Những đặc điểm chính
Trên thế giới hiện đang tồn tại nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. 12 nước đang tham gia đàm phán TPP cũng đang ràng buộc với nhau thông qua một hệ thống trên 30 thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Song so với các FTA khác, TPP có nhiều đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, TPP được đánh giá là hiệp định kiểu mẫu cho thế kỷ XXI do tiêu chuẩn cao và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn so với các FTA đang tồn tại.
Thứ hai, TPP thực hiện cơ chế mở, theo đó trong tương lai, những nước quan tâm có thể tham gia đàm phán gia nhập. Hiện nhiều nước, vùng lãnh thổ đã bày tỏ mối quan tâm muốn tham gia đàm phán như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Lào, Thái Lan, Colombia, Costa Rica. Tính mở của TPP có ưu điểm là chỉ bằng đàm phán TPP, một nước có thể cùng có FTA với nhiều đối tác. Song, điều này cũng gây khó khăn vì càng nhiều nước tham gia càng khó tìm điểm thống nhất và thời gian đàm phán càng kéo dài.
Thứ ba, TPP là một hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, song Trung Quốc - nền kinh tế thứ 2 thế giới, hiện vẫn đứng ngoài. Trong khi đó, Mỹ là nước tích cực nhất thúc đẩy đàm phán.
Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam
Việt Nam và chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam theo đuổi chiến lược lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Với chiến lược đó, kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 340 triệu USD năm 1986 lên 114,6 tỷ USD năm 2012. Nhập khẩu cũng tăng từ 600 triệu USD năm 1986 lên 114,3 tỷ USD năm 2012.
Độ mở của nền kinh tế (tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP) tăng từ 26% năm 1990 lên 170% năm 2012, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 1990-2012 là 24% năm, thuộc loại cao nhất thế giới. “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030” đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 255-265 tỷ USD vào năm 2020.
Cơ hội cho xuất khẩu
Thứ nhất, cơ hội mở rộng thị trường. Việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP thể hiện nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ nhằm tiếp tục củng cố vị thế ở các thị trường truyền thống và tiếp cận các thị trường mới để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu.
Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta. Trong các nước đối tác TPP, nhiều nước là các cường quốc thương mại thế giới đồng thời là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Bảng 1).
Kỳ vọng của Việt Nam khi tham gia đàm phán TPP là tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác cho các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước. Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ.
Song, do dịch vụ của Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều nên lợi ích từ TPP chủ yếu ở việc hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được hưởng các mức thuế suất ưu đãi (0-5%) ở các thị trường đối tác, đặc biệt là Mỹ.
Thứ hai, cơ hội đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn với mức thuế suất 0-5% sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng sáng sủa cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ là các ngành xuất khẩu quan trọng hiện nằm trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực (Bảng 2).
Các nhóm hàng này sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, đặc biệt là tại Mỹ (thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới) và Nhật Bản (thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới).
Dệt may hiện là ngành xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch năm 2012 đạt trên 15 tỷ USD (chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 50% và sang Nhật Bản chiếm 10%. Hiệp định TPP được ký sẽ giúp ngành dệt may tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế suất 0% so với mức thuế trên 7% hiện nay. Như vậy, mức kim ngạch sang thị trường này sẽ không dừng lại ở mức 7,5 tỷ USD năm 2012.
Da giày hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ 5 với kim ngạch năm 2012 đạt 7,2 tỷ USD (chiếm 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 31%, sang Nhật Bản chiếm 5%. Hiệp định TPP sẽ giúp ngành da giày tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế suất 0% thay vì trên 12% hiện nay. Như vậy, mức kim ngạch sang thị trường này sẽ không dừng lại ở mức 2,24 tỷ USD năm 2012.
Thủy sản (chủ yếu cá tra, cá ba sa, tôm) hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ 6 với kim ngạch năm 2012 đạt gần 6,2 tỷ USD (5,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 17%, sang Nhật Bản 12%. Nếu Hiệp định TPP được ký, thuế của Mỹ áp cho thủy sản Việt Nam sẽ chỉ còn từ 0% tới 6%.
Đồ gỗ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là trên 4,6 tỷ USD (chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu). Với Hiệp định TPP, thuế của Mỹ áp cho đồ gỗ Việt Nam sẽ là 0%, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.
Thứ ba, cải thiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội được tham vấn giữa chính phủ với chính phủ các nước đối tác về các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Việt Nam cũng có thể có được cam kết của các thành viên không sử dụng hoặc hạn chế các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp. Ngoài ra, Việt Nam có thể có cơ hội sử dụng các cam kết của TPP về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ để tránh các tranh chấp.
Thách thức với xuất khẩu
Thứ nhất, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Cam kết giảm thuế nhập khẩu ngay đối với phần lớn các nhóm hàng từ các nước đối tác TPP sẽ khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước này gia tăng nhanh chóng. Hệ quả là thị phần của các nhà sản xuất trong nước tại sân nhà sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ sản xuất của không ít DN bị thu hẹp.
Thứ hai, Việt Nam phải đối mặt với bất lợi về xuất xứ hàng hóa. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa đang đàm phán của TPP, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên TPP sang thành viên khác phải có xuất xứ "nội khối TPP" mới được hưởng ưu đãi. Như vậy, sản phẩm nào sử dụng nguyên liệu của các nước bên ngoài TPP không được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam hiện chủ yếu là nền kinh tế gia công xuất khẩu dựa trên nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào (từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc) nên ưu đãi sẽ rất hạn chế.
Thứ ba, khả năng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ bị áp dụng nhiều hơn. Sau khi Hiệp định TPP được ký, hàng hóa Việt Nam vào các nước TPP nhiều hơn kéo theo khả năng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp bị áp dụng nhiều hơn. TPP không giúp hạn chế việc các nước thành viên áp dụng biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Thứ tư, khả năng hàng rào kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ sẽ ngày càng cao nếu hàng hóa Việt Nam sẽ vào các nước TPP nhiều hơn.
Thứ năm, Mỹ và một số thành viên TPP vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Việc Việt Nam vẫn bị một số thành viên TPP coi là nền kinh tế phi thị trường khiến các lợi ích có được từ TPP bị hạn chế rất nhiều.
Thứ sáu, việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP do Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa từ các nước đối tác.
Cơ hội và thách thức đối với FDI tại Việt Nam
Thu hút nhiều hơn FDI từ các nước đối tác TPP
Dù hiện có khoảng 100 quốc gia vàvùng lãnh thổđã đầu tư vào Việt Nam, song đầu tư tập trung vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ (Bảng 3), trong đó có các thành viên TPP như Nhật Bản (xếp thứ 1), Singapore (thứ 4), Malaysia (thứ 7), Mỹ (thứ 8).
Các nước đối tác TPP đó vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đàm phán TPP sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội lớn để tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác TPP, đặc biệt vào các lĩnh vực dịch vụ mà hiện Việt Nam rất cần nâng cấp như bảo hiểm, tài chính, viễn thông, vận tải.
Thách thức với dòng vốn FDI
Một số nước tham gia đàm phán đang cố gắng đưa vào TPP những điều khoản về việc trao đặc quyền mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quyền thực thi pháp luật tư thông qua các tòa án đặc biệt có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ nước sở tại. Nếu vậy, TPP sẽ giới hạn sự kiểm soát của các chính phủ đối với các DN nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ mình, đồng thời trao cho các DN nước ngoài nhiều quyền lợi hơn so với các DN trong nước.
Hơn thế nữa, các DN nước ngoài được trao quyền trực tiếp kiện chính phủ một nước TPP ra tòa án nước ngoài thay vì tòa án và pháp luật nước đó. Các DN nước ngoài cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các quy định pháp luật nội địa về quyền sử dụng đất, môi trường, sức khỏe, tài chính và các lĩnh vực khác mà họ cho là vi phạm các đặc quyền TPP mới của họ.
Ngoài ra, nhiều quốc gia TPP đồng ý về việc xem xét và đệ trình thẩm quyền của các tòa án nước ngoài này, về việc các tòa án này có thể được trao quyền yêu cầu các nước phải bồi thường không giới hạn từ nguồn ngân sách của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết luận
Tham gia TPP chúng ta cũng sẽ đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải xem các thách thức đó là sức ép buộc chúng ta phải đổi mới và cải cách nhanh hơn và mạnh hơn. Phải xem cạnh tranh là một yếu tố tích cực buộc chúng ta phải tự đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Điều này, nếu được thực hiện tốt, chính là kết quả lớn nhất mà TPP (và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung) mang lại cho đất nước ta.
Tài liệu tham khảo:
1. P.A. Petri, M.G. Plummer and Fan Zhai (2012), “The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: A Quantitative Assessment”, Peterson Institute for International Economics and East-West Center;
2. Tổng cục Thống kê (2013), "Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam 2012“;
3. Tổng cục Thống kê, "Số liệu thống kê đầu tư FDI tại Việt Nam", 1988-2011.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013
Những tác động đến xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam
(Tài chính) Việc Việt Nam chính thức tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ năm 2010 thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Cơ hội mở ra với xuất khẩu và đầu tư là khá to lớn nhưng bên cạnh đó cũng kèm theo những thách thức không nhỏ...
Xem thêm