Những dự án tỷ đô giúp bất động sản trục Nhật Tân – Nội Bài đăng quang
Trục phía Bắc Nhật Tân – Nội Bài đang là điểm sáng nhất Thủ đô với nhiều đánh giá khả quan. Khu vực này đang dần hình thành những tổ hợp bất động sản có kiến trúc độc đáo và hiện đại bậc nhất TP. Hà Nội với hàng loạt dự án lớn như thành phố thông minh 4 tỷ đô, hay những công trình hạ tầng tầm cỡ thế giới...
Đón hàng loạt công trình hạ tầng tầm cỡ thế giới
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như 10 năm trước, phía Tây Hà Nội được coi là cực phát triển chính với hàng loạt dự án hạ tầng lớn thì 10 năm tới, phía Bắc Hà Nội, đặc biệt là trục tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài dự báo sẽ soán ngôi, trở thành trục phát triển nóng nhất thủ đô.
Bởi theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, khu đô thị 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ là những “siêu dự án” quy mô nhất của Hà Nội với quy mô lên đến 2.080 ha nằm dọc tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 11,7km.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2018 - 2020, trục Nhật Tân – Nội Bài - nơi được coi là cửa ngõ của thế giới đến với thủ đô Hà Nội, sẽ đón hàng loạt công trình hạ tầng tầm cỡ. Cùng với đó, những khu vui chơi lớn nhất khu vực sẽ được hoàn thiện.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn thứ 5 thế giới do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Được biết, Trung tâm có diện tích trên 90ha với hơn 550.000m2 xây dựng công trình trong nhà và ngoài trời. Dự án đã được Vingroup khởi công vào tháng 10/2016.
Ngoài ra, trong năm 2018, siêu thành phố thông minh 4 tỷ USD với tháp tài chính 108 tầng, cao nhất Thủ đô do liên doanh Tập đoàn BRG và các đối tác Nhật Bản đầu tư sẽ được khởi công xây dựng. Trước đó, ngày 5/6/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, thỏa thuận hợp tác phát triển dự án này đã được ký kết giữa UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).
Bên cạnh đó, hai dự án hạ tầng giao thông lớn khác cũng đang được Hà Nội ưu tiên phát triển trong giai đoạn này đó là Tuyến metro số 2 (Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình) và cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng sẽ là đòn bẩy phát triển bất động sản khu vực này.
Dậy sóng bất động sản Hồ Tây
Việc hàng tỷ đô la đang ồ ạt “rót” vào hạ tầng đã khiến bất động sản dọc trục Nhật Tân – Nội Bài cũng như tại khu vực Hồ Tây không ngừng tăng giá chóng mặt. Theo quan sát, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, giá đất thổ cư khu vực Hồ Tây đã tăng từ 20 - 30%, giá đất biệt thự, liền kề cũng có sự biến động đáng kể.
Ở một diễn biến khác, các căn hộ chung cư cũng ghi nhận mức tăng giá ấn tượng từ 10 - 20% tùy từng khu vực. Điển hình nhất như dự án Sunshine City. Chính thức ra mắt thị trường từ giữa năm 2017 nhưng giá các căn hộ tại đây đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu mở bán, đặc biệt, những căn hộ đẹp đã xuất hiện giá chênh.
Ngoài ra, khu vực thấp tầng với hơn 60 căn shophouse (nhà phố thương mại) của dự án này dù chưa chính thức ra mắt thị trường nhưng một số lượng lớn đã được khách hàng đặt mua từ trước. Thậm chí, có những căn đẹp, không gian thoáng đãng, nhiều khách đặt chỗ mua cùng lúc nên xảy ra tình trạng “cháy hàng”.
Với tổng mức đầu tư lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích gần 5ha nằm trong KĐT Nam Thăng Long, ngay sát sân golf Ciputra, Sunshine City có thể nói là một trong số khá ít các dự án hội tụ đầy đủ tất cả các yếu tố của một công trình nghệ thuật hoàn mỹ với lối kiến trúc tinh tế hiện đại cùng chuỗi hơn 40 tiện ích đỉnh cao như: Bãi đỗ trực thăng trên tầng mái, bể bơi vô cực panorama, sky bar…
Đông Anh sẽ trở thành nội đô mới của Hà Nội
Tại hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Trong đồ án quy hoạch giãn dân, Hà Nội dự kiến sẽ giảm từ 1,2 triệu người xuống còn 800 nghìn trong nội đô và khu vực ngoại thành như huyện Đông Anh đóng vai trò quan trọng trong công tác giãn dân, tái định cư. Điều này sẽ giúp huyện Đông Anh sẽ trở thành nội đô trong tương lai gần".
“Gần đây chúng ta thấy nói nhiều đến phát triển nhà cao tầng trong nội đô với áp lực tăng thêm dân số cho nội đô nhưng không thấy có một giải pháp giãn dân cụ thể nào. Giải pháp và chính sách giãn dân của Hà Nội chưa thật rõ ràng, nhưng một điều thấy rõ là Hà Nội đang tăng mạnh dân số vào nội đô”, Thứ trưởng Toàn cho biết.
“Quỹ đất của Đông Anh hiện nay là quỹ đất vàng, là nguồn lực để xây dựng hạ tầng, nếu không có chiến lược và quản lý hiệu quả đất đai sẽ gây lãng phí lớn. Do vậy mọi thông tin về giá đất, dự án… cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đông Anh nếu không có một hoạch định và chiến lược phát triển tốt, nếu cấp đất manh mún, cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ để mất cơ hội phát triển cho Hà Nội trong nay mai”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Trong khi đó, TS. KTS Trương Văn Quảng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) cho rằng, phía Bắc sông Hồng là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế. Nếu biết khai thác tốt các tiềm năng cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan sông, hồ, đầm, núi Sóc và chân núi Tam Đảo, thì thị trường bất động sản khu vực này sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Theo TS. KTS Trương Văn Quảng, để khu vực Bắc sông Hồng phát triển sôi động, Hà Nội cần tập trung quy hoạch, xây dựng khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên theo hướng hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các khu đô thị Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh theo hướng đô thị xanh, thông minh, có kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, duy trì bảo tồn cấu trúc các làng cổ.