Những kỷ niệm không quên

Đặng Thị Luận - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Tài chính

Trong suốt thời gian công tác của mình, kể từ khi ra trường cho đến lúc nghỉ hưu, có đến một nửa thời gian tôi làm việc tại Tạp chí Tài chính. Nói về Tạp chí Tài chính, tôi hết sức vui và tự hào về một tập thể có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, yêu nghề, tâm huyết và cống hiến hết mình, luôn sát cánh bên nhau, cùng xây dựng, phát triển đổi mới. Những thế hệ anh chị em sau này lần lượt đến với Tạp chí đều mang tinh thần, tình cảm như vậy.

Cán bộ Tạp chí Tài chính năm 1997.
Cán bộ Tạp chí Tài chính năm 1997.

Còn nhớ, năm 1996, Bộ Tài chính quyết định tách Tạp chí Tài chính ra khỏi Nhà xuất bản Tài chính, đưa về Viện Nghiên cứu Tài chính. Trước đó, anh Nguyễn Công Nghiệp, khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính đã có kế hoạch để việc xuất bản Tạp chí không bị gián đoạn.

Trước hết, anh Nghiệp cử anh Vũ Đình Ánh (phó tiến sỹ, nghiên cứu viên của Viện) đảm trách phần nội dung: lo cơ cấu, đặt bài, viết bài… Sau đó lựa chọn, điều chuyển nhân sự, hình thành một phòng thực hiện nhiệm vụ xuất bản Tạp chí.

Anh Nghiệp giao nhiệm vụ cho tôi một cách thân mật nhưng dứt khoát: “Cậu sang phụ trách Tạp chí Tài chính cho tớ!”. Có lẽ anh quyết như vậy vì khi đó tôi mới được bổ nhiệm chức trưởng phòng, đã có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác biên dịch, biên tập tại Phòng Thông tin của Viện Nghiên cứu Tài chính.

Thời điểm đó, về Tạp chí Tài chính, ngoài anh Ánh và tôi, còn có chị Lê Thị Hiền, chị Quỳnh Hoa và sau thêm chị Mỹ Dung.

Là người làm công tác nghiên cứu khoa học, yêu thích và tâm huyết với tạp chí chuyên ngành, trên cương vị của người lãnh đạo, anh Nghiệp rất quan tâm và chỉ đạo sát sao công việc của Tạp chí Tài chính. Điều đó càng khiến chúng tôi yên tâm, vững vàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ mới mẻ, còn nhiều bỡ ngỡ này.

Việc chọn lựa biên tập viên không mấy khó khăn vì có nguồn nhân lực dồi dào là anh chị em trong Viện, tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu công việc, nhất là trong giai đoạn mới, chúng tôi vẫn cần tìm kiếm, tuyển chọn thêm những người có nghiệp vụ báo chí, kỹ thuật viên, họa sỹ...

Yêu cầu của Viện trưởng - Tổng biên tập là việc xuất bản Tạp chí Tài chính không bị gián đoạn, song ngay từ đầu phải có sự đổi mới, dù ít, dù nhiều, cả về hình thức lẫn nội dung.

Chúng tôi họp, bàn bạc, thảo luận để cho ra những chuyên mục cụ thể, rõ ràng hơn; nội dung phong phú, có chiều sâu hơn, hàm lượng khoa học lớn hơn.

Về hình thức, cần tăng trang, đổi khổ để Tạp chí Tài chính mang một diện mạo mới, khác giai đoạn trước. Đây là quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cả tập thể để Tạp chí Tài chính luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, không ngừng nâng tầm về chất và lượng, hình thức lẫn nội dung.

Nhớ mãi thời gian đầu chúng tôi làm Tạp chí, vất vả nhưng cũng rất vui. Về nội dung, bài vở thì không phải lo lắng quá, bởi Tạp chí Tài chính được kế thừa đội ngũ cộng tác viên sẵn có từ các cục, vụ, viện trong và ngoài Bộ, từ nhiều cơ quan, địa phương…

Nay lực lượng này thêm hùng hậu bởi những nghiên cứu viên, các nhà quản lý do chúng tôi nỗ lực xây dựng họ thành mạng lưới cộng tác viên chất lượng, hiệu quả.

Để phần nào chủ động trong công tác chế bản, trình bày Tạp chí, chị Lê Thị Hiền được cử theo một khóa học tại Trung tâm tin học phố Nhà Chung để có thể vận hành, xử lý bài vở trên máy vi tính.

Dần dần, mọi người trong chúng tôi lần lượt được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tuy ngắn ngày nhưng lại hết sức hữu ích. Cứ như vậy, chúng tôi động viên nhau, bảo nhau mà làm.

Tiếp theo, Tạp chí tuyển thêm được các phóng viên, tuy mới tốt nghiệp Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng đều là những người nhiệt huyết, yêu nghề, có năng lực như anh Phạm Thu Phong, Phan Ngọc Chính… 

Sau thời gian thực tập tại Tạp chí, nhu cầu của Tạp chí “bắt được” với nguyện vọng của anh em, vì thế lực lượng làm Tạp chí cũng “hòm hòm”. Thêm người, thêm chuyên nghiệp, thêm sức mạnh của cả tập thể.

Năm 1997, Tạp chí được Bộ Tài chính trang bị cho 1 dàn máy vi tính Apple Macintosh phục vụ công tác thiết kế, chế bản điện tử, nhưng chưa ai biết sử dụng. Thật may, nhờ tích cực tìm kiếm, Tổng biên tập Nguyễn Công Nghiệp đã đưa được một kỹ thuật viên từ Thời báo Kinh tế về Tạp chí là anh Xuân Trường.

Kể từ đó, dàn máy tính mới chính thức được sử dụng và mang lại hiệu quả cho công tác thiết kế, chế bản. Măng sét của Tạp chí cũng là vấn đề rất được Lãnh đạo và Tòa soạn lưu tâm: chọn sao cho măng sét mang tinh thần đổi mới, dáng vẻ hiện đại, khác biệt, có dấu ấn thời kỳ phát triển mới.

Cuối cùng, mẫu thiết kế dự thi của họa sỹ Lê Phong Lan lọt vào “mắt xanh” của Tạp chí, cộng với nguyện vọng cá nhân, chị Lan chính thức đến với Tạp chí Tài chính.

Cứ như vậy, Tạp chí Tài chính được dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hình thành, phân định rõ bộ phận biên tập, bộ phận chế bản, nhưng tất cả đều quây quần trong một phòng làm việc. Sau này, khi trở thành đơn vị sự nghiệp có thu, công việc nhiều lên, phức tạp hơn, nhân sự tăng… Tạp chí Tài chính thành lập các ban: Biên tập, Trị sự, Tài chính điện tử, Trung tâm dịch vụ truyền thông, Văn phòng phía Nam… được bố trí phòng làm việc đàng hoàng hơn. Cùng với đó là mức độ chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của Tòa soạn cũng nâng lên đáng kể.

Chừng đó năm công tác, sao có thể nhắc lại hết những kỷ niệm của một thời…

Những tháng năm chuyển sang làm Tạp chí Tài chính hết sức ý nghĩa đối với tôi. Ngày 9/2/1996, tôi được bổ nhiệm Trưởng phòng kiêm giữ chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính. Kể từ đó, tôi vừa học, vừa làm một công việc mới mẻ - làm tạp chí chuyên ngành.

Về chuyên môn, vì tốt nghiệp đại học kinh tế - tài chính nên những kiến thức về Ngành là hết sức cần thiết, phải có, song về chuyên môn nghiệp vụ báo chí còn ít, do đó, tôi phải luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi nhiều.

Trong một thời gian dài công tác ở Tạp chí Tài chính, tôi luôn trăn trở để làm sao có thể tập trung được lực lượng, tâm sức và trí tuệ của anh chị em, nắm bắt sở trường, sở đoản để phát huy thế mạnh; khắc phục mặt còn yếu của từng người; đồng thời học hỏi, nghiên cứu, lắng nghe những đề xuất, sáng kiến của anh chị em. Nhờ vậy, Tạp chí Tài chính đã cho ra những sản phẩm ngày càng chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp của ngành Tài chính.

Về phần mình, tôi thấy thật may mắn khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thiết thực của Tổng biên tập qua các thời kỳ (anh Nguyễn Công Nghiệp, anh Hồ Xuân Phương, anh Vũ Văn Hóa), giúp tôi từng bước trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ được giao cho đến ngày nghỉ hưu.

Đến nay, Tạp chí Tài chính vẫn luôn là ngôi nhà tôi mến, tôi yêu và thường lui tới với tình cảm rất đặc biệt, trọn nghĩa vẹn tình. Ngôi nhà ấy giờ đã lớn hơn, chuyên nghiệp, hiện đại hơn với nhiều thành viên mới, song tôi vẫn mong được gặp gỡ anh chị em, nhắc lại những kỉ niệm xưa, hưởng những tình cảm ấm áp, chân thành từ những đồng nghiệp cả cũ lẫn mới.  

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 10/2023