Những góc nhìn về triển vọng thị trường chứng khoán
(Tài chính) Những ngày cuối tháng 5/2013, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đón nhiều thông tin hỗ trợ như CPI tăng thấp, lãi xuất giảm, gói tín dụng ưu đãi với bất động sản (BĐS) chuẩn bị triển khai. Mặc dù vậy, nền kinh tế đang đối mặt với sự sụt giảm tổng cầu khiến tăng trưởng khó khăn. Tài chính & Đầu tư ghi lại ý kiến của một số chuyên gia về triển vọng của thị trường
Kinh tế vĩ mô tiếp tục hỗ trợ thị trường

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Thực tế cho thấy TTCK Việt Nam luôn chịu tác động rất lớn từ yếu tố kinh tế vĩ mô và hiệu quả hoạt động của các DN. Từ nay đến cuối năm, dù DN vẫn còn khó khăn nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt với thị trường. Việc TTCK trải qua giai đoạn sôi động khá dài, có thời điểm đã vượt ngưỡng 500 điểm, tính chung chỉ số VN - Index trong quý I/2013 đã tăng khoảng 20% là minh chứng rõ nét.
Hiện nay, bên cạnh việc nới lỏng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ Chính phủ, khả năng hấp thụ của nền kinh tế và khu vực DN vẫn còn hạn chế nhất định. Bởi vậy, khơi thông dòng vốn từ ngân hàng tới DN, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra thì TTCK mới có niềm tin để tăng trưởng bền vững.
Tâm lý thị trường đang tốt lên
TS. Quách Mạnh Hào
TTCK phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền chung, có thể dùng từ khác là thanh khoản chung trong nền kinh tế. Nếu tiền rẻ được đưa ra nhiều, TTCK sẽ có hiệu ứng tích cực, nhưng tiền rẻ đó cũng có thể sẽ là cái bẫy để nền kinh tế bước vào một chu kỳ khó khăn tiếp theo sau những hào nhoáng của tăng trưởng ngắn hạn.
Hiện nay, nhiều yếu tố đã cho thấy dòng tiền rẻ sẽ xuất hiện như lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, công ty xử lý nợ xấu VAMC dự kiến sẽ ra đời;gói tín dụng ưu đãi với thị trường BĐS trị 30.000 tỷ đồng có hiệu lực từ ngày 1/6. Điều quan trọng là nền kinh tế có đủ năng lực để hấp thụ nguồn tiền rẻ đó tới mức nào. Tôi e rằng quá sớm để đánh giá điều đó với những quan sát hiện tại.
Do vậy, nhiều khả năng TTCK sẽ đón nhận một đợt tăng điểm trong thời gian gần, được kích thích bởi tâm lý tích cực từ dòng tiền rẻ. Nhưng ngay sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với những thử thách tiếp theo do nhà đầu tư (NĐT) muốn nhìn thấy những chuyển dịch thực sự từ nền kinh tế. Với NĐT, cơ hội rất gần sẽ đến có thể ngay từ tháng 6, nhưng họ nên nghĩ điều đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sự chuyển dịch đầu tư sang những DN được quản trị tốt là yếu tố mấu chốt tạo nên thành công lâu dài và hình thành đạo đức đầu tư cho chính mình.
Lực đỡ từ khối ngoại

Kinh tế trưởng
Tập đoàn VinaCapital
Với diễn biến này, kết hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, có cơ sở để nhận định, lạm phát sẽ không đáng lo ngại trong năm 2013. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất từ nay đến cuối năm 2013 là triển khai đồng bộ các giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, nếu không sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% như kế hoạch đề ra.
Với riêng TTCK, chưa cần triển khai các giải pháp trên, thì thị trường vẫn đang nhận được lực đỡ khá vững từ khối ngoại. Trong cái nhìn của NĐT nước ngoài, so với các TTCK lân cận, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam hiện tại khá rẻ khi đặt trong chiến lược đầu tư trung và dài hạn (1 - 3 năm) của NĐT chuyên nghiệp. Nói cách khác, với mặt bằng giá cổ phiếu tốt hiện tại, chỉ cần mức điều chỉnh hợp lý là (khối ngoại và các NĐT trong nước có cái nhìn dài hạn) sẽ giải ngân.
Một khi việc xử lý nợ xấu ngân hàng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, cùng với các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế được Chính phủ phát đi mạnh mẽ và đạt được những hiệu quả rõ nét hơn, sẽ là điều kiện lý tưởng để TTCK lấy lại đà hứng khởi trong tháng 6 tới.
Đầu tư "lướt sóng" vẫn có cơ hội
Chuyên gia tài chính
Sự phục hồi ấn tượng của chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cho thấy trong giai đoạn TTCK suy giảm, nếu biết lựa chọn cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý sẽ thu lợi nhuận ấn tượng khi kinh tế phục hồi. Nhìn rộng hơn, xu thế đầu tư của Mỹ và châu Âu đang quay lại với 2 kênh BĐS và chứng khoán, thay vì lựa chọn vàng như mấy năm trước đây. Điều này sẽ kích thích dòng tiền đổ vào những lĩnh vực rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận.
Đối với TTCK Việt Nam, chứng khoán vẫn là một kênh được xem là có cơ hội để đầu tư, khi lãi suất huy động giảm. Sau quý I/2013 khởi sắc với mức tăng hơn 18%, mốc 500 điểm tưởng chừng đã được phá thì TTCK đã có dấu hiệu đuối sức trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, việc thị trường điều chỉnh không quá sâu và đang tích lũy cũng mở ra cơ hội… TTCK vẫn có những cơ hội chiến thắng cho NĐT “lướt sóng”. Tuy nhiên, khi kinh tế đi vào giai đoạn phát triển chậm nhưng bền vững hơn, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại, các công ty sản xuất kinh doanh có năng lực cạnh tranh tốt, giá cổ phiếu hợp lý sẽ tạo một cơ hội đầu tư dài hạn, mức sinh lợi vượt trội so với gửi tiết kiệm và giá trị cổ phiếu được đảm bảo.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013