Những điểm cần chú ý của Nghị định mới về đối tác công tư
(Tài chính) Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn đầu tư, đã mở ra cách làm mới thu hút vốn đầu tư.
Hai Nghị định nói trên có hiệu lực từ ngày 10/4/2015.
Tại hội thảo giới thiệu 2 Nghị định mới về PPP vừa qua, các đơn vị chủ trì soạn thảo đã giải đáp các vấn đề liên quan.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết dù đã triển khai từ năm 2010, nhưng đến nay hình thức PPP ở nước ta vẫn chưa hình thành được một khung chính sách hoàn chỉnh. Điều này gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Thêm kênh thu hút vốn
Theo ông Tăng, các bộ, ngành, địa phương sẽ có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ những nút thắt hiện tại trong đầu tư dự án công.
Tuy nhiên, yêu cầu về tài chính với nhà đầu tư muốn tham gia PPP cũng chặt chẽ hơn. Cụ thể, muốn tham gia PPP, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải từ 15-20%; vốn vay ngân hàng từ 50-70%, nghĩa là vốn vay từ ngân hàng chiếm 1/3 nguồn vốn hỗ trợ dự án. Nếu các định chế tài chính, ngân hàng không ủng hộ thì rất khó triển khai.
Đặc biệt, vai trò của Nhà nước cũng được xác định rõ là một đối tác của hợp đồng. Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định về PPP) chú trọng kiểm soát đầu ra.
Đây là cách tiếp cận mới nhằm làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho một loại công nghệ, giải pháp triển khai. Nhà đầu tư có giải pháp công nghệ tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo chất lượng cao nhất.
Trong trường hợp dự án có mục đích công không có khả năng hoàn vốn, khi đó, dự án cần tới sự tham gia của Nhà nước. Nghị định quy định rõ về thu hút vốn cho các dự án này với mục đích góp vốn để xây dựng dự án, thanh toán cho nhà đầu tư, hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư...
Những điểm mới
Về những điểm mới trong Nghị định về PPP được ban hành, ông Hoàng Ngọc Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay ngoài 3 hình thức hợp đồng trước đây (BOT, BT, BTO) thì Nghị định mới bổ sung 4 hình thức hợp đồng mới, gồm BOO, O&M, BTL, BLT… Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng được quyền đề xuất các hợp đồng khác về xây dựng chuyển giao trong quá trình phát sinh triển khai dự án, miễn là các bên đạt được thỏa thuận đàm phán và thỏa mãn các điều kiện theo gia dự án theo hình thức PPP.
Nghị định mới cũng tạo điều kiện để một số lĩnh vực được đánh giá là có khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa (như nông nghiệp, phát triển nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ…), đồng thời cũng xác định rõ vai trò của Nhà nước và hình thành đầu mối thực hiện. Theo đó, Nhà nước là một bên, một bên là đối tác của hợp đồng, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, quá trình đối tác lâu dài yêu cầu chia sẻ rủi ro một cách hài hòa.
Về lo ngại việc chuyển độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân khi Nhà nước nhượng toàn bộ quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân, ông Lê Văn Tăng khẳng định sẽ không có chuyện đó. Vì Nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân nhưng trên cơ sở những điều kiện kiểm soát hết sức chặt chẽ. Mọi dịch vụ cung cấp của nhà đầu tư phải dựa trên quy định của Nhà nước.
Theo ông Tăng, để tránh việc sử dụng vốn Nhà nước một cách tràn lan, Nghị định mới quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước trong thực hiện dự án. Theo đó, vốn Nhà nước được dùng để góp vốn hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ; tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư…
Doanh nghiệp Nhà nước chỉ được tham gia các dự án PPP khi liên danh cùng đơn vị tư nhân.