Những chuyển biến tích cực trong cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước
Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh đổi mới nền kinh tế đất nước, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) và cơ cấu lại ngân sách đã có những bước chuyển biến căn bản, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu thu ngân sách ngày càng vững chắc hơn
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, công tác quản lý thu ngân sách và cơ cấu ngân sách đã được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt với những bước tiến quan trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, mặc dù thực hiện cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo cam kết hội nhập ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, APEC, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng công tác thu vẫn có nhiều chuyển biến quan trọng, với việc tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế.
Đặc biệt, từ năm 2013 đã thực hiện thu cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nên tổng thu NSNN tiếp tục tăng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 22,3% GDP, trong đó thu thuế và phí bình quân đạt khoảng 20,8% GDP, khá sát với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Tài chính (không quá 22 - 23% GDP).
Thu NSNN năm 2016 - 2017 bình quân đạt trên 22% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 20% GDP. Năm 2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so với dự toán, tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 25,7% GDP, riêng thuế, phí là 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP).
Đánh giá thực tế số thu NSNN qua các năm, ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, cơ cấu thu ngân sách ngày càng vững chắc hơn, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN ngày càng cao; tỷ trọng thuế gián thu trong tổng số thu thuế và phí ngày càng tăng, tỷ trọng thuế trực thu giảm dần, phù hợp với chủ trương giảm động viên, tăng tích tụ vốn; tỷ trọng các sắc thuế, khoản thu thường xuyên ngày càng tăng, trong khi đó các khoản thu một lần giảm.
Xét theo phân cấp ngân sách, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng cả về quy mô và tỷ trọng, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương được bảo đảm.
Tỷ trọng chi NSNN cũng thay đổi theo hướng tích cực, toàn diện, bền vững
Thời gian qua, công tác tái cấu trúc chi NSNN đã có tác động lớn trong việc duy trì cân đối thu - chi NSNN, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, quy mô chi đạt bình quân 28,1%GDP, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân tăng 14%/năm.
Giai đoạn 2016-2018, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế tài chính ngân sách theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, nhằm từng bước kiểm soát nhu cầu chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế...
Chủ trương, chính sách về cơ cấu chi NSNN có nhiều chuyển biến qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, góp phần cải thiện rõ nét, cụ thể về quy mô chi NSNN, cơ cấu chi, tỷ trọng chi NSNN cũng đã thay đổi theo hướng tích cực, toàn diện, bền vững.
Theo đó, quy mô chi NSNN giai đoạn 2006 - 2010 đạt bình quân 29,8% GDP, tăng trên 20%/năm, quy mô chi NSNN trong năm 2010 gấp 2,5 lần so với năm 2005; giai đoạn 2011-2015 bình quân chi NSNN đạt mức 29,4% GDP.
Quy mô chi ngân sách hàng năm, đặt biệt là chi đầu tư nguồn NSNN đã được điều chỉnh linh hoạt theo các mục tiêu, yêu cầu quản lý vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trên cơ sở đó, cơ cấu chi NSNN đã có sự chuyển dịch bám sát chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi con người, chi phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bố trí trong dự toán chi NSNN giai đoạn 2011-2015 giảm, bình quân khoảng 18% tổng dự toán chi NSNN, thấp hơn so với 24,4% của giai đoạn 2006-2010; tỷ trọng chi thường xuyên đã tăng và tập trung nhiều hơn cho phát triển con người, nhất là phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Với chủ trương cơ cấu lại ngân sách, tăng hợp lý chi đầu tư. Bộ Tài chính đã thực hiện tái cấu trúc một bước chi ngân sách. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018 tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển (dự toán đã tăng trên 26%, thực hiện đạt 27 - 28%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên (dự toán khoảng 64%, thực hiện đạt 62 - 63%); thực hiện cải cách tiền lương hàng năm tăng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm các nhiệm vụ chi quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội...
Với cơ chế trao cho địa phương quyền phân bổ chi ngân sách, triển khai các nhiệm vụ chi ngân sách gắn với nhu cầu công chúng trên địa bàn cũng đã từng bước tăng cường hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách gắn với đặc thù kinh tế - xã hội địa bàn, tạo động lực để thực hiện công khai, minh bạch và giám sát ngân sách của các tổ chức, cộng đồng địa phương; nâng cao hiệu quả chi ngân sách.
Tỷ trọng chi ngân sách địa phương cũng đã tăng từ 49,2% bình quân giai đoạn 2006-2010 lên 54,1% bình quân giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục tăng lên 54,2% vào năm 2016.
Như vậy, việc đẩy mạnh công tác quản lý thu, chi NSNN và cơ cấu lại ngân sách đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.