Những câu hỏi quan trọng về biến chủng mới Omicron
Quyết định phân loại Omicron là một dạng biến thể cần quan tâm dựa trên bằng chứng được đưa ra trong cuộc họp của Nhóm Cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bằng chứng cho thấy biến thể mới có một số đột biến có thể ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, khả năng nghiêm trọng của bệnh và đặc biệt là hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 hiện có. Một loạt câu hỏi quan trọng về Omicron được đặt ra đang rất cần câu trả lời xác đáng.
Omicron có dễ lây truyền hơn không?
WHO cho biết, vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có lây từ người sang người dễ dàng hơn các biến thể khác hay không, bao gồm cả biến thể đang thống trị các ca nhiễm hiện nay là Delta. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã tăng lên ở khu vực Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để xác định xem điều này là do Omicron hay do các yếu tố khác.
Omicron có làm bệnh nặng thêm không?
Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ nhập viện đang tăng ở những bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc nhiễm biến chủng Omicron với việc gia tăng nhu cầu điều trị tại bệnh viện. WHO cho biết, sự gia tăng số ca nhập viện có thể là do việc gia tăng chung về tỷ lệ nhiễm bệnh.
Nhiều trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ban đầu được báo cáo ở Nam Phi là ở học sinh. Với các biến thể COVID-19 khác, giới trẻ thường có các triệu chứng nhẹ hơn. Hiện tại không có bằng chứng cho thấy các triệu chứng nhiễm Omicron là khác nhau, nhưng có khả năng sẽ mất vài tuần để xác định xem biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng hơn hay không.
Thực tế, tất cả các biến thể của COVID-19 đều có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, người có bệnh nền và người chưa được tiêm chủng.
Liệu vaccine có bị vô hiệu hóa?
WHO cho biết, họ đang làm việc với các đối tác để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với hiệu quả của vaccine và các biện pháp đối phó COVID-19 khác. Tổ chức này khuyến cáo, corticosteroid và thuốc ức chế thụ thể IL6 sẽ vẫn có hiệu quả đối với bệnh nặng. Khi các nghiên cứu đang tiếp tục, WHO nhắc nhở mọi người rằng vaccine vẫn có hiệu quả chống lại các biến thể COVID-19 khác - bao gồm cả chủng Delta thống trị - và là cách tốt nhất để tránh bệnh trở nặng và tử vong.
Hiện một số chuyên gia dịch tễ học lo ngại rằng, Omicron có thể khiến vaccine kém hiệu quả hơn. Bởi nó có chung một số đột biến quan trọng của hai biến thể trước đó là Beta và Gamma, giúp chúng dễ lẩn tránh vaccine hơn. Ngoài ra, Omicron còn có 26 đột biến chưa từng được phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Thực tế, trong vòng vài tháng, biến thể Delta đã lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng virus nào xuất hiện trước đây.
Các nhà khoa học đang phải theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm Omicron trên cơ sở dữ liệu công cộng để tìm hiểu mức độ lây lan của biến thể này so với Delta. Quá trình này có thể mất từ 3 đến 6 tuần, tùy thuộc vào mức độ lây lan của biến thể.
Các nhà khoa học khác lưu ý rằng các biến thể trước đó, chẳng hạn như Beta, cũng có các đột biến khiến vaccine kém hiệu quả hơn, nhưng vaccine vẫn giúp ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Theo họ, ngay cả khi các kháng thể trung hòa do vaccine tạo ra trở nên kém hiệu quả hơn, các bộ phận khác của hệ miễn dịch, được gọi là tế bào T và tế bào B, sẽ kích hoạt hệ miễn dịch chiến đấu để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus.
Omicron có làm tăng nguy cơ tái nhiễm?
Theo WHO, nghiên cứu sơ bộ cho thấy, biến thể mới có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm đối với những người đã từng nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu hiện còn hạn chế và sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới. Về xét nghiệm COVID-19, các xét nghiệm PCR hiện có có hiệu quả trong việc phát hiện biến thể Omicron.
Ngoài ra, các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem liệu có bất kỳ tác động nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh hay không.
Mọi người làm gì để bảo vệ mình?
Theo WHO, cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 với biến chủng mới là giữ khoảng cách tiếp xúc về mặt xã hội, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1m; đeo khẩu trang vừa vặn; mở cửa sổ để cải thiện thông gió; tránh không gian kém thông khí hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy; và tiêm phòng khi đến lượt.
Phản ứng của các nước
Theo CNN, cho đến nay, biến thể Omicron được phát hiện tại ít nhất 14 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Nam Phi, Botswana, Canada, Australia và một số nước châu Âu. Ngày 26.11, WHO đã phân loại Omicron là “biến thể đáng lo ngại”, không lâu sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi. Đến ngày 29.11, WHO cho biết nhiều khả năng Omicron sẽ tiếp tục lây lan trên toàn cầu, đặt ra nguy cơ toàn cầu “rất cao”, và có thể gây hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch lây lan mạnh.
Nhiều nước đang phải thắt chặt các hạn chế đi lại và nhập cảnh sau cảnh báo của WHO. Hôm đầu tuần, Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron ở đây. Trước đó, Israel trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới hoàn toàn để đối phó với Omicron.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước cũng khuyến cáo không nên đi du lịch đến 8 quốc gia Nam Phi. Cho đến nay, ít nhất 44 nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với các nước ở khu vực phía Nam châu Phi do lo ngại biến thể Omicron.
Vì sao biến chủng Omicron xuất hiện?
Giới khoa học nhận định rằng, sự xuất hiện của chủng Omicron có nhiều đột biến chưa từng có, dường như là kết quả của tình trạng bất bình đẳng về vaccine COVID-19. Năm ngoái, các nước giàu nhất thế giới đã tích cực thu mua vaccine để thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tình trạng này dẫn tới các nước thu thập thấp và trung bình lâm vào cảnh không có đủ “vũ khí” để chống lại dịch bệnh.
Theo các nhà khoa học, tình trạng trên có thể được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn như Delta hay Omicron. Bởi virus SARS-CoV-2 dường như có xu hướng đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ lây lan cao.
Theo WHO, chỉ có 7,5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Trong khi đó, tại các nước thu nhập cao, 63,9% dân số đã tiêm ít nhất một liều. Mục tiêu của WHO đặt ra là 40% dân số các nước được tiêm chủng vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm sau dường như khó có thể đạt được với diễn biến hiện tại.
Có nên quá lo lắng về Omicron?
Mặc dù được nhiều người đánh giá là siêu biến thể nhưng cũng có nhiều tín hiệu lạc quan về Omicron. Mới đây, bà Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đã thông tin về những triệu chứng của các bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm biến thể Omicron.
Theo đó, các triệu chứng rất khác và rất nhẹ so với những bệnh nhân trước đó, không ai bị mất vị giác hoặc khứu giác. Tuy nhiên, bà Angelique Coetzee vẫn lo lắng sẽ gặp phải những ca bệnh nặng ở người cao tuổi, người có bệnh nền và người chưa được tiêm chủng bị nhiễm biến thể mới.
Trong khi đó, Giáo sư Calum Semple, thành viên Nhóm tư vấn khoa học cho các trường hợp khẩn cấp Anh (Sage), cũng bày tỏ sự lạc quan khi bằng chứng hiện tại cho thấy Omicron chưa làm gia tăng các ca tử vong.
Ngoài ra, nhiều công ty dược phẩm đang tiến hành điều chỉnh vaccine do sự xuất hiện của Omicron. Moderna và Novavax đã bắt đầu công việc, trong khi Pfizer và BioNTech hy vọng có thể phát triển một loại vaccine phù hợp trong vòng 100 ngày nếu xuất hiện một biến thể kháng vaccine hiện có.