Bất cập từ Nghị định 84/2009/NĐ-CP
Trước hết có thể khẳng định, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009 là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Sau gần 5 năm thực thi, Nghị định này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền móng căn bản để dẫn dắt việc kinh doanh xăng dầu dần dần vận hành theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Nghị định này cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu, về khuyến khích sử dụng xăng sinh học… Cùng với đó, một số quy định rất khó thực hiện thậm chí không thể thực hiện được. Cụ thể, việc quy định tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng kho chứa 5.000m³ từ 5 năm trở lên. Để có được một kho chứa xăng như vậy, tổng đại lý cần phải có một diện tích trên 1ha, kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện không chỉ 3 năm.
Mặt khác, Nghị định 84/2009/NĐ-CP cũng chưa làm rõ trách nhiệm của thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, xử phạt hệ thống kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, việc trích lập Quỹ bình ổn giá thông qua giá bán lẻ còn chưa hợp lý...
Từ những bất cập đó, cần sửa đổi nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường xăng dầu Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các nước trong khu vực; đảm bảo bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người sử dụng; tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, đồng thời để các đơn vị kinh doanh xăng dầu không bị lỗ do cơ chế; giữ vững an ninh năng lượng; tạo điều kiện cho người sử dụng có thông tin minh bạch về giá bán lẻ xăng dầu.
Những thay đổi căn bản của Nghị định 83/2014/NĐ-CP
Một trong những điểm mới của Nghị định 83/2014/NĐ-CP là ngoài ba đối tượng tham gia thị trường chính trước đây (đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ) đã bổ sung thêm hai đối tượng nữa là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền. Đối với thương nhân phân phối, quyền và nghĩa vụ sẽ ngang với đầu mối kinh doanh xăng dầu, được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá, nhưng không được quyền nhập khẩu xăng dầu. Thương nhân nhận quyền là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối. Những quy định này nhằm tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, mở rộng các thành phần tham gia vào kinh doanh xăng dầu sẽ “phá vỡ” cách làm độc quyền bấy lâu nay, tăng tính đa dạng, tạo hiệu ứng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường xăng dầu. Việc bổ sung thêm hình thức phân phối và mở rộng đối tượng phân phối cũng như lộ trình đầu tư cơ sở vật chất sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình kinh doanh xăng dầu, tăng thêm khả năng cạnh tranh vốn đã ít ỏi trong lĩnh vực kinh doanh này ở Việt Nam
Nếu như Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định giá xăng dầu do DN quyết định nhưng thực tế là do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Còn theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì DN là đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. Điều này đã tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu và thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau.
Nghị định mới cũng làm rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào văn bản kê khai giá hoặc văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối gửi, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá. Trường hợp Chính phủ không thực hiện bình ổn giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền văn bản kê khai giá và quyết định điều chỉnh giá theo quy định. Trường hợp Chính phủ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 17 và 18 của Luật Giá, thương nhân đầu mối phải gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân.
Điểm khác biệt của Nghị định 83/2014/NĐ-CP so với quy định trước đây là không hạn chế mức giảm và số lần giảm giá, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai 2 lần giảm và số lần giảm giá. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính). Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có). Nếu quá thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh nhưng không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể. Mặt khác, căn cứ giá bán buôn xăng dầu của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu quy định giá bán lẻ xăng dầu thống nhất trong hệ thống phân phối của mình, không cao hơn giá cơ sở do liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố.
Ngoài các quy định trên, việc trích lập Quỹ bình ổn giá cũng được tường minh hơn tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá để tham gia bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá được thương nhân đầu mối hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch và chỉ sử dụng vào mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật. Quỹ bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể tính trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá bán của thương nhân đầu mối. Việc trích lập vào Quỹ bình ổn giá được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong trường hợp cần thiết, liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét điều chỉnh mức trích lập cho phù hợp với biến động của thị trường. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Để người dân có thể nắm bắt được kịp thời thông tin về giá xăng dầu và có thể tham gia cùng cơ quan quản lý giám sát thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý; các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.
Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý; các biện pháp điều hành khác.
Vẫn còn những băn khoăn…
Dù nhiều điểm mới đã khắc phục những hạn chế cũ nhưng dư luận xã hội và các DN vẫn còn băn khoăn về một số vấn đề xoay quanh Nghị định này.
Cụ thể, về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dù đã có tiến bộ hơn trong quy định rõ về trích lập, quản lý, sử dụng quỹ, nhưng việc trích thường xuyên, liên tục sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ví dụ, giá xăng 20.000 đồng/lít nhưng nếu trích thường xuyên (có thể là 300 đồng/lít), người tiêu dùng sẽ bị thiệt. Hoặc nếu xả quỹ liên tục thì cũng không DN nào chịu được.
Theo đó, Nhà nước cần phải xem xét rõ việc trích quỹ và có hướng dẫn về thời gian và mức trích quỹ. Nghị định đưa ra nguyên tắc thị trường phải có biến động giá từ 3 – 7% mới được trích quỹ này nhưng ngay tại Nghị định lại cho phép trích lập quỹ thường xuyên, liên tục. Như vậy cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về trích thế nào.
Ngoài ra, theo một số DN, hiện Nghị định vẫn còn những điểm phải chờ thông tư hướng dẫn mới có thể thực hiện được. Để giá xăng dầu ổn định dễ dự báo thì 2 yếu tố có biến động cần phải tính toán giảm bớt là thuế và tỷ giá. Do tỷ giá khó dự đoán nên Nhà nước cần giữ ổn định thuế nhập khẩu theo 2 phương án: Cố định mức thuế nhập khẩu trong 6 tháng đến 1 năm hoặc cố định thuế suất căn cứ theo thị trường xăng dầu thế giới, nhu cầu trong nước và phải được Quốc hội quyết định. Thời gian Nghị định có hiệu lực không còn nhiều, nếu không có thông tư hướng dẫn thì Nghị định 83/2014/NĐ-CP sẽ bị ách tắc, bởi tới tháng 12/2014, các DN đầu mối sẽ phải nhập khẩu xăng dầu.
Bên cạnh những băn khoăn trên thì việc kiểm soát chất lượng giá xăng sẽ ra sao khi có nhiều thành phần tham gia cung cấp trên thị trường cũng là vấn đề đang đặt ra. Trước đây, tổng đại lý chỉ được mua một đầu mối và đầu mối đó phải đảm bảo chất lượng. Tới đây, tổng đại lý được mua từ nhiều đầu mối khác nhau, rồi đầu mối lại bán cho thương nhân nhận quyền… do đó, chất lượng từ điểm đầu đến điểm cuối lại là một câu hỏi lớn. Lúc này cả 4 Bộ (Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường) cần phải thống nhất và đưa ra hướng dẫn cụ thể về chất lượng xăng dầu mới mong quản được.
Ngoài ra, Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng vẫn còn khuyết về các chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, nếu xử phạt mà chỉ quy định trong Thông tư hướng dẫn thì sẽ không đủ tính pháp lý. Chế tài xử phạt phải ở mức cao mới đủ sức răn đe. Mặt khác, khi soạn thảo thông tư cần bổ sung nguyên tắc khi điều chỉnh giá lên cần đảm bảo nguyên tắc yếu tố cấu thành giá cơ sở, chứ không phải DN muốn tăng là tăng và không biến việc tăng này trở thành cơ hội để tạo lợi nhuận độc quyền cao. Trong Thông tư cũng cần đưa ra các chế tài quy định trách nhiệm để đảm bảo không có vi phạm.
Những thay đổi căn bản về kinh doanh xăng dầu
(Tài chính) Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014, Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3/9/2014, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được đánh giá cao về những đổi mới mang tính đột phá theo cơ chế thị trường. Bài viết bình luận những điểm đổi mới căn bản cũng như một số vấn đề dư luận còn băn khoăn tại Nghị định này.
Xem thêm