Những giá trị truyền thống Tết cổ truyền


Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của cả dân tộc. Tết là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của một năm mới.

Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết cổ truyền hiện nay cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những giá trị tốt đẹp bất biến giữa vạn biến mà chúng ta còn được lưu giữ.

Ngày Tết ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc an khang phát tài phát lộc… có phần khoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng…

Bữa ăn của người Việt là một tổ hợp văn hóa, đặc biệt là trong những bữa ăn ngày Tết, sắc thái văn hóa càng rõ nét và sâu đậm. Có những món ăn trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành những giá trị văn hóa Việt không gì có thể thay thế như: bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ… Ngày Tết, cùng quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ để cúng gia tiên, sau đó cùng vui vầy ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong hương thơm của hương trầm, của bánh chưng thật khó có niềm vui nào sánh được.

Ngoài mâm cơm để cúng gia tiên, trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả, vừa là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo vừa là ước mong những điều tốt lành trong gia chủ. Mâm ngũ quả đẹp thường phải có nhiều màu sắc rực rỡ và hội tụ các yếu tố Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mang ý nghĩa sung túc, xum vầy.

Và điều không thể không nhắc đến mỗi khi Tết đến, xuân về mà bất cứ ai cũng đều nhớ câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Sau khi Tết bên nội, bên ngoại, mỗi người thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo với tinh thần tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng tri thức. Hay tục xin chữ hay khai bút đầu xuân cũng là một nét đẹp mà người Việt thường duy trì để nhắc nhở người ta luôn trọng chữ, hiếu học. Rồi tục chúc thọ người cao tuổi, mừng tuổi cho trẻ em, tắm bằng lá mùi già vào ngày 30 Tết để cho người thanh sạch…

Tuỳ theo mỗi vùng miền hoặc theo những quan niệm về tôn giáo của người Việt, các phong tục tập quán ở từng địa phương thường có đôi nét khác biệt, song hòa cùng nhịp sống hiện đại, những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ luôn được lưu truyền.

Theo Truyền thống văn hóa Việt