Những nẻo đường của CEO...

Theo Thanh Thương - TBKTSG

Đường về doanh nghiệp trong nước của các CEO (từng làm cho công ty nước ngoài) sẽ thênh thang hơn nếu không có những “lô cốt” của cơ chế quản trị theo kiểu hành chính, máy móc, của cách quản lý kiểu gia đình...

Không thể vượt “lô cốt” gia đình

Rời bỏ vị trí giám đốc khu vực của một tập đoàn đa quốc gia sau hơn 10 năm gắn bó, anh về làm việc cho một công ty thực phẩm trong nước với chức danh giám đốc điều hành (CEO). Biết rằng sẽ không dễ dàng nhưng anh nghĩ cũng đã đến lúc phải thay đổi, thử sức mình ở một mô hình doanh nghiệp khác nên anh đi tìm miếng “phô maimới.

Thế nhưng, trong hơn hai tháng đầu nhận việc, anh vẫn đến công ty hàng ngày nhưng không được giao việc, giao quyền như đã được hứa. Anh vẫn được trả lương cao, với những chế độ đãi ngộ tốt, song như anh nói thì “thấy mình trở nên vô dụng”. Anh chỉ được giao những công việc soạn thảo giấy tờ cho vị chủ tịch trong các cuộc họp, hoặc tham dự các buổi họp để chủ tịch giới thiệu về anh như một “gương mặt sáng giá”. Khi anh đề đạt với vị chủ tịch muốn xem những dự án mà công ty triển khai chưa đạt hiệu quả mong muốn để có thể thay đổi thì họ đưa cho anh những hồ sơ dự án tốt; còn những dự án mà qua báo chí anh biết không hiệu quả, muốn bắt tay gầy dựng lại thì được xem là “bí mật kinh doanh” và anh không thể xen vào.

Rồi cũng đến lúc anh nhận ra rằng anh không có phô mai ở đây... Việc mời anh về làm là vì tên tuổi của anh sẽ làm tăng uy tín thương hiệu, cũng như giới truyền thông sẽ ca ngợi vị chủ tịch khi “dám” mời giám đốc bên ngoài vào làm cho một công ty gia đình, xem đó là một bước đổi mới trong quản trị. Còn công việc kinh doanh, họ không muốn anh nhúng tay vào vì sợ anh lấy đi những gì mà gia đình họ đã gầy dựng nên.

Thất bại, anh nghĩ có lẽ không thể làm CEO cho một doanh nghiệp kiểu gia đình được nữa. Nhưng rồi vài tháng sau, anh lại nhận được lời mời của vị chủ tịch một công ty chuyên về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Vị này xuất thân từ một người thợ nên ăn nói bộc trực, dễ gần, và anh khâm phục trước con người có thể làm giàu từ hai bàn tay trắng nên nhận lời.

Khác với công ty trước, ở đây anh được giao quyền, vị chủ tịch chỉ đôi lúc dặn dò công việc chứ không trực tiếp tham gia. Ở đây anh xây dựng được chiến lược quản trị mới, anh áp dụng phương thức trả lương theo sản phẩm, đẩy năng suất công nhân tăng cao. Anh cũng cho thay đổi cả bộ phận kế toán, những người mà anh biết rất rõ là có biển thủ ngân sách của công ty.

Tuy vậy, cũng đến một lúc anh “đụng độ” với ông chủ. Trong một lần anh quyết định thay đổi một số bảo vệ đã làm việc lâu năm ở công ty, khi có nhiều nguồn tin riêng cho biết đội ngũ bảo vệ thông đồng với công nhân mang hàng ra ngoài, anh đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của vị chủ tịch. Ông cho rằng anh đối xử không công bằng với nhân viên và làm xáo trộn công ty. Vậy là anh phải cho hệ thống bảo vệ mới nghỉ việc, và phải mời những người bảo vệ cũ quay về.

Rồi sự bất bình của anh đã ngày càng lớn hơn khi phu nhân chủ tịch tham gia vào việc quản lý, chỉ đạo trực tiếp nhân viên làm những điều bất lợi cho công ty mà anh hoàn toàn không biết. Và giọt nước đã thực sự tràn ly khi bà chủ tịch yêu cầu anh phải chấp nhận cho nhập hàng Trung Quốc rồi dán nhãn sản phẩm của công ty vào. Vậy là anh đưa đơn xin nghỉ.

Vị chủ tịch hội đồng quản trị không chần chừ, đồng ý ngay đề nghị của anh vì ông cũng nghĩ anh chỉ đem lại sự xáo trộn trong công ty. Nhưng sau đó, trong buổi họp với cán bộ quản lý, những người dự họp phản đối quyết định nghỉ việc của anh. Họ cho rằng chính anh đang giúp cho hệ thống quản trị công ty tốt hơn, năng suất làm việc cao hơn, mức lương của người lao động cũng hợp lý hơn. Và sau cùng, khi bộ phận kế toán đưa ra con số lợi nhuận của năm, vị chủ tịch như không tin nổi vào mắt mình, vì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm công ty có mức lợi nhuận sau thuế lên đến 21%, trong khi các năm trước, con số này không bao giờ vượt quá 13%.

Vậy là sau đó có đến bốn lần vị chủ tịch gặp anh, thuyết phục anh quay về... nhưng anh vẫn một mực từ chối. Sau 10 tháng làm việc, anh thấy mình bất lực trước mong muốn được thay đổi công ty, bất lực trước những việc làm vì cái lợi trước mắt của bà chủ tịch, bất lực vì kiểu quản lý gia đình, bất lực vì mình không nhận được sự tin tưởng của người chủ công ty...

Anh nghĩ rằng với hai bài học lớn, anh đã biết mình phải làm gì để tìm ra miếng phô mai mới cho bản thân. Giờ anh đã mở một công ty về tư vấn chiến lược. Anh thấy rằng với kinh nghiệm của một CEO khu vực, lại đã từng thử sức qua hai công ty trong nước, anh đủ khả năng để có thể tư vấn cho các công ty hoạch định kế hoạch và thực hiện tốt các chiến lược để phát triển. Điều này có ích hơn nhiều so với việc anh đầu quân vào một công ty nào đó, để rồi lại cay đắng ra đi.

Sống chung với “lô cốt” doanh nghiệp nhà nước

Nhân vật thứ nhì trong bài này về làm cho một công ty 100% vốn nhà nước đã được ba năm, đây là một công ty chuyên dùng vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau. Trước khi về đây anh đã làm việc cho một quỹ đầu tư nước ngoài khá lâu năm. Anh bảo lương ở đây so với công ty cũ là rất thấp nhưng anh muốn thử sức mình, vì đã nghe nhiều về các công ty nhà nước, chủ yếu là “phê bình” nhưng chưa thực sự được “trải nghiệm”. Sức trẻ cũng khiến anh muốn cống hiến, muốn áp dụng kinh nghiệm của mình từ một công ty nước ngoài vào việc thay đổi cách quản trị của một doanh nghiệp nhà nước.

Vì cũng đã lường trước những điều mình sẽ gặp nên anh không ngạc nhiên lắm trước những quy trình, thủ tục của một công ty theo kiểu trình xong thì... còn lâu mới ký. Khác với công ty cũ của anh, khi cần xin ý kiến, anh chỉ cần e-mail cho sếp, sếp đồng ý là có thể tiến hành công việc. Tuy vậy, anh cũng đã nhiều lần cảm thấy bức bách khi thời cơ đến, muốn đầu tư vào công ty nào đó bằng cách mua cổ phiếu trên sàn do giá đã xuống thấp, nhưng hồ sơ trình ký còn tít tận Hà Nội chưa vào đến nơi...

Chuyện người thân quen xin vào công ty làm việc cũng làm anh khó chịu vì bằng cấp không đủ, trình độ không cao, năng lực không tốt. Mấy lần đầu anh đồng ý, nhưng sau đó, anh cương quyết phản đối, về sau anh thấy không còn hiện tượng này nữa. Anh rất vui vì ít ra ý kiến của anh cũng được lắng nghe.

Sau ba năm, những suy nghĩ của anh đã khác trước, anh quan niệm phải làm cho quyết định của mình được thực thi hơn là bỏ cuộc cho dù nó khó hơn mình tưởng. Hiện tại anh thấy công ty đã có ít nhiều thay đổi, và anh thì “học được tính kiên nhẫn trong một công ty nhà nước”. Anh bảo không thể một sớm một chiều có thể thay đổi tư duy của những người đã làm trong môi trường này lâu năm, nhưng anh sẽ tiếp tục cố gắng.

Sao để xóa lô cốt

Theo bà Lê Thị Thúy Loan, Tổng giám đốc Công ty TNHH cung ứng nguồn nhân lực Loan Lê, nhiều công ty có môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, đấu đá nội bộ, chủ doanh nghiệp chưa nhất quán trong các định hướng, chủ trương... nên các CEO không muốn gắn bó, dù mức lương được trả rất cao.

Bà Loan cho rằng hiện tại thái độ làm việc và trình độ chưa đồng đều của nhân viên tại các doanh nghiệp nhà nước cũng là lý do khó thu hút CEO. Vì đã có nhiều CEO ra đi vì khó phối hợp làm việc với những người trong công ty.“Chỉ giải quyết vấn đề lương thôi sẽ không đủ, vì nếu môi trường chưa tốt, thiếu chuyên nghiệp thì với CEO, dù trả mức lương cao cũng khó thu hút được họ”, bà Loan nói thêm.

Trao đổi với TBKTSG, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn cho rằng doanh nghiệp phải tách bạch chức năng nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng quản trị và CEO. Trong quan hệ chủ doanh nghiệp và CEO thì yếu tố đầu tiên là sự đáng tin cậy và phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Hẳn nhiên doanh nghiệp không thể giao công ty mà mình xây dựng bằng mồ hôi nước mắt cho người không đủ sức, không đủ tin cậy. Cũng theo vị này, CEO đòi hỏi có “tầm”, nhưng cũng phải có “tâm”, phải biết nhìn quanh mình, đừng quên cuộc sống nhân viên và sự tận tụy của cộng sự.