Những điều về dinh dưỡng mà F0 có bệnh nền cần biết

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, F0 có bệnh nền cần duy trì chế độ ăn theo bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh.

Chế độ ăn bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Ảnh minh họa.
Chế độ ăn bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Ảnh minh họa.

Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để hướng dẫn cho người nhiễm COVID-19 và người chăm sóc người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc tại nhà.

Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết, dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.

Theo ThS.BS. Nguyễn Diệu Hồng, nguyên bác sĩ Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, người có bệnh lý nền hô hấp có nguy cơ diễn biến nghiêm trọng khi mắc Covid-19 hơn các đối tượng khác đặc biệt những người có các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư phổi. Theo đó, khi điều trị tại nhà, F0 cần được theo dõi sát để phòng tránh và phát hiện sớm các diễn biến nặng.

Các trường hợp mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính khi mắc Covid-19, cần lưu ý duy trì thuốc điều trị bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc hen phế quản; tuyệt đối không được tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc.

Bên cạnh đó, F0 cần chuẩn bị máy đo SpO2 cầm tay để kịp thời phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, F0 cần duy trì chế độ ăn theo bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý được xem là một biện pháp điều trị cần thiết giúp cho người bệnh có sức khỏe tốt để tập vật lý trị liệu, chống chọi trường kỳ với căn bệnh.

Người có bệnh lý nền hô hấp mắc Covid-19 cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học theo các nguyên tắc dưới đây:

Tăng cường chất xơ: Rau củ, hoa quả, lúa mạch... là các thực phẩm giúp kiểm soát hen phế quản, giảm tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp đồng thời cũng góp phần làm giảm tiến triển bệnh COPD và cải thiện tình trạng tắc nghẽn của phế quản.

Tăng cường các thực phẩm giàu protein như ức gà, cá, trứng, đậu nành, củ quả... và thay đổi đa dạng các món ăn để thực đơn không bị nhàm chán.

Bổ sung omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá chích, cá mòi... và các loại hạt có dầu như hạnh nhân, hạt điều... Các thực phẩm này có tác dụng tốt trong việc giảm viêm.

Cần hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường dưới 10% tổng năng lượng ăn vào), đồ ăn nhanh, rượu, bia, giảm muối trong chế độ ăn để tránh làm tăng thêm tình trạng viêm và triệu chứng ho, khó thở, tức ngực... của bệnh hen.

Chia nhỏ các bữa ăn cũng là cách hiệu quả trong việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt khi người bệnh cảm thấy chán ăn do sốt, ho, mệt mỏi...
Một trong những điều quan trọng là bổ sung nước cho cơ thể. Cụ thể, người bệnh cần uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày, tốt nhất là nước ấm, có thể pha với lát gừng mỏng.

Người bệnh cũng nên tập các bài tập vật lý trị liệu hô hấp đơn giản tại nhà như: tập thở, tập vận động tại giường - thông khí nằm sấp để có thể rút ngắn thời gian hồi phục.

F0 kèm theo bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì,…

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sỹ, chế độ ăn bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Nếu không thực hiện đúng và nghiêm ngặt chế độ ăn bệnh lý, việc sử dụng thuốc điều trị bệnh sẽ kém hiệu quả.

Mỗi một bệnh nền sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau, vì vậy người bệnh cần thực hiện theo tư vấn của bác sỹ dinh dưỡng.

Ví dụ: Người bệnh đái tháo đường thì lựa chọn và sử dụng theo chỉ số đường huyết của thực phẩm.

F0 có bệnh lý tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối theo các mức độ khác nhau như chế độ ăn nhạt 400 - 700mg natri/ngày/người (khoảng từ 1-2g muối)

Chế độ ăn nhạt vừa 800 - 1.200mg natri/ ngày/người tương đương (khoảng 2-3g muối ăn/ngày).

Chế độ ăn nhạt hoàn toàn 200 - 300mg natri/ngày/người và  lượng natri này đã có đủ trong thực phẩm bữa ăn.