trung Quốc lần lượt được xuất hiện ngay trong giai đoạn Trung Quốc mới tiến hành cải cách mở cửa nền kinh tế, cụ thể như sự xuất hiện của cổ phiếu đầu những năm 1980, trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện năm 1982 và trái phiếu tín dụng năm 1984. Thị trường vốn của Trung Quốc trong giai đoạn này có đặc điểm là hoạt động mang tính tự phát, thiếu sự quản lý và giám sát của Nhà nước, đồng thời mới chỉ được thực hiện thí điểm tại một số địa phương.
(ii) Giai đoạn phát triển ban đầu (1993-1998): Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật quản lý thị trường vốn Trung Quốc đã bước đầu được thiết lập, điển hình như: Điều lệ quản lý tạm thời phát hành và giao dịch cổ phiếu (1993); Hướng dẫn chi tiết công bố thông tin công ty phát hành cổ phiếu (1993); Biện pháp nghiêm cấm hành vi lừa đảo chứng khoán (1993); Thông báo về nghiêm cấm hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc đã được thành lập để quản lý thị trường vốn nên trong giai đoạn này thị trường phát triển nhanh chóng, số lượng công ty phát hành cổ phiếu, nhà đầu tư và sản phẩm giao dịch… đều có sự tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước đó.
(iii) Giai đoạn chuẩn hóa và phát triển (1999 đến nay). Để thực hiện cam kết mở cửa thị trường vốn theo WTO, Chính phủ Trung Quốc đã phải đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến thị trường vốn giai đoạn này (điển hình là sự ra đời của Luật Chứng khoán năm 1998 và Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2005). Trong giai đoạn này, cơ chế hoạt động của thị trường vốn Trung Quốc đã được thiết lập phù hợp với quy luật thị trường và hàng loạt các biện pháp cải cách mở cửa thị trường đã được thực hiện.
Những cải cách gần đây
Sau khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã tập trung cho việc cải cách mở cửa thị trường vốn. Ngày 31/1/2004, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về việc thúc đẩy thị trường vốn cải cách mở cửa và ổn định phát triển”. Theo đó, việc phát triển thị trường vốn đã trở thành nhiệm vụ phát triển quốc gia.
Cải cách thị trường vốn Trung Quốc tập trung vào:
Thứ nhất, cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật của thị trường vốn. Tháng 10/2005, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi hai bộ luật quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật của thị trường vốn là “Luật Công ty” và “Luật Chứng khoán” (bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2006). Ngoài ra, để đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, Trung Quốc đã tiến hành rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan như ban hành “Phương án sửa đổi Luật Hình sự”, “Biện pháp quản lý công ty niêm yết”, sửa đổi “Luật Công ty phá sản”.
Tháng 4/2005, Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc đã có “Thông báo về việc cải cách phân bổ quyền sở hữu cổ phiếu của các công ty niêm yết”, theo đó cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước trước đó không được lưu thông trên thị trường được đưa vào lưu thông, giúp thị trường vốn Trung Quốc có bước phát triển mới. Tính đến cuối tháng 6/2007, Trung Quốc ban hành 379 văn bản pháp luật có hiệu lực liên quan tới thị trường chứng khoán và giao dịch tương lai.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công ty niêm yết. Tháng 11/2005, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về việc nâng cao chất lượng công ty niêm yết”. Theo đó, kể từ tháng 3/2006, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc tập trung cho việc chuẩn mực hóa hoạt động của công ty niêm yết, tăng cường quản lý chỉ đạo các công ty niêm yết và các hoạt động chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng công ty niêm yết.
Cơ chế quản lý giám sát các công ty niêm yết được hoàn thiện theo nguyên tắc: “Phân cấp quản lý, tiến hành giám sát quản lý tới cấp thấp nhất; Phân định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm; Làm rõ trách nhiệm đối với từng đối tượng; Hỗ trợ hợp tác quản lý”. Ngoài ra, các quy định về công bố thông tin, cơ chế quản lý công ty, cơ chế cổ phần hóa… cũng được chuẩn mực hóa.
Thứ ba, cải cách cơ chế phát hành cổ phiếu. Cơ chế phát hành cổ phiếu của Trung Quốc được điều chỉnh theo hướng thị trường hóa nhằm tăng cường tính minh bạch trong quá trình xét duyệt phát hành. Mặc dù vậy, cơ chế phát hành cố phiếu của Trung Quốc vẫn chưa đạt được trình độ của các thị trường phát triển. Ngày 7/6/2013, Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến về cải cách cơ chế phát hành cổ phiếu mới.
Theo đó, phương hướng cải cách bao gồm: (1) Thúc đẩy cơ chế phát hành cố phiếu mới theo hướng thị trường hóa; (2) Làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người phát hành và các đối tượng tham gia; (3) Nâng cao trình độ định giá cổ phiếu phát hành theo hướng thị trường hóa; (4) Cải cách phương thức phân phối cổ phiếu; (5) Tăng cường hiệu lực giám sát thực thi pháp luật.
Thứ tư, thực hiện tự do hóa giao dịch vốn. Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp tiêu biểu có thể kể tới là: (i) Tiến hành thử nghiệm đưa dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (2001); (ii) Triển khai chương trình QFII (Qualified Foreign Institutional Investor) – cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện đầu tư vào thị trường vốn của Trung Quốc (với hạn ngạch nhất định, 11/2002). Chương trình này cho phép “nới lỏng” việc quản lý nguồn vốn đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết loại A, trái phiếu niêm yết, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu công ty hoặc các giấy tờ có giá khác được Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc phê duyệt. Theo chương trình này, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể là công ty quản lý quỹ, bảo hiểm, công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại. Chương trình QFII của Trung Quốc yêu cầu tối thiểu nguồn đầu tư từ 50 triệu USD đến 800 triệu USD. Về mức khống chế góp vốn, nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa 10% lượng vốn ở một công ty niêm yết và công ty niêm yết được bán tối đa 20% tổng số cổ phần của họ cho các nhà nhà đầu tư nước ngoài.
Đến cuối năm 2006 đã có 52 tổ chức đạt tiêu chuẩn QFII với mức ngoại tệ phê duyệt tính lũy kế đạt 8,645 tỷ USD song đến cuối tháng 7/2010, đã có 97 tổ chức nước ngoài nhận được giấy phép từ Uỷ ban chứng khoán Trung Quốc để có thể đầu tư vào chứng khoán đồng nội tệ và trái phiếu; (iii) Thực hiện chương trình QDII (Qualified Domestic Institutional Investor) – cho phép các nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ điều kiện đầu tư vào thị trường vốn nước ngoài (2006); thực hiện nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá đồng NDT (tháng 4/2012, tăng lên 1%); tăng trần lãi suất tiền gửi (tháng 6/2012).
Thứ năm, xây dựng thị trường vốn đa tầng theo các mảng thị trường. Năm 2007, Trung Quốc bắt đầu xây dựng thị trường vốn đa tầng với 4 mảng thị trường, bao gồm: Thị trường chuyển nhượng cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết lớn; Thị trường dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thị trường dành cho các doanh nghiệp đang phát triển (GEM); Thị trường báo giá cổ phiếu chuyển nhượng dành cho các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Do các mảng thị trường có những đặc điểm khác nhau nên Trung Quốc quy định các điều kiện về niêm yết, điều kiện phát hành, điều kiện kỹ thuật, các điều kiện về giao dịch, cơ chế kiểm soát, công bố thông tin cũng khác nhau để tạo điều kiện phát triển đồng đều các thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận đến thị trường vốn một cách thuận lợi, khơi thông được nguồn vốn đầu tư cho phát triển doanh nghiệp ở các quy mô và ngành nghề khác nhau.
Thứ sáu, thực hiện cải cách thể chế giám sát. Công tác cải cách thể chế giám sát thị trường vốn đã được Trung Quốc chú trọng và không ngừng cải cách. Năm 2012, Trung Quốc tập trung cải cách thể chế giám sát với 5 nội dung chính là: (i) Tích cực thúc đẩy cải cách mở cửa lĩnh vực chứng khoán và hợp đồng tương lai; (ii) Điều chỉnh cơ cấu thị trường và năng lực phục vụ của thị trường vốn; (iii) Xây dựng cơ chế thị trường với trọng tâm là tăng cường tính minh bạch và công khai; Tiến hành sửa đổi và xây dựng “Luật Quỹ đầu tư”, “Điều lệ quản lý giao dịch hàng hóa tương lai”, “Điều lệ quản lý giám sát công ty niêm yết”...; (iv) Tăng cường giám sát, quản lý thị trường với trọng điểm là phòng chống rủi ro hệ thống; (v) Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ.
Nhờ những cải cách tích cực kể trên mà thị trường vốn Trung Quốc đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê của Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC), tính đến tháng 8/2013, số lượng công ty phát hành cổ phiếu (nhóm A, B) tại thị trường Trung Quốc là 2.489 công ty, gấp 1,53 lần số lượng công ty năm 2008 (1.625 công ty). Số lượng công ty phát hành cổ phiếu ra thị trường bên ngoài Trung Quốc (cổ phiếu nhóm H) là 179 công ty. Số lượng cổ phiếu được phát hành (bao gồm cổ phiếu nhóm A,B,H) là 4.007,09 tỷ cổ phiếu, trong đó, số cổ phiếu được lưu hành là 3.598,54 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ lưu hành là 89,8%).
So sánh với thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008, lượng cổ phiếu hiện nay (8/2013) được phát hành đã tăng gấp 1,6 lần; số cổ phiếu được lưu hành tăng 2,9 lần. Số lượng giao dịch thị trường hợp đồng giao dịch tương lai cũng tăng đáng kể, riêng Trung tâm giao dịch hợp đồng tương lai của Trung Quốc, tại thời điểm tháng 8/2013 có 21,1 triệu hợp đồng giao dịch được ký kết với tổng giá trị giao dịch là 14.580,47 tỷ NDT.
Những tồn tại cần khắc phục
Những cải cách trên đã mang lại thành công nhất định cho thị trường vốn Trung Quốc, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục:
Một là, quy mô thị trường vốn của Trung Quốc vẫn chưa mở rộng hết tiềm năng. Tại thời điểm tháng 1/2013, quy mô vốn hóa của thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến khoảng 23.000 tỷ NDT, đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, so với quy mô của GDP, thị trường vốn của Trung Quốc mới chiếm khoảng 40%, tỷ lệ chứng khoán hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Mỹ.
Hai là, cơ cấu nhà đầu tư chưa cân đối. Hiện nay, đối tượng đầu tư vào thị trường vốn của Trung Quốc thì nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng còn lớn, trong khi nhà đầu tư là các tổ chức còn hạn chế. Nhà đầu tư cá nhân chủ yếu đầu tư với mục đích đầu cơ, hành vi đầu tư chứng khoán chịu nhiều ảnh hưởng của sở thích cá nhân đối với sản phẩm cổ phiếu, làm tăng tính bất ổn định của thị trường chứng khoán do sở thích có thể thay đổi tùy hứng. Nhà đầu tư tổ chức của Trung Quốc phát triển chậm, làm hạn chế sức ảnh hưởng của nó đến việc hoàn thiện cơ chế phân chia lợi tức, cơ chế quản lý của các công ty niêm yết, khiến kế hoạch đầu tư dài hạn khó thu được lợi nhuận.
Ba là, cơ cấu công ty niêm yết chưa hợp lý. Biểu hiện cụ thể là, công ty quốc doanh chiếm tỷ lệ lớn so với công ty ngoài quốc doanh; tỷ lệ các công ty vừa và lớn cao hơn tỷ lệ công ty nhỏ; công ty ngành nghề truyền thống chiếm tỷ lệ lớn hơn công ty ngành nghề kỹ thuật cao, mới phát triển. Đến tháng 8/2013, trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến có 183 công ty trên sàn giao dịch, trong đó chỉ có 69 công ty vừa và nhỏ, và chỉ có 41 công ty mới.
Bốn là, cơ cấu sản phẩm chưa cân đối. Hiện nay, các sản phẩm chứng khoán phái sinh của Trung Quốc còn phát triển chậm. Năm 1991, Trung Quốc thành lập thị trường giao dịch kỳ hạn, tuy nhiên sản phẩm giao dịch chỉ hạn chế trong phạm vi sản phẩm nông sản, kim loại. Sau đó, Trung Quốc có thực hiện một số sản phẩm giao dịch kỳ hạn khác như hợp đồng chỉ số chứng khoán kỳ hạn, hợp đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn… nhưng cũng không thành công. Những hạn chế trên cho thấy, Trung Quốc cần tiến hành cách biện pháp quản lý đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để tạo nền móng cho việc phát triển thị trường vốn trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. JiRui (1/2011), Khái quát thị trường vốn và thị trường cổ phiếu Trung Quốc;
2. LinChen(1/2013), Cải cách và tăng trưởng là từ quan trọng của thị trường vốn Trung Quốc năm 2013;
3. Tân Hoa Xã (1/2013), “Năm điểm sáng sẽ xuất hiện trên thị trường vốn Trung Quốc”;
4. Website của Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc; http://www. csrc.gov.cn
Những cải cách trên thị trường vốn ở Trung Quốc
(Tài chính) Sau gần 35 năm hình thành, mở cửa và phát triển, thị trường vốn Trung Quốc đã có được những bước tiến đáng ghi nhận cả về quy mô cũng như hình thức hoạt động. Giá trị thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí lớn thứ hai sau Mỹ. Kết quả này có được là nhờ những cải cách tích cực mà Trung Quốc đã thực hiện trên thị trường vốn.
Xem thêm