Những hành động đầu tiên của các nước trước thuế quan mới của Mỹ
Ngày 4/4, Trung Quốc đã công bố mức thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa của Hoa Kỳ để đáp trả thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố. Đây là động thái leo thang nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến thương mại mới nhất của nước này với Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, một số nước tỏ ra thận trọng và muốn tiếp tục đàm phán.

Trung Quốc đáp trả cứng rắn
Trong một động tái đối đầu mới nhất, bên cạnh mức thuế quan 34%, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ kiểm soát xuất khẩu một số loại đất hiếm và đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trung Quốc cũng bổ sung 11 thực thể vào danh sách “không đáng tin cậy”, cho phép Bắc Kinh thực hiện các hành động trừng phạt đối với các thực thể nước ngoài.
Đây là một trong số các biện pháp của Trung Quốc nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế 54% đối với hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hôm 2.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng mức thuế quan của Hoa Kỳ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường tài chính thế giới.
Những phản ứng trái ngược
Trong bối cảnh cổ phiếu châu Âu cũng đang có nguy cơ chứng kiến sự sụt giảm hàng tuần lớn nhất trong ba năm qua, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic sẽ có cuộc trao đổi với các đối tác tại Hoa Kỳ. “Chúng tôi sẽ không hành động tùy tiện - chúng tôi muốn tạo mọi cơ hội để các cuộc đàm phán thành công nhằm tìm ra một thỏa thuận công bằng, vì lợi ích của cả hai bên”, ông chia sẻ trên mạng xã hội.
Có vẻ như EU đang chia rẽ về cách ứng phó tốt nhất với thuế quan của Chính quyền Donald Trump - lên tới 20% đối với EU, bao gồm cả việc sử dụng "Công cụ chống cưỡng ép", cho phép khối này trả đũa một nước thứ ba gây sức ép kinh tế lên các thành viên EU để thay đổi chính sách của họ.
Trong khi một số nước muốn hành động cứng rắn, một số quốc gia như Ireland, Italy, Ba Lan và các quốc gia Scandinavia tỏ ra thận trọng trong áp đặt biện pháp trả đũa, lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc kêu gọi hành động cứng rắn khi ngay từ ngày 3.4 ông đã kêu gọi các công ty đóng băng đầu tư vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard sau đó đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa tương tự đối với thuế quan của Hoa Kỳ, cảnh báo rằng điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu. Ông Lombard cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình BFM TV: "Chúng tôi đang xây dựng một gói phản ứng có thể vượt xa thuế quan, nhằm một lần nữa đưa Hoa Kỳ vào bàn đàm phán và đạt được một thỏa thuận công bằng".
Các đối tác thương mại khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Ấn Độ, cho biết họ sẽ hoãn mọi hành động trả đũa vào lúc này vì họ đang tìm kiếm sự nhượng bộ. Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho biết họ đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận kinh tế với Hoa Kỳ.
Ông Eddie Kennedy - Giám đốc Bespoke Discretionary Fund Management tại Marlborough, London, cho biết: "Những người khác có thể đã rút ra được bài học (từ nhiệm kỳ trước của ông Trump)". “Họ đang phản công và nói rằng chúng tôi có thể chơi cùng một trò chơi như các bạn và chúng tôi có nhiều sức mạnh hơn để đàm phán”.
Nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái
Ngân hàng đầu tư JP Morgan cho biết, hiện họ nhận thấy có tới 60% khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm, tăng so với mức 40% trước đó.
Chứng khoán Hoa Kỳ cũng giảm mạnh vào ngày 4.4, báo hiệu thêm nhiều tổn thất trên Phố Wall, sau khi Trung Quốc trả đũa bằng mức thuế quan mới một ngày sau khi đòn đánh thuế toàn diện của chính quyền Trump khiến 2,4 nghìn USD bay mất khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Ông Stephane Ekolo - Chiến lược gia thị trường và cổ phiếu của tổ chức Tradition ở London, cho biết: "Trung Quốc đang phản ứng mạnh mẽ trước động thái áp thuế của Trump". “Điều này rất quan trọng và khó có thể kết thúc, do đó thị trường phản ứng tiêu cực. Các nhà đầu tư lo sợ về nguy cơ chiến tranh thương mại ăn miếng trả miếng”.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn giảm trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, trong bối cảnh các công ty như Apple và Nvidia có hoạt động sản xuất lớn tại Trung Quốc và Đài Loan - Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết mức thuế quan đã tạo ra một "cuộc khủng hoảng quốc gia" khi cổ phiếu ngân hàng lao dốc vào ngày 4.4 khiến thị trường chứng khoán Tokyo chứng kiến một tuần tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio ngày 4.4 đã bác bỏ mọi sự sụp đổ kinh tế, nói với các phóng viên rằng thị trường đang phản ứng với sự thay đổi và sẽ tự điều chỉnh. “Nền kinh tế của các nước không sụp đổ. Thị trường chứng khoán chỉ đang phản ứng với sự thay đổi mạnh mẽ trong trật tự toàn cầu về mặt thương mại”, ông nói tại một cuộc họp báo ở Brussels. “Thị trường sẽ tự điều chỉnh”.
Mọi mặt hàng tăng giá, từ giày thể thao đến iPhone
Có nhiều thông điệp trái ngược từ Nhà Trắng về việc liệu mức thuế quan này có phải là vĩnh viễn hay chỉ là chiến thuật để giành được sự nhượng bộ, khi Tổng thống Trump nói rằng biện pháp này "trao cho chúng ta quyền lực lớn để đàm phán".
Thuế quan của Hoa Kỳ có thể làm tăng giá cho người mua sắm tại Hoa Kỳ, mọi mặt hàng từ giày chạy bộ đến iPhone của Apple. Một chiếc iPhone cao cấp có thể có giá gần 2.300 USD nếu Apple chuyển chi phí cho người tiêu dùng, dựa trên dự đoán từ Rosenblatt Securities.
Các doanh nghiệp đã chạy đua để điều chỉnh. Nhà sản xuất ô tô Stellantis cho biết sẽ tạm thời sa thải công nhân Hoa Kỳ và đóng cửa các nhà máy ở Canada và Mexico, trong khi General Motors cho biết sẽ tăng sản lượng tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan "có đi có lại" là phản ứng đối với các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Trong khi đó, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết mức thuế quan này sẽ tạo ra việc làm trong ngành sản xuất trong nước và mở ra thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, mặc dù họ cảnh báo sẽ phải tốn chút thời gian để thấy được kết quả.