Những thách thức kinh tế chờ tân lãnh đạo Trung Quốc

Theo VnExpress

Đó là tăng trưởng GDP ì ạch, tỷ lệ lao động có trình độ thất nghiệp lớn, nhân lực giá rẻ ngày càng cạn kiệt và giá bất động sản tại các thành phố đắt đỏ.

Những thách thức kinh tế chờ tân lãnh đạo Trung Quốc
Đại hội Đảng lần thứ 18 tại Trung Quốc đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quan trọng nhất thập kỷ của nước này. Nếu không có bất ngờ, đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ mới (sinh trong thập niên 50) là Tập Cận Bình (1953) và Lý Khắc Cường (1955) sẽ được bầu làm Chủ tịch và Thủ tướng mới của Trung Quốc.

Thập niên trước, sự "thức dậy lịch sử" của Trung Quốc, như Napoleon từng tiên đoán, đã trở thành hiện thực. Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 9,9% mỗi năm trong suốt một thập kỷ.

61 công ty nước này cũng lọt vào Fortune 500 - danh sách những công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune. Chính sách ngoại giao kinh tế cũng giúp Trung Quốc tạo được ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ đã giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này phá sản. Tăng trưởng quý III chỉ đạt 7,4%, giảm so với 7,6% quý trước và là thấp nhất kể từ 2009.

Những nhân tố giúp nước này tăng trưởng ấn tượng thập kỷ qua cũng không còn tác dụng lớn nữa. Nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ ở đây đang cạn kiệt. Trung Quốc thiếu lao động ở khâu cuối, nhưng lại có nhiều nhân lực tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp.

Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu của nước này cũng sớm hơn hầu hết các nước khác ở châu Á (55 tuổi đối với phụ nữ và 60 tuổi đối với nam giới), gây ra tình trạng già hóa dân số và tăng tỷ lệ phụ thuộc. Mất cân bằng giới tính cũng có thể thay đổi cấu trúc gia đình và mô hình hàng hóa tiêu thụ tại đây. Giá bất động sản tăng vọt, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu không thể mua nhà cũng biến các thành phố ở Trung Quốc thành "rừng bê-tông".

Kinh tế của Trung Quốc cất cánh chủ yếu nhờ các chính sách từ thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và các Thủ tướng Lý Bằng, Chu Dung Cơ (1987-2002), sau đó đơm hoa kết trái trong thập kỷ qua, dưới thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (2002-2012). Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lãnh đạo Trung Quốc không có sự nhất trí cao về đường lối phát triển kinh tế hiện nay, dẫn đến sự trì trệ và bế tắc trong cấu trúc bộ máy nhà nước.

Đội ngũ lãnh đạo thế hệ mới của Trung Quốc được đánh giá là gai góc hơn. Họ được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi, động lực và cách tư duy mới cho con đường phát triển của Trung Quốc.