Những dự án “chết” bắt đầu sống lại
(Tài chính) Thị trường bất động sản phía Nam gần đây chứng kiến hàng loạt dự án được tung ra thị trường.
Mới nghe tưởng đây là dự án mới, song thực tế, không ít trong số đó đã từng xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm trước, nhưng do khó khăn nên bị “trùm mền”, bây giờ “sống lại” nhờ được tiếp sức từ các ông lớn.
Những cuộc “lột xác”
Những cái tên như 12 View, Saigon Town, Icon 56, Topaz Garden, Việt Phú Garden, The Mail City…, là những dự án tung ra thị trường và tạo được sự chú ý thời gian qua.
Thoạt nghe, tưởng đây là những dự án mới, nhưng thực tế, qua tìm hiểu của chúng tôi, đây là những dự án đã từng xuất hiện trên thị trường nhiều năm trước với những tên gọi khác, song do sự khó khăn của thị trường, những dự án này không bán được hàng nên nằm bất động.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản phát đi tín hiệu hồi phục, các doanh nghiệp có năng lực tài chính đã nhảy vào, bắt tay với các chủ đầu tư khó khăn về tài chính để xây dựng, làm mới lại dự án và đưa sản phẩm ra thị trường.
Cuối tuần qua, CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Thanh Yến (Thanh Yến Land) công bố mở bán căn hộ Sài Gòn Town tại quận Tân Phú, TP. HCM. Sài Gòn Town là tên mới, còn trên thực tế, đây là sự “lột xác” từ dự án chung cư Sài Gòn SHB Lilama Town do Công ty Lilama SHB làm chủ đầu tư.
Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa bán được hết sản phẩm. Hiện dự án này mới chỉ xây dựng xong phần thô và theo cam kết mới của Thanh Yến trong đợt bán hàng này, trong quý II/2015 sẽ bàn giao nhà.
Trước đó, Công ty Hưng Thịnh tung ra thị trường Dự án 12 View tại quận 12, TP. HCM. Trước đây, dự án này có tên gọi là chung cư Tín Phong do Công ty Tín Phong làm chủ đầu tư. Dù dự án đã được xây dựng gần như hoàn thiện phần thô, nhưng chủ đầu tư gặp khó khăn, nên cạn vốn đầu tư. Hưng Thịnh với thế mạnh của mình, đã bơm vốn vào dự án để tái khởi động dự án và đưa sản phẩm ra thị trường với tên gọi 12 View.
Cũng mới đây, Công ty Bất động sản Danh Khôi Á Châu ký hợp đồng hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) để phân phối Dự án Việt Phú Garden tại huyện Bình Chánh, dự kiến sẽ được mở bán trung tuần tháng 10 tới. Thực tế, đây là Dự án Phong Phú 4 của BCCI đã từng được biết đến từ nhiều năm qua. Tương tự, Đất Xanh đang mờ bán Dự án Topaz City tại quận 8, TP. HCM do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng - Kinh doanh nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư. Dự án này từng được biết đến trước đây với tên gọi Elys Garden.
Không chỉ những dự án trên, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản TP. HCM cũng xuất hiện khá nhiều cái tên khá mới và trở thành tâm điểm của thị trường như Icon 56, Galaxy 9, Lexington. Thực chất, đây không phải là dự án mới, mà đều đã xây dựng dở dang, nhưng nằm bất động một thời gian dài do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để hoàn thiện. Với kinh nghiệm phát triển dự án, Novaland đã quyết định bắt tay với chủ đầu tư cũ làm “sống lại” những dự án này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án Icon 56 trước đây trước đây có tên gọi là Khahomex - Savico Tower tại số 56, Bến Vân Đồn (quận 4) do CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (Khahomex) làm chủ đầu tư. Sau khi mua lại dự án này, Novaland đã đẩy nhanh xây dựng, hiện đã lên đến tầng 11 và hầu hết sản phẩm đã được khách hàng mua.
Trong khi đó, Dự án Galaxy 9 (quận 4) được Novaland đổi tên từ Dự án số 9, Nguyễn Khoái sau khi mua lại của Công ty Cao su miền Nam. Còn Dự án Lexington ở quận 2 cũng được tập đoàn này mua lại của Công ty TNHH Bất động sản Đại Phú Hưng và đang khẩn trương xây dựng.
Xu hướng vực dậy thị trường
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy, việc “làm mới” dự án của các doanh nghiệp thời gian qua đã mang lại hiệu quả khi nhiều dự án có thanh khoản tốt. Đơn cử, Dự án 12 View, Icon 56, Galaxy 9, Lexington, trong đó, Dự án 12 View đã bán thành công 100% sản phẩm.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc thay tên đổi họ của dự án chủ yếu là tạo tâm lý cho khách hàng, còn vấn đề mấu chốt để dự án bán được hàng là xuất phát từ việc tiến độ xây dựng được đẩy nhanh, cũng như uy tín của các doanh nghiệp lớn tham gia vào dự án.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hoạt động mua bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ, sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản. Bởi lẽ, hoạt động này là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu, hoặc thiếu tính chuyên nghiệp, sang cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng.
“Thời gian qua, Hưng Thịnh đã làm việc với khá nhiều đối tác, là các doanh nghiệp nhà nước đang muốn thoái vốn khỏi các dự án bất động sản trong lộ trình tái cơ cấu theo chủ trương của Nhà nước. Mục tiêu của Hưng Thịnh sắp tới là sẽ tăng cường đầu tư vào các dự án, với kế hoạch mỗi năm tung ra thị trường từ 3.000 - 4.000 căn hộ”, ông Trung cho biết.
Còn theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc liên kết, hợp tác được xem là một giải pháp tốt để vượt khó.
“Thời gian qua, TDH đã nhận được khá nhiều lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp, tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể hợp tác với các đối tác có sự tương đồng về năng lực, văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là sự minh bạch, tin tưởng lẫn nhau trong suốt quá trình hợp tác”, ông Hiếu nói và cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng liên doanh, liên kết trong việc phát triển dự án bất động sản sẽ còn phát triển mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, trong điều kiện thị trường bất động sản còn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, bản thân doanh nghiệp phải tự tìm cho mình hướng đi phù hợp để tồn tại và phát triển.
“Với tình thế hiện nay, trong các giải pháp, theo tôi, việc các doanh nghiệp địa ốc liên doanh, liên kết để tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp là giải pháp vô cùng quan trọng”, ông Châu nói và cho biết, Hiệp hội luôn khuyến khích các doanh nghiệp địa ốc xem xét liên kết với nhau và xem đó là một giải pháp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.