Những thách thức nào khiến doanh nghiệp khó ứng dụng AI?


Đối diện với công nghệ mới, nhất là những công nghệ có thể thay thế một số công việc của con người như trí tuệ nhân tạo (AI) chính là sự đối diện rất khó khăn.

Với khả năng tăng năng suất lao động, giảm chi phí, ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp trở thành xu hướng chính trong thời đại số
Với khả năng tăng năng suất lao động, giảm chi phí, ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp trở thành xu hướng chính trong thời đại số

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc quốc gia Việt Nam, khối kinh doanh marketing và truyền thông của tập đoàn Intel Việt Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng AI đã và sẽ trở nên phổ biến trong các doanh nghiệp bởi công nghệ mới này đem lại rất nhiều giá trị, chủ yếu là phục vụ con người tốt hơn.

Tại doanh nghiệp, AI được sử dụng phổ biến trong việc tạo ra môi trường làm việc để mỗi cá nhân có thể phát huy được năng lực, có cơ hội phát triển theo cách mong muốn, đóng góp giá trị chung cho tập thể, có định hướng phát triển trong tương lai… một cách chủ động.

Ngoài ra, bằng công cụ tính toán, AI tạo nên sự khác biệt rất lớn, hỗ trợ tối ưu dây chuyền sản xuất, tiết kiệm nhiều chi phí vận hành sản xuất, đặc biệt trong chuỗi cung ứng; mua sắm nguyên nhiên vật liệu đầu vào phù hợp nhất theo từng thời điểm và nhu cầu sản xuất…

Tuy nhiên, khi AI len lỏi vào công việc hàng ngày cũng tạo ra không ít thách thức. Với AI có thể thay thế con người thực hiện một số công việc mang tính thường nhật, lặp lại, quy trình, tỷ mỷ.

Ông Phùng Việt Thắng cho rằng, một trong những thách thức lớn là rào cản nhận thức. Đối diện với công nghệ mới và sự thay đổi do công nghệ mang lại, nhất là những công nghệ có thể thay thế một số công việc của con người chính là sự đối diện rất khó khăn.

Trong trường hợp này, nếu có đủ nhận thức tốt, có thể biến thách thức thành cơ hội. Nhận thức tốt nằm ở nhiều góc độ, với tổ chức, doanh nghiệp tạo ra môi trường để các nhân sự, các bộ phận học hỏi, trao đổi, tận dụng giá trị tốt của công nghệ, AI.

Cùng với đó, áp dụng công nghệ có quy trình và lộ trình cụ thể để lợi ích của công nghệ không mâu thuẫn với giá trị của con người đã từng đem lại. Mỗi cá nhân, nhóm cá nhân hay tổ chức nhỏ trong doanh nghiệp, tổ chức lớn đều có giá trị đóng góp cho công nghệ đó được tốt lên theo hướng có thể quản trị được.

Thứ hai, thách thức liên quan đến dữ liệu, trong đó, quan trọng là bảo mật dữ liệu, quyền sử dụng dữ liệu, quyền sở hữu dữ liệu, quyền lưu trữ dữ liệu… Đặc biệt là quyền tuân thủ dữ liệu, truy cập và sử dụng dữ liệu, nhất là với những dữ liệu cá nhân. Thông tin nào có thể được chia sẻ, thông tin nào chỉ bộ phận quản lý mới biết.

Thứ ba, AI hay những công nghệ mới nổi được trao quyền cho mọi người một cách rộng rãi đều có tính rủi ro cao nhất định. Công nghệ càng mới rủi ro càng cao, nhất là với AI - sản phẩm của con người nhưng cũng chính vì học hỏi từ con người nên AI sẽ cạnh tranh với con người.

Do vậy, muốn phát triển AI cần có những định chế liên quan đến việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đạo đức AI, khuôn khổ pháp lý liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng AI… Xu hướng phát triển AI nếu không có khuôn khổ ràng buộc như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không được kiểm soát sẽ tạo nên những hệ luỵ không mong muốn.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn