Tăng trưởng không đồng đều
Các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2014 và 2,3% trong năm 2015 (thấp hơn mức dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 7/2014). Tác động của các biến cố chính trị như cuộc khủng hoảng Ukraine, bất ổn tại một số nước có mức thu nhập trung bình, quá trình tái cân đối tại Trung Quốc, dịch bệnh Ebola ở châu Phi, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp và hạn chế năng lực... đã kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển xuống dưới 5% trong năm 2014.
Đà phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới khá chênh lệch. Kinh tế Mỹ vẫn giữ được đà tăng trưởng bền vững (dự kiến sẽ đạt 2,3% trong năm 2014; và 3,1% trong năm 2015); tình hình sản xuất và tiêu dùng khả quan, niềm tin vào thị trường tiếp tục tăng lên. Vào cuối tháng 10/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình nới lỏng định lượng (QE) đã triển khai từ tháng 11/2008 nhằm giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp từ 0-0,25%. Khác với tín hiệu khả quan của kinh tế Mỹ, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản phục hồi chậm. Theo IMF, mặc dù đã thoát ra khỏi suy thoái, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,8% và 1,3% trong năm 2014 và 2015. Lo ngại về tình trạng kinh tế phục hồi bấp bênh, tháng 9/2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất mặc dù đã ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0%. Kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,9% và 0,8% trong năm 2014 và 2015, một phần do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng kể từ tháng 4/2014, song quan trọng hơn là niềm tin vào khả năng phục hồi ổn định của kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới vẫn còn mong manh.
Tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế đang phát triển và mới nổi tiếp tục chậm lại trong năm 2014. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014 và 7,2% năm 2015, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2013, chủ yếu do tác động của việc thị trường nhà đất sụt giảm, cắt giảm đầu tư để giảm nợ công và thanh lọc hệ thống ngân hàng. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm. Trong năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống độc quyền, định giá và điều tra các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực từ sản xuất ôtô, dược phẩm tới sữa dành cho trẻ em, làm dấy lên lo ngại trong các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 9/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 500 tỷ nhân dân tệ (81 tỷ USD) cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước thông qua các gói cho vay kỳ hạn 3 tháng với lãi suất thấp nhằm tăng khả năng thanh khoản, đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự báo. Động thái trên cho thấy, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng không phải kế hoạch kích thích kinh tế toàn diện.
Theo IMF, kinh tế Nga sụt giảm mạnh, chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm 2014 chủ yếu do tác động tiêu cực của cấm vận kinh tế bởi Mỹ và châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và giá dầu sụt giảm. Thậm chí, Bộ Phát triển kinh tế Nga còn cảnh báo về khả năng nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong năm 2015. Cho dù có việc tổ chức World Cup 2014, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Braxin vẫn lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đã rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật khi GDP sụt giảm hai quý liên tiếp đầu năm 2014. Trong số các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), kinh tế Ấn Độ có triển vọng khả quan hơn cả. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Narendra Modi đã đề ra và bắt đầu triển khai một loạt biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, khai thác tiềm năng phát triển để dần đưa nền kinh tế Ấn Độ trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng chậm lại. Trong báo cáo cập nhật khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tháng 10/2014, WB dự báo năm 2014 và năm 2015 các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ở mức 6,9% (thấp hơn so với dự báo trước đó là 7,1%). Kinh tế của khu vực chịu tác động bởi tình trạng thương mại toàn cầu phục hồi chậm. Kinh tế ASEAN tăng trưởng 4,5% và 5% trong năm 2014 và 2015, đều thấp hơn so với mức dự báo mà WB đã đưa ra trước đó. Mặc dù vậy, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất.
Thương mại phục hồi chậm
Thương mại quốc tế khởi sắc hơn mặc dù vẫn còn tiến triển chậm, chỉ tăng trưởng ở mức 3,8% trong năm 2014 và 5,0% trong năm 2015 – thấp hơn dự báo những năm trước đưa ra. Các thỏa thuận thương mại đa phương mới đang được đàm phán như Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... nếu kết thúc sẽ dỡ bỏ nhiều rào cản và đem lại động lực tăng trưởng mới cho thương mại toàn cầu. Trong số này, mặc dù được kỳ vọng nhiều song tiến trình đàm phán TPP đã không thể kết thúc được trong năm 2014 do còn nhiều bất đồng giữa một số nước tham gia trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, môi trường, thuế nhập khẩu nông sản... Ngoài ra, những đấu tranh chính trị nội bộ tại Mỹ cũng đặt ra nguy cơ Hiệp định TPP không dễ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Sản xuất khởi sắc
Hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu bắt đầu phục hồi. Trong năm 2014, hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới đã mở rộng mạnh vào giữa năm song lại có xu hướng chững lại vào những tháng cuối năm. Chỉ số sản lượng của các ngành công nghiệp toàn cầu JPMorgan (chỉ số PMI dịch vụ và chế tạo toàn cầu) ở mức 55,1 điểm trong tháng 8/2014, đứng thứ 3 thuộc ngưỡng cao nhất trong vòng 3,5 năm gần đây, song đã tụt xuống mức 53,6 điểm trong tháng 10/2014. Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp ở các nền kinh tế không đồng đều. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển mạnh ở Anh và Mỹ trong khi trầm lắng hơn ở khu vực châu Á và Eurozone.
Lạm phát trong vòng kiểm soát
Xu hướng phục hồi giá cả của nhiều hàng hóa cơ bản vẫn chưa ổn định trong năm 2014. Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong quý II/2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm qua, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và châu Âu chậm lại. Trong tháng 11/2014, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm dưới mức 80 USD/ thùng. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/11/2014, giá dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015 do nhu cầu tiêu thụ dầu thấp và sản lượng dầu từ đá phiến sét tăng lên.
Giá một số nông sản liên quan nhiều đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam như gạo, cà phê, đường… cũng không ổn định. Giá gạo thô và đường giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, trong khi giá cà phê mặc dù đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2014 vẫn có dấu hiệu lên xuống thất thường do những lo ngại về thời tiết bất lợi đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ. Dự báo, hoạt động sản xuất công nghiệp phải phục hồi mạnh hơn nữa thì giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào như kim loại, khoáng sản mới có thể tăng trong năm 2015.
Tình hình lạm phát nhìn chung vẫn được kiểm soát do kinh tế thế giới chưa phục hồi đủ mạnh khiến nhu cầu của hàng hóa, nguyên vật liệu và năng lượng chưa tăng đủ mức cao. Tỷ lệ lạm phát lõi của Mỹ sẽ tăng chậm trong năm 2014 do nền kinh tế và thị trường lao động được cải thiện song có thể chỉ mới đạt được mức 2% vào năm 2015. Tỷ lệ lạm phát lõi của châu Âu vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 1% trong năm 2014 do nền kinh tế vẫn chưa phục hồi mạnh. Tình trạng giảm phát của Nhật Bản đã được hạn chế và mức giá đã bắt đầu tăng. Dự báo mức giá tiêu dùng ở Nhật Bản sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2014, một phần là do việc triển khai áp dụng một số loại thuế tiêu dùng. Sức ép lạm phát lớn hơn ở các nền kinh tế mới nổi nhất là khi đồng tiền của các nền kinh tế này (trừ Trung Quốc) đang mất giá, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu lên cao. Giá tiêu dùng của một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc tăng chủ yếu do sức ép tăng giá lương thực trong năm 2014.
Thất nghiệp tăng
Việc làm và an sinh xã hội vẫn là gánh nặng của các chính phủ trong năm 2014 và những năm tới. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thất nghiệp toàn cầu ở mức gần 200 triệu người vào năm 2013 và sẽ tăng thêm 3,2 triệu trong năm 2014. Đến năm 2019, sẽ có khoảng 213 triệu người thất nghiệp trên thế giới. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ vẫn ở mức khoảng 6% như hiện tại cho đến năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, ở mức 12,3% và 11,1% tương ứng trong năm 2014. Năm 2014, mức tăng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở khu vực Trung và Đông Nam châu Âu và các nước thuộc khối Liên Xô cũ, ước tính khoảng 8,3%.
Thị trường tài chính không có biến động lớn
Thị trường tài chính toàn cầu bớt rủi ro hơn trong năm 2014. Vì đã dự tính trước lộ trình, việc Fed rút bỏ dần tiến tới chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng không gây ra những cú sốc lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu. Mặc dù điều kiện tài chính đã ổn định hơn, các nền kinh tế phát triển vẫn đứng trước những rủi ro không nhỏ. Nợ công vẫn tiếp tục là nguy cơ đối với một số nền kinh tế phát triển, không chỉ ở châu Âu mà cả Nhật Bản và Mỹ.
Bất ổn định chính trị
Môi trường an ninh - chính trị thế giới không thuận lợi cho xu hướng phục hồi kinh tế. Năm 2014, thế giới phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng và xung đột, như xung đột ở Ukraine và dải Gaza, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, bùng phát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, xung đột phe phái nghiêm trọng ở Libya, sự nổi lên của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành mối đe dọa an ninh mới tại khu vực Trung Đông và xu hướng ly khai tại nhiều khu vực... tạo ra môi trường không thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo Chỉ số hòa bình thế giới 2013 của Viện Kinh tế và Hòa bình, trong giai đoạn 2008-2013, môi trường hòa bình đã sa sút ở hầu hết các khu vực: châu Á-Thái Bình Dương, Nam Á, Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribe, châu Phi cận Sahara, Nga và vùng lãnh thổ Âu-Á, Bắc Phi và Trung Đông…
Nhìn chung, kinh tế toàn cầu đã ổn định và khởi sắc hơn trong năm 2014 song tăng trưởng còn trì trệ. Các dự báo về tình hình kinh tế trong thời gian tới tỏ ra khá thận trọng do lo ngại về tác động tiêu cực của những chính sách thiếu linh hoạt nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng, nhất là khi tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn thấp so với mức tăng trưởng tiềm năng. Động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2015 là tốc độ tăng trưởng tương đối cao của kinh tế Mỹ, Anh và khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 vẫn đứng trước những rủi ro như: tình trạng trì trệ và giảm phát ở khu vực EU; giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc làm giảm nhu cầu nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm nông nghiệp trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế xuất khẩu những mặt hàng này; môi trường chính trị và an ninh không thuận lợi...
Những điểm nóng của kinh tế thế giới năm 2014
(Tài chính) Kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi trong năm 2014, tuy tốc độ còn chậm và không đồng đều. Theo Báo cáo cập nhật “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 10/2014 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3,3% trong năm 2014 (thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 7/2014) và 3,8% trong năm 2015 (thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra vào tháng 7/2014).
Xem thêm